20/10/2020
Rời ba lô kháng chiến, người chiến sĩ cách mạng Văn Ngọc Thi công tác tại UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ngày 20-4-1977, anh được tăng cường lên Đắk Lắk, công tác tại Công an thị xã Buôn Ma Thuột. Một thời gian sau, anh được cử giữ chức Trưởng Đồn Công an số 3, rồi Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự thị xã, rồi Phó trưởng Phòng CSHS.
nh đã 2 lần bị kỷ luật oan ức, đắng cay: một lần bị khai trừ khỏi Đảng, một lần bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ra quyết định bắt giam nhưng vẫn không làm anh sờn lòng, nản chí mà luôn xông lên phía trước với nhiệt huyết và ý chí cách mạng kiên cường, lập nhiều chiến công vang dội.
Những năm đầu giải phóng, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở Tây Nguyên nói chung, thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nói riêng khá phức tạp. Khi giữ chức Đội trưởng Đội CSHS Công an thị xã Buôn Ma Thuột, với tinh thần kiên quyết lập lại trật tự trị an, Văn Ngọc Thi đã chủ động mở nhiều đợt tảo thanh tội phạm, đề xuất xử lý kiên quyết những thành phần bất hảo.
Đại tá Văn Ngọc Thi. |
Lúc này nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, Văn Ngọc Thi bị tố cáo vi phạm pháp luật và quan hệ nam nữ bất chính. Thị ủy Buôn Ma Thuột đã 2 lần ra nghị quyết khai trừ Văn Ngọc Thi khỏi Đảng. Sau 3 năm kiên trì khiếu nại, anh được Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định hủy 2 nghị quyết kỷ luật sai của Thị ủy Buôn Ma Thuột và khôi phục đảng cho Văn Ngọc Thi.
Vụ án tiệm vàng Nguyệt Nga
Sau khi được minh oan, Văn Ngọc Thi được phân công giữ chức Đội trưởng Đội thường án ở Phòng CSHS. Vụ án đầu tiên khi anh tái nhiệm là điều tra vụ mất 42 cây vàng của tiệm vàng Nguyệt Nga ở thị xã Buôn Ma Thuột do ông Nguyễn Văn Lộc làm chủ. Sáng tháng Chạp, tiết trời se lạnh, cả nhà thức dậy mở cửa buôn bán thì phát hiện bị mất 42 cây vàng. Vụ việc được ông Lộc báo ngay cho Phòng CSHS điều tra.
Khám nghiệm hiện trường cho thấy không có dấu hiệu cạy cửa, trong khi cổng, cửa đều được khóa trong, chùm chìa khóa được vứt ngay sân nhà, gần cổng. Dưới giường ngủ của vợ chồng ông Lộc có một lon sữa bò đựng đầy nước tiểu mà gia chủ cho là của kẻ gian. Điều này cho thấy đối tượng đã đột nhập từ trước và ẩn núp dưới giường. Công tác điều tra bắt đầu theo nguyên tắc thông thường: rà soát đối tượng nổi trên địa bàn, theo dõi và tìm hiểu xem có tiệm vàng nào tiêu thụ vàng của tiệm Nguyệt Nga không.
Cả tháng trời Sáu Thi dò tìm từng tiệm vàng nhưng vẫn không có dấu hiệu sáng sủa nào. Các biện pháp nghiệp vụ khác cũng bế tắc, trong khi những quần chúng tốt lâu nay tự nguyện giúp anh phá án đều trưng dụng hết nhưng tin tức bọn trộm vàng vẫn bặt tăm. Sáu Thi chợt nghĩ đến cô sơn nữ Anh Đào.
Anh Đào là cô gái xinh đẹp, đoan trang, hiền thục nhưng cuộc sống hôn nhân của cha mẹ chẳng mấy tốt đẹp làm cô chán nản và mất phương hướng trong cuộc sống. Anh Đào bỏ học đi bụi, thường “ngồi đồng” ở quán cà phê Mây Hồng. Nhìn đôi mắt u uất của cô, Sáu Thi gạn hỏi vẻ thân tình. Dáng vẻ đẹp trai, hơi bụi lẫn chút ga lăng của Sáu Thi đã làm Anh Đào để ý.
