Giải pháp nào cho Đồng Tâm?

0
692

Cho đến nay, khi “vụ Đồng Tâm” đang đi đến đoạn kết thì bỗng dưng chững lại, vì sao vậy?

Giải pháp nào cho Đồng Tâm?

Theo kết luận thanh tra, và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã từng bước xử lý khủng hoảng Đồng Tâm. Chính quyền Hà Nội đã khởi tố vụ án vi phạm quản lý đất đai khu quy hoạch sân bay Miếu Môn, truy tố 14 cán bộ Dông Tâm và Mỹ Đức; khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ, cố ý hủy hoại tài sản. Song bước đi cuối cùng thực thi pháp luật với những bị cáo, thu hồi đất đai đang gặp phải sự chống đối quyết liệt của một số dân chúng ở Đồng Tâm.

Điều này khiến chính quyền Hà Nội đứng trước sự cân nhắc lựa chọn phương án giải quyết sao cho trọn vẹn, có lý, có tình tạo sự đồng thuận trong nhân dân địa phương và dư luận xã hội, đúng nghĩa là chính quyền do dân, vì dân.

Theo kết luận thanh tra thì toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, đã cắm mốc giới, lập các sơ đồ, bản đồ quản lý đất đai từ năm 1981 và đã được kiểm định lại của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017) không có thay đổi, chuyển dịch.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ việc bàn giao thu hồi đất sân bay đã hoàn thành từ năm 1981. Tuy nhiên do buông lỏng quản lý, sử dụng các đơn vị quốc phòng đã ký hợp đồng canh tác đất tăng gia hàng năm với UBND xã Đồng Tâm để UBND xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp dẫn đến chiếm dụng trái phép.

Cùng với đó, các đơn vị quốc phòng chưa thực hiện di dời một số hộ dân đã ở trên đất quốc phòng từ trước năm 1980, để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép mà đơn vị quốc phòng không có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để.

Trong quá trình quản lý về dân cư và trật tự xây dựng, UBND xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý để các hộ dân xây dựng không phép trên đất quốc phòng. Mặt khác, từ năm 2003 đến năm 2010, UBND xã Đồng Tâm đã xác nhận các hồ sơ thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng của các hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng là trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ việc tháng 2-2017, một số công dân tự ý tổ chức đo đạc, phân lô trên phần diện tích đất Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đang thực hiện dự án quốc phòng trong diện tích đất sân bay Miếu Môn, mặc dù UBND xã Đồng Tâm đã có thông báo nêu rõ đây là đất quốc phòng, đề nghị các công dân không được vi phạm pháp luật, nhưng trong các ngày từ 25 đến 28-2-2017, một số công dân vẫn cố tình đưa máy móc vào để chia đất, xây dựng công trình trái phép là hành vi chiếm đất quốc phòng, coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Khoản 1, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, vi phạm trật tự an toàn xã hội.

Từ đó, Thanh tra Thành phố đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo các đơn vị quốc phòng kiểm tra, rà soát, có biện pháp quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, trong đó có diện tích 236,7 ha đất sân bay Miếu Môn; có biện pháp thu hồi ngay những diện tích đất quốc phòng đang cho thuê, cho mượn, để bị lấn, bị chiếm, chuyển nhượng trái phép trong phạm vi đất được giao tại sân bay Miếu Môn và các địa điểm khác; rà soát các hồ sơ giao đất của các đơn vị quốc phòng đang sử dụng đất để phát hiện và xử lý ngay những tồn tại, bất cập; không để xảy ra tình trạng vi phạm, dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra những sai sót, xử lý nghiêm khắc các sai phạm.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức và các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm. Đã có 8 người bị xử lý kỷ luật khai trừ đảng, 6 người bị cảnh cáo, 5 người bị khiển trách; về chính quyền: 12 người bị cảnh cáo, 1 người bị khiển trách và 1 người bị buộc thôi việc. Công an huyện Mỹ Đức đã khởi tố 14 bị can, tạm giam 2 đối tượng (nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm) để phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng đang điều tra làm rõ, để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và cá nhân có liên quan đối với quản lý, sử dụng đất quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Sau quá trình điều tra, truy tố, ngày 8-9/8/2017, phiên toà xử vụ Đồng Tâm đã được tổ chức công khai tai huyện Mỹ Đức. TAND huyện Mỹ Đức tuyên án từ 18 tháng đến 6 năm 6 tháng tù đối với 10 bị cáo là cán bộ xã Đồng Tâm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 4 cán bộ phòng tài nguyên môi trường huyện Mỹ Đức bị tuyên từ 24 tháng tù đến 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng với đó, CA thành phố Hà Nội cũng đã khởi tố vụ án “chống người thì hành công vụ”, 4 bị cáo nòng cốt, cầm đầu vụ việc bắt giữ 38 cán bộ, chiến sỹ công an, đập phá phương tiện công vụ đang bị điều tra. Liên quan đến vụ việc, đã có 69 người ở Đồng Tâm đến trình diện, nhận lỗi với chính quyền.

