Tổng thống Mỹ là người quyền lực nhất hành tinh ư? Nhầm rồi, không phải đâu.
Trong một bài phát biểu thời còn đương chức, cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đã từng nói “tôi không quan tâm tới twitter, twitter chỉ toàn tin xấu thôi”. Và quả thực, tin xấu đã đến với ông Trump khi mà tài khoản cá nhân của ông ta trên nền tảng này với gần 90 triệu lượt theo dõi đã bị KHÓA VĨNH VIỄN.
“Sau khi xem xét những Tweet gần đây từ tài khoản @realDonaldTrump, chúng tôi đã dừng vĩnh viễn tài khoản này do lo ngại những nguy cơ kích động bạo lực”. Ông Trump nhanh chóng chuyển sang tài khoản chính thức của chính phủ @POTUS để chia sẻ suy nghĩ của mình, nhưng twitter cũng thẳng thừng xóa mọi dòng tweet liên quan. Sau đó, ông Trump chuyển sang tài khoản chính thức cho chiến dịch tranh cử @TeamTrump nhưng tài khoản này đã bị khóa trước đó.
Không chỉ Twitter mà Facebook, google, reddit, instagram, tiktok, snapchat đều đồng loạt nói không với ông Trump. Ngay đến Parler – mạng xã hội trung thành của phe bảo thủ ở Mỹ ủng hộ Trump cũng bị xóa sạch khỏi các chợ ứng dụng của Google, Amazon hay Apple. Có thể thấy, dù đang giữ quyền lực tối cao của nước Mỹ nhưng trên nền tảng mạng xã hội thì quyền lực của ông bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Đến đây, chúng ta có thể thấy rằng, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ rằng Tổng thống Mỹ là người quyền lực nhất thế giới, nhưng chúng ta đang nghĩ sai rồi! Trong thời đại số thì các tập đoàn công nghệ đang sở hữu thứ quyền lực mềm đáng sợ hơn nhiều, thứ quyền lực mang quá nhiều sức mạnh không được kiểm soát. Mặc dù tập đoàn nào cũng đưa ra lời giải thích của riêng mình khi “khóa mồm” tài khoản Tổng thống Mỹ rằng “trách nhiệm của họ là ngăn chặn hành vi hay là phát ngôn nào được xem là chưa đúng mực từ một tài khoản của người dùng có thể làm ảnh hưởng tới cộng đồng”; song các trang mạng này cũng chịu nhiều phán xét sau hàng loạt những bê bối liên quan tới can thiệp bầu cử, lộ dữ liệu người dùng như vụ tại tiếng tại cambrige analytica. Thậm chí, một học giả người Mỹ còn ví von “Nếu như trên mọi tờ tiền đô la của nước này in dòng chữ “In God We Trust” (chúng ta tin vào Chúa) thì giờ một tiêu ngữ mới đang xuất hiện, đó là “In Big Tech We Trust” (phải tin vào những gì các hãng công nghệ cho phép hiển thị).
Một số nhà kinh tế cho rằng phản ứng của các mạng xã hội tuần qua mang tính bầy đàn nhiều hơn, bởi trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump thì các tập đoàn công nghệ này liên tục đối mặt với các cuộc chiến pháp lý, các phiên điều trần. Song, dù gì đi nữa, việc khóa các tài khoản của ông Trump đang và sẽ khiến các ông lớn công nghệ đối mặt với không ít thách thức. Hệ quả nhãn tiền là cổ phiếu của Twitter và Facebook rớt giá thảm hại, bốc hơi hơn 51 tỉ USD vốn hóa sau 2 phiên giao dịch và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng lo ngại hơn là sự suy giảm lượng người dùng với 2 nền tảng này và sự chỉ trích gay gắt của giới lãnh đạo toàn cầu. Thủ tướng Đức A.Merkel cho rằng “thiết lập nguyên tắc tự do ngôn luận là công việc của các nghị sỹ chứ không phải của các hãng công nghệ tư nhân. Tờ The Economist bình luận “hành động liều lĩnh của các hãng công nghệ khiến họ rơi vào tình thế bất lợi, bởi lẽ nỗi ám ảnh của chính phủ các nước về sự ảnh hưởng vượt tầm kiểm soát của các gã khổng lồ công nghệ sẽ lại trỗi dậy.
