Sáng 24/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo thông tin về tình hình mưa lũ những ngày qua và công tác ứng phó với diễn biến mưa lũ và bão số 8 sắp vào.
Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến đặt ra quanh vấn đề hồ chứa nước Kẻ Gỗ có phải là “thủ phạm” gây ngập lụt cho vùng hạ du Hà Tĩnh từ ngày 18 đến 21/10/2020? Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã vận hành, điều tiết nước hồ Kẻ Gỗ đúng quy trình không?
Thiệt hại quá lớn
Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thông tin tại buổi họp báo, vào thời điểm cao nhất (ngày 20/10), toàn tỉnh này có 118 xã, phường thị trấn với hơn 42.000 hộ, hơn 150.000 người của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Hà Tĩnh đã tổ chức sơ tán hơn 18.000 hộ với hơn 59.000 nhân khẩu.
Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh trả lời chất vấn tại buổi họp báo
Đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh ghi nhận có 6 người chết cùng nhiều tài sản của người dân như nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn. Hiện vẫn còn 106 trường học với hàng chục ngàn học sinh chưa đi học trở lại do nước lũ, công tác dọn dẹp để các em đến trường đang được tiến hành khẩn trương.
Các lực lượng vũ trang đã huy động hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 4.000 dân quân tự vệ và hàng trăm tàu, xuồng, phương tiện các loại xuống giúp sơ tán, cứu hộ, cứu trợ nhân dân vùng lũ. Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung, khẩn trương cứu hộ, cứu trợ đối với vùng còn ngập, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân.
Cảnh ngập lụt tại TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vào ngày 19/10
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 16.068 thùng mì tôm, 20.343 két nước uống, 20 tấn gạo, 600 thùng lương khô cho nhân dân; 500 rọ thép, 3.000 bao tải và 5.000m2 vải lọc để xử lý sự cố công trình kè Cẩm Nhượng. 8 tấn Poly aluminium chloride; 500kg Cloramine B để xử lý nước sạch. Tỉnh này cũng phân bổ 11 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục lũ lụt. Các loại thuốc chữa bệnh, tiêu độc khử trùng, xử lý nước uống được cung cấp kịp thời cho nhân dân.
Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 23/10, đã có 68 tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ thông qua Ban Cứu trợ tỉnh là hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt là hơn 24 tỷ đồng (đã nộp vào tài khoản cứu trợ 10 tỷ 042 triệu đồng), hàng hóa quy ra tiền 1 tỷ 329 triệu đồng.
Với phương châm “nước rút đến đâu thì chính quyền và nhân dân làm vệ sinh môi trường đến đó”, hiện Hà Tĩnh đã và đang tiến hành tiêu độc khử trùng, khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến đường bị sạt lở, không để nước tụ động lâu ngày gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân; cơ quan chức năng đã xử lý được 1.800 giếng/trên 6.000 giếng bị ngập nước nhanh chóng để người dân có nước sinh hoạt.
Chất vấn “nóng” việc hồ Kẻ Gỗ xả lũ
Tại buổi họp báo, phóng viên VOV và phóng viên báo, đài Trung ương, địa phương đã đặt nhiều câu hỏi về những vấn đề bức thiết của người dân vùng lũ Hà Tĩnh hiện nay và đâu là nguyên nhân gây nên lũ lụt từ ngày 18 đến 21/10 vừa qua tại Hà Tĩnh? Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã vận hành, điều tiết nước hồ Kẻ Gỗ đúng quy trình không?
Lực lượng công an hỗ trợ người dân chạy lũ trong đêm
Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này bắt đầu xả lũ từ 13 giờ ngày 18/10 với lưu lượng tăng dần từ 50m3/s lên 200m3 và lưu lượng xả lớn nhất 1.060m3/s và mức xả này duy trì trong thời gian 1 giờ (từ 9 giờ đến 10 giờ ngày 19/10) sau đó giảm dần cho đến hôm nay 24/10.
Trong việc xả lũ đợt này, ông Đức cho rằng, hồ Kẻ Gỗ đã thực hiện nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ cho hạ du 200 triệu m3 nước, nếu không hạ du sẽ ngập nặng hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi nam Hà Tĩnh (đơn vị trực tiếp quản lý, điều tiết, vận hành nước ở hồ Kẻ Gỗ-PV) lý giải từ ngày 18 đến 21/10, vì lượng mưa trên địa bàn quá lớn, nước đổ về hồ lớn nên đơn vị này phải xả theo quy trình trên để đảm bảo an toàn hồ đập.
Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn (đứng) cho rằng, việc tỉnh này cho xả lũ hồ Kẻ Gỗ từ ngày 18/10 đến nay là cần thiết và đúng quy trình
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc tỉnh này cho xả lũ hồ Kẻ Gỗ theo quy trình trên là điều cần thiết và đúng quy trình?
Tuy nhiên, tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi “hồ Kẻ Gỗ có phải là thủ phạm gây ngập lụt hay không?” thì ông Sơn và một số lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh trả lời không cụ thể.
Bão số 8 được dự báo có thể đổ bộ vào Hà Tĩnh trong những ngày tới, gây mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày. Nhiều vùng đất đã bão hòa nước nên rất dễ bị sạt lở khi có mưa lớn. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương phải tiến hành kiểm tra rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất, phân công cán bộ theo dõi các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; có giải pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa…/.
Sỹ Đức-Nguyên Dũng/VOV1