Bước một của mâu thuẫn (xử lý cán bộ sai phạm) đã được giải quyết. Tính nghiêm minh của pháp luật đã và đang được thực thi, dư luận và nhân dân, trong đó có cả nhân dân Đồng Tâm, Mỹ Đức đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình và “nhóm đồng thuận” do ông lập ra để tuyên truyền lừa dối, lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện đòi 59ha đất Đồng Sênh vẫn không chấm dứt. Những ngày gần đây, ông Lê Đình Kình còn tiến thêm những bước đi nguy hiểm, kêu gọi những phần tử cơ hội chống đối trong nước và nước ngoài can thiệp. Lấy tình cảm dòng họ, gia đình và những người chịu ơn nghĩa với ông trước đây để kết tụ thành lực lượng chống đối, sử dụng những phần tử bất hảo trong thôn xóm đe dọa, khống chế những người lên tiếng ủng hộ chính quyền.

Sự thật là không có 59 ha đất nông nghiệp cánh đồng Sênh thuộc quyền sử dụng của dân Đồng Tâm. Yêu sách trả tiền bồi thường về đất khi GPMB khu đất 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng thuộc sân bay Miếu Môn cho cho dân Đồng Tâm là không có căn cứ.

Kết luận thanh tra đã nói rõ: Theo bản đồ hiện trạng đất sân bay Miếu Môn tỷ lệ 1/5000 lập năm 2013 và Bản đồ địa giới hành chính lập theo Chỉ thị số 364/CT-TTg ngày 6-11-1991 của Thủ tướng Chính phủ do Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường 1, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức và UBND các xã: Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc, Đồng Tâm thực hiện ngày 31-5-2017 và ngày 9-6-2017, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,03 ha.

Việc ông Lê Đình Kình và một số công dân cho rằng phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106 ha là không đúng. Hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp diện tích 59 ha hoặc 49 ha xứ đồng Sênh như ông Lê Đình Kình và một số người dân nêu.

Các mốc giới hạn diện tích 50,03 ha do Quân chủng Phòng không Không quân cắm năm 2016 để giao đất cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng dự án quốc phòng nằm trong đất sân bay Miếu Môn. Thực tế không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng.

Tất cả mọi lý lẽ, mọi ngã đường làm lối thoát cho nhóm “đồng thuận” và một số cá nhân ở Đồng Tâm đều bế tắc. Song chính quyền vẫn không ra tay trấn áp để đảm bảo công lý được thực thi, vì sao vậy?

Trước hết, đấy là vì chính quyền Hà Nội đã nhận thức đúng về vấn đề giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân.

Mâu thuẫn giữa dân Đồng Tâm với chính quyền là loại mâu thuẫn nội bộ nhân dân, mâu thuẫn có cùng chung lợi ích vì sự ổn định và phát triển của đất nước, không phải là mâu thuẫn “địch ta”, mâu thuẫn “đối kháng”. Như dân Đồng Tâm đã nói, họ vẫn tin vào Đảng và Chính quyền, họ chỉ chống tham nhũng. Và vì vậy nó chỉ nên đươc giải quyết chủ yếu bằng giáo dục, thuyết phục chứ không nên giải quyết chủ yếu bằng bạo lực trấn áp.

Thứ hai, vụ việc Đồng Tâm có những đặc thù mà không thể giải quyết một sớm, một chiều, nóng vội. Cũng như bao vùng quê khác ở Việt Nam, quan hệ họ hàng, thân tộc chằng chịt, đôi khi ở quy mô cả một làng chỉ có một hai dòng họ, tình thân gắn bó với nhau đến mức tộc ước, lệ làng lấn át cả luật pháp. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, họ có thể hiểu luật pháp nhưng vì thân tộc mà bất chấp luật pháp.

Ở Đồng Tâm là như vậy, dòng họ Lê Đình một thời “oanh liệt” đã nắm thế “thượng phong” quản lý làng xã. Sẵn có vị thế, họ đã lấy thế, lấy tình thay lý trong quản lý đất đai nên đã vấp phải những sai lầm nghiêm trọng. Đến khi sa cơ thì gần như tất cả đều sụp đổ, đã có ít nhất 6 người dính vòng lao lý và liên can trong vụ bạo động Đồng Tâm. Ngoài ông Lê Đình Kình còn có Lê Đình Thuần (nguyên chủ tịch xã) đã bị truy tố, Lê Đình Tuyến (phó phòng TNMT huyện Mỹ Đức), Lê Đình Ba (phs thôn Hoành), Lê đình Công (con trai ông Kình) là những người vi phạm chế độ quản lý đất đai, trực tiếp kích động, tổ chứ người bắt giữ 38 cán bộ, đập phá 5 xe ô tô công vụ. “Đâm lao thì phải theo lao” họ đã co cụm với nhau để tự vệ mặc dầu biết là mình sai và đã thừa nhận cái sai. Họ không đại diện cho dân Đồng Tâm mà chỉ đại diện cho dòng họ Lê Đình.