Dữ liệu khổng lồ – cốt lõi của Chủ nghĩa tư bản giám sát
Dễ thấy rằng, các hãng công nghệ nắm trong tay một nguồn lực khổng lồ cho phép họ có một thứ quyền lực tối thượng, đó chính là kho dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu là cốt lõi của mọi nguyên nhân, và nó đã làm hình thành nên một hình thái xã hội mới – Chủ nghĩa tư bản giám sát (The age of Surveillance Capitalism). Đây cũng là tiêu đề của cuốn sách do một học giả người Mỹ – Shoshana Zuboff biên soạn.
“Chúng ta xem dịch vụ số là miễn phí. Nhà tư bản giám sát đằng sau các dịch vụ đó xem chúng ta là hàng hóa miễn phí. Chúng ta nghĩ chúng ta tìm kiếm trên Google. Google đang tìm kiếm chúng ta”. GS. Shoshana Zuboff, người khai sinh khái niệm chủ nghĩa tư bản giám sát, nói trong cuốn sách của mình như thế.
Trong hình thái kinh tế tư bản công nghiệp truyền thống, nhà tư bản sở hữu và đưa tư liệu sản xuất vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, bán ra thị trường và thu được thặng dư sản xuất. Hãng xe hơi Ford đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, thuê lao động và tất cả tập hợp lại để sản xuất ra chiếc xe ô tô. Ô tô được bán ra thị trường và nhà tư bản thu lợi từ chênh lệch giữa doanh thu bán xe và chi phí sản xuất. Họ tối đa hóa thặng dư bằng cách giảm chi phí sản xuất và tăng giá bán nếu có thể.
Còn với tư bản giám sát, tư liệu sản xuất chính là nguồn thông tin kinh nghiệm, hành vi và thông tin nhân thân của con người. GS. Zuboff khái niệm hóa các tư liệu sản xuất này thành “Kinh nghiệm cá nhân”. Cá nhân cung cấp miễn phí thông tin cá nhân và thông tin hành vi quá khứ của mình cho nhà tư bản công nghệ.
Các nhà tư bản công nghệ thu thập kinh nghiệm cá nhân, sử dụng các kỹ thuật tính toán cao cấp như dữ liệu lớn, học máy, học sâu, trí tuệ nhân tạo để phân tích kinh nghiệm cá nhân. Quá trình sản xuất của tư bản giám sát chính là quá trình xử lý, phân tích dữ liệu kinh nghiệm cá nhân.
Quá trình sản xuất này tạo ra một loại sản phẩm hoàn toàn mới là gói dự báo hành vi tương lai của con người. Nhà tư bản công nghệ bán gói sản phẩm này cho các công ty kinh doanh và thu được thặng dư sản xuất, tức tiền lời của toàn bộ quá trình thu thập, phân tích thông tin và bán sản phẩm. Giáo sư Zuboff gọi phần tiền lời này là “thặng dư hành vi” (behavioral surplus), tương đương với thặng dư sản xuất của tư bản công nghiệp. Thặng dư từ việc hiểu và can thiệp vào hành vi của con người.
Ví dụ bạn mua và đọc một cuốn sách điện tử từ ứng dụng Google Play Book (Chính xác là tôi đọc cuốn “Thời đại chủ nghĩa tư bản giám sát” theo cách này). Google lưu trữ thông tin thể loại sách bạn chọn mua, thời gian bạn đọc sách, tốc độ đọc nhanh ở đâu và chậm ở đâu, bỏ qua chỗ nào, sử dụng từ điển cho những từ nào, tìm kiếm thuật ngữ nào. Cộng với các thông tin về bản thân bạn, như tuổi, giới tính, nghề nghiệp, nơi sống v.v. từ tài khoản Google của chính bạn, Google đã có lượng thông tin miễn phí để phân tích, đóng thành gói sản phẩm – sản phẩm này dự báo chủ đề đọc ưa thích của bạn, sách nên được tổ chức như thế nào và bán thế nào, giá nào, thời điểm nào để bạn quyết định mua. Google bán sản phẩm dự báo hành vi mua sách tương lai của bạn cho các nhà xuất bản và phát hành sách. Một ngày đẹp trời nào đó, vào thời điểm bạn cảm thấy thư thái nào đó, điện thoại thông minh của bạn xuất hiện thông tin giới thiệu một cuốn sách, mà thông báo cũng cho hay cuốn sách này lại đang được một người bạn của bạn đang đọc. Và bạn bấm nút mua cuốn sách đó. Chủ nghĩa tư bản giám sát đã vận hành thành công: lợi nhuận được thu về cho người bán sách và cho người bán thông tin dự báo hành vi của bạn cho người bán sách, và bạn mua một món hàng mà không biết rằng đã bị dẫn dắt một cách tinh vi để đi đến quyết định chi tiêu đó.