Văn Ngọc Thi lúc làm Trưởng Đồn Công an Số 3. |
Một lần rồi vài lần làm quen, Sáu Thi nói rõ về mình và giác đắc cho Anh Đào hiểu được giá trị của cuộc sống gia đình. Từ đó Anh Đào coi Sáu Thi như người anh tinh thần, không đi bụi nữa và tự nguyện giúp Sáu Thi phá án.
Là cô gái tuổi 17, rất đẹp, giọng nói trong trẻo, ngọt ngào của Anh Đào càng khiến bao chàng trai say đắm. Ngày ngày, hết bến xe, bến đò rồi đến các quán cà phê, nơi đâu Anh Đào cũng xuất hiện. Quán cà phê Mây Hồng là điểm cô thường “ngồi đồng”. Tại đây, cô luôn để mắt đến người thanh niên khoảng 20 tuổi, tay đeo khâu vàng còn mới, thường ngồi uống cà phê một mình.
Một chiều thường lệ, Anh Đào đến sớm và ngồi ngay bàn người thanh niên hay ngồi. Chừng mười phút sau, anh ta vào quán. Thấy cô gái xinh đẹp đang ngồi ở bàn mình thường an tọa, người thanh niên bước đến nở nụ cười tình làm quen. Người thanh niên xưng tên là Sơn. Hắn ta tỏ vẻ “kết” Anh Đào liền nói những lời hò hẹn yêu đương. Thấy tên Sơn đeo chiếc nhẫn vàng mới toanh, Anh Đào liền nói: “Con trai gì mà đeo vàng sến thế. Anh mua ở đâu mà đẹp vậy? Cho em xem”.
Không để Sơn kịp phản ứng, Anh Đào cầm tay xem khâu vàng, nhìn kỹ mà không xem được tên hiệu vàng bên trong. Do anh ta nói mới mua khoảng mười ngày nên Anh Đào nghi ngờ. Tâm sự một hồi, Anh Đào xin phép cáo từ và nhận lời hẹn của Sơn (thường gọi là Sơn “đen”) chiều mai. Ngay sau đó cô đến báo cáo tình hình cho Sáu Thi.
Gần 3 giờ chiều, Sáu Thi đeo kính đen bước vào quán Mây Hồng tìm chỗ ngồi thích hợp. Người thanh niên ngồi ở bàn sát góc khuất nhìn anh vẻ ngờ vực. Khi Sáu Thi nhận ra người cần gặp thì anh ta nhanh tay lột khâu vàng trong tay, bóp méo rồi nuốt vào bụng. Hành động nhanh gọn của hắn không qua được đôi mắt tinh tường dưới lớp kính đen của Sáu Thi.
Anh tiến lại đặt tay lên vai Sơn “đen” và nói: Tao là đại ca ở khu vực này. Muốn hỏi mày vài chuyện. Mày vừa trúng mánh một phi vụ khá lớn ở vùng này mà không cho anh em biết. Đúng ra tao sẽ xử mày theo luật giang hồ nhưng chắc mày mới nhập môn, chưa hiểu luật giang hồ nên tao tha. Giờ mày phải cưa đôi chiến lợi phẩm, nếu không tao vặn họng và thu sạch đó.
Ý thức được lời cảnh báo của đại ca kính đen nhưng hắn nghi ngờ đại ca là Công an nên cố cầm cự: “Dạ thưa đại ca, em có làm phi vụ gì đâu. Đại ca nghi oan cho em rồi. Em là dân lương thiện…”.