Thứ ba, động cơ chủ yếu làm dân Đồng Tâm chống đối quyết liệt đấy là “lợi ích”. Vì lợi ích mà họ đã bất chấp quy định của pháp luật để chiếm dụng đất đai, mua bán kiếm lời và bây giờ là hy vọng vào chính sách đền bù giải tỏa thu lợi, mặc dù lợi ích là không chính đáng vì đất đai ấy không phải là sở hữu của họ (như kết luận thanh tra). Đấu tranh chống tiêu cực, đòi quyền lợi chỉ là cái cớ ngụy biện.

Tuy nhiên, trong vụ Đồng Tâm không phải tất cả dân Đồng Tâm đều có lợi ích ở Đồng Sênh. Ngay cả lợi ích của những người trong nhóm chống đối (chủ yếu ở thôn Hoành) không phải là đồng nhất, mỗi cá nhân, mỗi nhóm tiêu chí, mức độ yêu cầu lợi ích là khác nhau, động cơ vụ lợi khác nhau nên mức độ chống đối khác nhau. Vì vậy cần có cách thức tiếp cận phù hợp để tháo gở, không nên đánh đồng, quy kết, nghiêm trọng hóa vấn đề như nhau. Điều đó chỉ làm cho tính cố kết của họ tăng thêm và không tranh thủ được những người tốt trong nhân dân.

Thứ tư, nhóm chống đối đã ngộ nhận về nhân quyền, về sức mạnh ủng hộ của dư luận và lực lượng đối lập khi mắc mưu tuyên truyền kích động của những kẻ xấu muốn biến Đồng Tâm thành tâm bão của sự bất tuân luật pháp.

Quyền có đất đai (mặc dù là bất hợp pháp) vì lợi ích mưu sinh của một bộ phận đã vượt quá giới hạn, tiếm quyền quyền lợi dân tộc, đất nước (thứ quyền cao nhất). Công trình quốc phòng đảm bảo cho sự tồn vong của đất nước mới là quyền cao nhất đã được hiến định. Hơn nữa, nhà nước thu hồi đất nhưng vẫn có phương án thích hợp để đảm bảo an sinh cho dân Đồng Tâm chứ không phải triệt tiêu đường sống của nhân dân. Vậy thì vì cớ gì mà họ chống đối, ấy là vì thiếu nhận thức mà bị kích động, vì chạy tội.

Điều đáng nói là, cư dân mạng, thậm chí là cả truyền thông đã ngộ nhận và phản ứng bầy đàn xuôi chiều theo những luận điệu xấu, có mục đích của những âm mưu đen tối. Mặc định một tâm lý đã là chính quyền thì đều sai và “nhân dân” đều đúng là thái độ thiếu khách quan vô tình nối giáo cho giặc, củng cố niềm tin cho hành vi sai trái của một bộ phận dân Đồng Tâm, đẩy sự việc đến tình huống xấu cho người dân Đồng Tâm mỗi khi họ quá đà trong hành động.

Những tuyên ngôn của nhóm chống đối ở Đồng Tâm về quyết tâm chống đối, thậm chí lôi kéo, kêu gọi lực lượng chuyên dàn dựng những vụ bất tuân luật pháp của “Hội anh em dân chủ” mà Hồng Thái Hoàng là thành viên nòng cốt; Kêu gọi cả một số cơ quan đại diện nước ngoài can thiệp, hỗ trợ biểu hiện sự ngộ nhận, lệch lạc nhân thức và khủng hoảng lực lượng đồng phạm. Họ đang lo sợ vì thấy người dân Đồng Tâm càng ngày càng thấy rõ bản chất vấn đề nên xa lánh họ.

Tôi đồng tình với cách giải quyết của chính quyền Hà Nội, kiên trì đối thoại, giáo dục thuyết phục để nhân dân Đồng Tâm không xu thời theo cái sai, cái xấu, không ủng hộ hành vi trái pháp luật. Kiên trì đối thoại, giáo dục, thuyết phục để những người “chống đối” nhận ra sai lầm mà tự nguyện chấp hành pháp luật, không manh động làm cho tình hình xấu hơn để rồi mắc tội nặng hơn. Biện pháp cưỡng chế chỉ là giải pháp cuối cùng khi không còn cách nào khác.

(Mõ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here