Hãng thông tấn Mỹ CNBC vừa đăng tải một bài viết đánh giá Việt Nam là nền kinh tế đạt thành tích hàng đầu châu Á năm 2020 khi không có quý nào bị suy giảm kinh tế, vào thời điểm nhiều nước đang điêu đứng vì đại dịch Covid-19.
Không phải mọi nền kinh tế châu Á đều đã công bố số liệu kinh tế quý IV và cả năm. Song, các ước tính do CNBC tổng hợp từ những nguồn chính thức và các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, Việt Nam đã thể hiện vượt trội so với tất cả các nền kinh tế trong khu vực vào năm ngoái.
Suy giảm/tăng trưởng GDP của các nền kinh tế chính của châu Á. Đồ họa: CNBC
Nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tăng trưởng 2,9% so với một năm trước đó, theo ước tính của Chính phủ công bố vào cuối tháng 12. Con số này tốt hơn mức tăng trưởng dự báo 2,3% của Trung Quốc trong cùng thời kỳ.
“Với kết quả này, Việt Nam đã đạt một trong những mức tăng trưởng cao nhất vào một năm khi phần còn lại của thế giới đang chìm trong suy thoái nghiêm trọng”, trích nhận định của các nhà kinh tế thuộc Cơ quan Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong một báo cáo hồi tháng này.
Nhiều nhà kinh tế tỏ ra lạc quan rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm nay. Dưới đây là cách Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đạt thành tích phát triển hàng đầu trong khu vực năm qua và những gì đang đón đợi đất nước ở phía trước.
Kiểm soát đại dịch
Dù là nước láng giềng của Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 được phát hiện đầu tiên, Việt Nam đến ngày 26/1 mới ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Cách ứng phó của Việt Nam trước sự bùng phát của dịch bệnh được quốc tế ca ngợi như một hình mẫu để các quốc gia đang phát triển khác noi theo và giúp nền kinh tế trong nước duy trì phát triển trong suốt năm 2020.
Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Trung ương Mỹ cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như trên có thể sẽ tiếp tục trong năm nay. Họ dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2021, mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với con số dự báo 6,7% do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra.
Xuất khẩu bền bỉ
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam được đông đảo ghi nhận là yếu tố mang đến thành công của nền kinh tế vào năm ngoái, với sản xuất tăng trưởng nhờ nhu cầu xuất khẩu ổn định. Theo các nhà kinh tế, đó là xu hướng sẽ còn tồn tại trong những năm tới.
“Căn cứ vào việc Việt Nam là nước được hưởng lợi chính từ xu hướng tái sắp xếp/đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy quy mô tăng trưởng xuất khẩu lớn của Việt Nam trong những năm tới”, hãng tư vấn Fitch Solutions viết trong một báo cáo tháng 12/2020.
Sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020. Đồ họa: CNBC
Fitch Solutions cho biết thêm, Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại mới, chẳng hạn như với Anh và Liên minh châu Âu, động thái có thể thúc đẩy hơn nữa các dòng chảy thương mại, công ty tư vấn cho biết thêm.
Phục hồi các dịch vụ
Lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, đã có dấu hiệu hồi phục vào cuối năm 2020.
Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2020. Đồ họa: CNBC
Các nhà kinh tế cho biết, mức độ phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, sẽ quyết định việc nền kinh tế Việt Nam trở lại con đường tăng trưởng trước đại dịch nhanh chóng đến mức nào.
Ông Leather mô tả triển vọng trong ngành du lịch vẫn còn thấp. Song, dự báo của ông về mức tăng trưởng 10% dành cho Việt Nam trong năm nay là một trong những dự báo lạc quan nhất trên thị trường.
“Đến cuối 2021, chúng tôi cho rằng GDP của Việt Nam sẽ chỉ thấp hơn 1,5% so với những gì có thể đạt được nếu khủng hoảng không xảy ra. Đây là một trong những cách biệt tỉ lệ thấp nhất trong khu vực. Triển vọng kém tươi sáng đối với ngành du lịch sẽ tiếp tục ngăn cản sự phục hồi hoàn toàn và là nguyên nhân chính khiến chúng tôi cho rằng một cách biệt nhỏ về sản lượng sẽ tiếp tục tồn tại”, ông Leather nhấn mạnh.
Tuấn Anh(Vietnamnet/lược dịch)