– Mày đừng có lẻo mép. Thế mày vừa bóp khâu vàng và nuốt vào bụng khi nãy không phải là hành động mờ ám sao? Mày không qua mắt được tao đâu. Kể từ giờ phút này, mày không được đi đâu hết, mày phải đi cầu ngoài đồng để tao lấy bằng chứng cho mày xem. Giờ mày ngồi im đó, uống cà phê đi. Khi nào muốn đi… thì nói. Khôn hồn thì mày cố tìm cách đẩy chiếc khâu vàng ra. Ở đây không có thằng nào qua mặt được tao hết. Tao sẽ cho mày bằng chứng để mày tâm phục khẩu phục trước!
Nói rồi “đại ca kính đen” kè Sơn “đen” ra khỏi quán. Anh nổ máy chiếc Cub81 và ra lệnh cho hắn lên xe. Chạy chừng mười phút, “đại ca kính đen” tấp xe vào cánh đồng và kè Sơn “đen” lại bên bờ đất bảo hắn “đẩy” khâu vàng ra. 5 phút sau, hắn “đẩy” được khâu vàng ra. “Đại ca kính đen” dùng lá cây chùi sạch, xem kỹ thấy đúng là hiệu vàng Nguyệt Nga, anh móc súng, giơ thẻ đỏ và đanh giọng:
– Tôi là Cảnh sát hình sự. Anh đã bị bắt.
Sơn á khẩu đứng như trời trồng. Sáu Thi khóa tay tên Sơn đưa đi thu hồi số vàng hắn giấu ở Buôn Đôn cách đó hơn 10 cây số. Khi anh đưa hắn đến nơi thì các trinh sát chi viện cũng đã có mặt.
Đưa Sơn về Phòng CSHS, Sáu Thi cùng các trinh sát đấu tranh khai thác, tên Sơn thừa nhận là thủ phạm của vụ trộm. Sơn “đen” còn khai, trước vụ tiệm vàng Nguyệt Nga khoảng hai mươi ngày, cũng với cách trên, hắn đã thực hiện vụ trộm tại tiệm vàng Ngọc Châu, lấy được 18 cây vàng…
Trong vòng chưa đầy một tháng, Sáu Thi đã cùng đồng đội vạch trần chân tướng tên trộm độc hành với thủ đoạn tinh vi, thu hồi tài sản trả lại người dân. Vợ chồng ông Lộc, sau khi nhận lại số vàng đã chân thành cảm ơn Sáu Thi và tặng gia đình anh cái tivi trắng đen. Các con anh reo mừng khi tivi được bật sáng ngay đêm 29 tết.
Sáu Thi (bìa phải) cùng các trinh sát bắt băng cướp có súng Vi Văn Ứng. |
Oan khuất
Văn Ngọc Thi cùng đồng đội tiếp tục chinh chiến vì sự bình yên của nhân dân nhưng rồi anh lại bị oan một lần nữa khi giữ chức Phó trưởng Phòng CSHS. Chuyện bắt đầu từ cô gái miền Tây tên Thu V. là người làm công cho gia đình T. Tình cảm nảy sinh, T. và V. nên duyên chồng vợ. Sống với nhau một thời gian, bất hòa xảy ra. Phát hiện bị mất một số vàng, T. nghi vợ lấy liền tra khảo đánh đập V. rất dã man.
Những tiếng khóc than van xin của V. vẫn không làm lay chuyển hành vi bạo lực của T. nên cô đã tìm cách trốn khỏi nhà chồng và được nhân dân đưa đến Phòng CSHS tố cáo sự việc và xin tị nạn. Phó Trưởng ty Nguyễn Hồng Phúc chỉ đạo CSHS điều tra làm rõ.
Được lãnh đạo phòng giao, Sáu Thi cùng trinh sát Hoàng Vân thụ lý giải quyết. Quá trình điều tra làm rõ xác định Th. là em ruột T. đã đánh tráo 6 chỉ vàng giả lấy 6 chỉ vàng thật đưa cho người yêu. Sau đó, vì hết thời gian tạm giam, Th. được tạm tha. Thu V. được gia đình ở miền Tây lên đưa về.