Chủ nghĩa tư bản giám sát đã vượt qua phạm vi vận hành liên quan đến các công ty công nghệ để trở thành hệ sinh thái dựa vào giám sát (Surveillance-based ecosystems) trong nhiều khu vực kinh tế, từ thị trường bảo hiểm, giao thông vận tải, sức khỏe, giáo dục, tài chính đến các sản phẩm được gọi là “thông minh” và dịch vụ được gọi là “cá nhân hóa”. Thông minh và cá nhân hóa là hai đặc tính dễ thấy nhất để nhận ra sản phẩm và dịch vụ đang bị chủ nghĩa tư bản giám sát khai thác tạo ra nguồn thặng dư hành vi lớn chưa từng thấy.
Các phương tiện điều chỉnh hành vi của chủ nghĩa tư bản giám sát đã làm xói mòn nền dân chủ từ bên trong.
Việc chủ nghĩa tư bản giám sát tích lũy và phân tích thông tin để hiểu hành vi hiện tại và tương lai của bạn chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm của tảng băng là họ đang phát triển các công cụ can thiệp thay đổi hành vi của bạn. Thông thường, có ba nhóm công cụ chính được dùng để thay đổi hành vi con người. Nhóm thứ nhất là dùng quyền lực của nhà nước thông qua các quy định, luật lệ. Ví dụ nhà nước quy định mọi người dân phải mua bảo hiểm y tế, do đó bạn phải mua nếu không muốn bị phạt hoặc bị các biện pháp chế tài khác. Nhóm thứ hai liên quan đến quyền lực của thị trường thông qua việc thay đổi giá cả hàng hóa dịch vụ. Ví dụ trợ giá cho bảo hiểm y tế sẽ có giá bảo hiểm thấp và nhiều người dân quyết định mua. Nhóm thứ ba dùng khoa học hành vi, dùng các tác động can thiệp vào các yếu tố tâm lý của người ra quyết định. Ví dụ khi đưa ra các lựa chọn về phương án chi tiêu của người dân, mua bảo hiểm y tế được đặt ở phương án mặc định. Kết quả là sẽ có nhiều người mua bảo hiểm y tế vì tâm lý chung của con người là chọn ở yên ở trạng thái hiện tại. Chủ nghĩa tư bản giám sát khai thác nhóm công cụ thứ ba này để can thiệp thay đổi hành vi của con người.
Lĩnh vực hoạt động lớn nhất của chủ nghĩa tư bản giám sát hiện nay là thị trường mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Chủ nghĩa tư bản giám sát cung cấp gói dự đoán hành vi tương lai của bất kỳ cá nhân nào cho bộ phận marketing bán hàng của các doanh nghiệp, và như họ nói, điều này giúp cung cầu gặp nhau nhanh hơn, dễ dàng hơn. Với người mua hàng, bạn được thuyết phục bấm nút mua một cái áo da màu đen rất thời trang, mà bạn bè và thần tượng của bạn cũng đang mua, trong khi bạn đang dự định dùng số tiền này mua một bộ sách. Bạn tặc lưỡi cho qua, vì dù sao đây cũng là chuyện nhỏ, không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mình. Điện thoại thông minh đang giúp bạn rất nhiều chuyện, từ tìm quán ăn, chỉ dẫn đường đi, đọc sách và gặp gỡ bạn bè trên mạng xã hội.
Nhưng nếu bạn không có gì để dành cho riêng mình, bạn sẽ không là ai. Nếu không còn góc riêng tư, chính là ngôi nhà tâm hồn để trở về với chính mình, bạn sẽ không tồn tại. Chủ nghĩa tư bản giám sát, với phương tiện tối tân, hiện đại mà bạn không có khả năng hiểu và nắm bắt được, đã làm cho mỗi cá nhân không còn ngôi nhà tâm thức riêng để trở về. Các phương tiện điều chỉnh hành vi của chủ nghĩa tư bản giám sát đã làm xói mòn nền dân chủ từ bên trong. GS. Zuboff cho rằng, không tự chủ được về suy nghĩ và hành động, chúng ta còn rất ít khả năng đánh giá đạo đức và tư duy phản biện cần thiết cho một xã hội dân chủ.
