Suýt mất tiền vì cuộc điện thoại lạ
Trưa 20-11, Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội, nhận được thông báo từ Chi nhánh Ngân hàng GP Bank, địa chỉ tại số 198 Quang Trung, quận Hà Đông về việc 1 khách hàng tới làm thủ tục chuyển tiền có biểu hiện lạ, có dấu hiệu bị lừa đảo.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Đại úy Lê Nam Cường, cán bộ Tổ Cảnh sát phòng chống tội phạm, Công an phường Quang Trung đã có mặt tại Chi nhánh Ngân hàng GP Bank. Tại đây, Đại úy Lê Nam Cường gặp vị khách hàng là T. Bà T cho biết, vào khoảng 9h30 sáng cùng ngày, bà nhận được 1 cuộc điện thoại từ người lạ gọi vào số máy bàn của gia đình. Người gọi xưng là trung tá Công an, họ và tên Trần Hữu Bình, đội trưởng đội điều tra tội phạm và yêu cầu bà T phải rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm là 400 triệu để gửi vào số tài khoản do Bình đưa ra.
Cán bộ Công an phường Quang Trung giải thích cho người dân hiểu về thủ đoạn cũng như phương thức của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Việc làm này theo lời Bình để nhằm chứng minh bà T vô tội cũng như để điều tra xem bà T có liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý không. Đáng chú ý, đối tượng yêu cầu bà T không được nói với ai về nội dung trên và yêu cầu bà phải ngay lập tức ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm là 400 triệu đồng để gửi cho đối tượng.
Do sợ hãi cũng như chưa hiểu biết đầy đủ về các thủ tục, quy định của cơ quan Công an khi làm việc nên bà đã chủ động tới ngân hàng để yêu cầu rút toàn bộ số tiền tiết kiệm mình đang có là 400 triệu đồng và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản của đối tượng đã cung cấp trước đó…
Rất may cho bà T, vì tại ngân hàng nơi bà thực hiện giao dịch, các nhân viên tại quầy giao dịch ở đây đều đã được Công an phường Quang Trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao nên khi thấy nhiều biểu hiện nghi ngờ đã tạm thời ngưng yêu cầu giao dịch của bà và ngay lập tức báo tin cho Công an phường Quang Trung.
Theo Đại úy Lê Nam Cường, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bà T rất tinh vi, chúng thực hiện gọi điện thoại cho bà T bằng ứng dụng trên mạng internet và cuộc gọi được mã số hoá nên không có số thuê bao để lại. Ngay sau khi biết hành vi của mình đã bị phát giác, chúng lập tức xoá bỏ hết toàn bộ mọi thông tin của bản thân và tắt máy ko giữ liên hệ với bà T.
Tại các điểm giao dịch của ngân hàng, cơ quan Công an đã có cảnh báo để người dân biết các thủ đoạn lừa đảo. |
Trung tá Phạm Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Quang Trung cho biết, việc các đối tượng sử dụng internet để tham gia mạng xã hội (facebook, zalo,…) lừa đảo diễn biến ngày càng phức tạp.
Đáng chú ý, gần đây, đối tượng không chỉ mạo danh cán bộ Công an, còn liều lĩnh gọi video khoác sắc phục ngành yêu cầu chuyển tiền, như vụ việc mới xảy ra gần đây, ngày 7-10.
Theo đó, hồi 15h30, ngày 7-10, sau khi nhận được thông báo từ Chi nhánh Ngân hàng Eximbank trên địa bàn về việc 1 khách hàng tới làm thủ tục chuyển tiền có dấu hiệu bị lừa đảo, Công an phường đã nhanh chóng xuống hiện trường. Bà Đ, SN 1963, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, người tới giao dịch tại ngân hàng tâm trạng đầy lo âu, sợ sệt cho biết: Sáng cùng ngày, bà nhận được 1 cuộc điện thoại, đầu dây bên kia là một người đàn ông, tự giới thiệu là cán bộ Công an đang công tác tại Bộ Công an. Người này nói bà có liên quan tới một vụ án ma túy nên yêu cầu bà rút hết toàn bộ số tiền tiết kiệm để chuyển vào một tài khoản mà đối tượng yêu cầu để chứng minh mình vô tội.
Các đối tượng gọi điện thoại cho nạn nhân bằng ứng dụng trên mạng internet và cuộc gọi được mã số hoá. |
Để tạo lòng tin, đối tượng đã gọi video cho thấy đang mặc sắc phục Công an nhưng không cho bản thân bà nhìn thấy mặt. Do sợ hãi cũng như chưa hiểu biết đầy đủ về các thủ tục, quy định của cơ quan Công an khi làm việc nên bà đã chủ động tới ngân hàng để yêu cầu rút toàn bộ số tiền tiết kiệm mình đang có là gần 200 triệu đồng và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản của đối tượng đã cung cấp trước đó…
Không được may mắn như bà V.T.T.T và bà Đ, ngày 1-10, ông K, SN 1953, cán bộ hưu trí trú tại địa bàn nhận được một cuộc điện thoại gọi tới số máy cố định của gia đình ông. Đối tượng xưng là cán bộ Công an và thông báo ông K đang liên quan tới đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Là người thật thà, muốn chứng minh mình hoàn toàn không liên quan gì tới hành vi phạm tội nên ông đã đến Chi ngánh Ngân hàng GP Bank trên địa bàn rút toàn bộ số tiền 500 triệu đồng và chuyển vào tài khoản đối tượng yêu cầu.
Khi phát hiện mình bị lừa đảo, ông K tới trụ sở Công an phường Quang Trung để trình báo thì mọi thông tin về đối tượng đã lừa đảo ông K gần như không hề có do đối tượng liên hệ với ông K qua số thuê bao cố định…
Cẩn trọng trước những cuộc điện thoại lạ
Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời gian qua, các vụ lừa đảo qua điện thoại kiểu này tập trung nhiều nhất tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo về an toàn, an ninh mạng Việt Nam gần đây, lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, nhóm tội phạm lừa đảo thông qua không gian mạng, lừa đảo qua tin nhắn rác, nhắn tin làm quen, gửi quà hoặc giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản; nhắn tin trúng thưởng; chiếm quyền tài khoản xã hội; mua bán qua mạng, kinh doanh đa cấp.
Nhiều người dân gửi thư cảm ơn CBCS Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông. |
Các nhóm đối tượng lừa đảo lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để doạ là họ có liên quan đến đường dây tội phạm như: ma tuý, rửa tiền… hoặc các vụ án hình sự khác. Thậm chí chúng còn làm giả lệnh bắt giam, khởi tố gửi đến nạn nhân thông qua mạng xã hội, làm tăng mức độ nghiêm trọng.
Trong khi đó, trên thực tế, những hoạt động điều tra đều được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cụ thể là cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan, chứ không mới làm việc, thông báo qua điện thoại. Trường hợp người dân nhận được những cuộc gọi điện thoại lạ, xưng là người của cơ quan công quyền hay yêu cầu chuyển tiền thì lập tức báo với cơ quan Công an gần nhất để phối hợp điều tra, xử lý.
Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, khi gặp các cuộc gọi lừa đảo như trên, khách hàng cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời. Đồng thời, VNPT thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các kênh truyền thông như website, tổng đài chăm sóc khách hàng, tin nhắn… để nâng cao cảnh giác.
Xuân Trường