Lúc này tên T. tố cáo CSHS đã giữ người trái pháp luật mà Văn Ngọc Thi là người chịu trách nhiệm chính. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vào cuộc điều tra. Theo yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đình chỉ công tác Văn Ngọc Thi để Viện Kiểm sát ra quyết định bắt.
Làm Công an mà nghỉ thì có nước chạy xe thồ chứ biết nghề ngỗng gì đâu mà làm – Sáu Thi thầm nghĩ. Kể từ đó, ngày ngày anh dắt chiếc xe Honda 67 ra ngã ba để chạy xe thồ.
Thấy anh dắt xe hoài, ông Tám Báu hỏi: “Sao dạo này thấy sáng nào chú cũng dắt xe đi đâu vậy? Trông có vẻ khác thường lắm đó”.
– Bị đình chỉ công tác, chẳng biết làm gì, chạy xe thồ kiếm sống, xe hết xăng không có tiền đổ nên dắt.
– Trời, thật không ông Đại úy Hình sự? Thôi vô làm ly cà phê ấm bụng đã.
Đẩy ly cà phê về phía Sáu Thi, ông Tám Báu hớp một ngụm cà phê và nói, ông không tin Sáu Thi bị kỷ luật nhưng nghe Sáu Thi nói vậy ông Tám Báu lại cho rằng Sáu Thi giả dạng để làm nhiệm vụ. Ông nói với Sáu Thi: “Ông đã từng làm trưởng đồn ở đây, ông sống rất nghĩa tình với dân, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Khi làm Đội trưởng Đội CSHS, ông nổi tiếng lắm, nhất là vụ tướng cướp Phạm Thành Nhơn bị ông “xâu” gót chân dưới hầm”. Nhớ vụ đó, chỉ có ông và một Cảnh sát khu vực xuống hầm mà vẫn bắt được tên Nhơn – một tướng cướp có súng khét tiếng.
Sáu Thi nói gì, ông Tám Báu cũng không tin. Ông bảo “ông Đại úy chạy xe thồ nhớ để ý mấy thằng giang hồ rồi ít bữa phục chức có việc mà làm”.
Tam biệt ông Tám Báu, Sáu Thi đến điểm đón khách. Người khách đầu tiên là bà Bảy Xuân. Bà Xuân vừa bước đến nhưng rồi bà bảo: “Mà thôi, tôi không đi xe mấy ông đeo kính đen đâu. Sợ lắm. Chú thông cảm”.
Cú ngoặc bất ngờ của bà Xuân làm Sáu Thi chưng hửng.
Thực ra Sáu Thi đeo kính râm che mặt là để mọi người không nhận ra anh mà đi xe để anh kiếm cơm chứ anh nào phải kẻ xấu. Mà người dân có quyền lo nghĩ điều chẳng lành cho họ. Không phiền trách người ta được. Sáu Thi lấy kính ra dụi mắt. Bà Xuân bất ngờ kêu lên: “Trời, chú Thi!”.
Tâm sự đôi lời, biết Sáu Thi bị kỷ luật nhưng bà Xuân vẫn tôn trọng nên bảo: “Tới quán bún giò gần bến xe ăn sáng, tui bao. Rồi chú chở tui đi Đạt Lý luôn. Từ nay cứ đúng giờ này chú ra đây rước tui đi. Chiều 5 rưỡi, nếu không có khách thì xuống đón tui về. Mà dù chú có bị kỷ luật thì tui vẫn coi trọng chú. Nhớ thời chú làm trưởng đồn thấy chú luôn lo lắng công việc cho dân, sao ra nông nỗi này, không thể tin được. Hay là có uẩn khúc gì?”. Sáu Thi không nói gì thêm và nổ máy xe.
Đưa bà Xuân xuống Đạt Lý, trên đường quay về, Sáu Thi chở hai người khách kiếm được năm ngàn. Cầm những đồng tiền từ vị mặn của những giọt mồ hôi, Sáu Thi nghe lòng mặn đắng nhưng hạnh phúc dạt dào.
(Còn tiếp)
Thanh Nghị