Quyền lực nhà nước sẽ thay đổi như thế nào khi thông tin về hành vi công dân của họ nằm trong tay nhóm nhỏ các nhà tư bản giám sát như Google, Facebook, Apple và Amazon? Sẽ thế nào khi các tập đoàn công nghệ mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài hoạt động kinh doanh mua bán sang các lĩnh vực khác như quản lý nhà nước, dịch vụ công hay an ninh, quốc phòng?
Cùng với sự mở rộng hoạt động của chủ nghĩa tư bản giám sát, cấu trúc xã hội, trật tự xã hội và thiết chế xã hội sẽ biến đổi, chuyển hóa. Thiết chế gia đình từ một tập hợp cùng nhau hiện diện chia sẻ cùng mối quan tâm được công nghệ thông minh và cá nhân hóa chuyển thành một tập hợp rời rạc các cá nhân trong thế giới riêng được công nghệ định hướng của mình. Các công đoàn người lao động trong các hãng vận chuyển taxi truyền thống tan rã khi người lao động được điều khiển riêng lẻ trên các nền tảng xe công nghệ mới. Rất nhiều ví dụ như vậy cho thấy sự chuyển hóa xã hội đang diễn ra mạnh mẽ. Không nắm bắt, không hiểu và quản lý được sự thay đổi này có thể dẫn đến tương lai tổ chức xã hội không thực sự nằm trong tay người dân, do người dân quyết định.
Có rất nhiều thách thức khi chúng ta muốn kiểm soát chủ nghĩa tư bản giám sát. Trong tác phẩm “Thời đại chủ nghĩa tư bản giám sát của mình”, GS. Zuboff cho rằng chủ nghĩa tư bản giám sát xuất hiện đúng thời điểm khi xã hội, nhất là chủ nghĩa tân tự do, đều nhất trí rằng nhà nước không nên kiểm soát thị trường, thị trường và doanh nghiệp cần được tự do hoạt động để đem lại phúc lợi cao nhất cho xã hội. Càng thuận lợi hơn khi chủ nghĩa khủng bố lên ngôi với sự kiện 9/11/2001 và hoạt động của nhà nước hồi giáo IS đặt ra nhu cầu “nhận thức thông tin toàn diện” từ các cơ quan tình báo và nhà nước. Nghĩa là bảo mật thông tin cá nhân cần nhường chỗ cho nhu cầu an ninh chung.
Và việc kiểm soát chủ nghĩa tư bản giám sát càng khó khăn khi phương pháp và hoạt động của chủ nghĩa tư bản giám sát không cho phép chúng ta hiểu được ý nghĩa, cách vận hành và kết quả của nó. Chính các công ty công nghệ đã thiết kế phương pháp thâu tóm thông tin làm cho chúng ta không thể nhận biết được chuyện gì đang xảy ra. Có hiện tượng bất cân xứng về kiến thức: Chủ nghĩa tư bản giám sát tích lũy lượng kiến thức khổng lồ và cả quyền lực để tạo ra lượng kiến thức đó. Họ biết tất cả về con người trong khi con người không biết gì về họ.
Làm thế nào để kiểm soát chủ nghĩa tư bản giám sát? GS. Zuboff đề ra ba cách tiếp cận chính để phản ứng lại chủ nghĩa tư bản giám sát. Thứ nhất, cần cuộc cách mạng thay đổi nhận thức của công chúng về cách thức hoạt động của các công ty công nghệ. Công chúng phải biết phẫn nộ, phải biết nói không. Thứ hai, cần thiết lập quy định và luật lệ để kiểm soát hoạt động của các công ty công nghệ. Thứ ba, cần tạo cơ hội cho các giải pháp cạnh tranh. Cần tập hợp các thành phần kinh tế xã hội khác nhau để tạo ra hệ sinh thái thay thế.
—
Tham khảo:
VTV
TS. Phạm Khánh Nam (Đại học Kinh tế TP. HCM)