Saturday, November 23, 2024

An ninh kinh tế – nền tảng đảm bảo thực hiện thắng lợi Hiệp định EVFTA và EVIPA

Ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA (ký kết ngày 30/6/2019) chính thức có hiệu lực thi hành. Cùng với EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), cơ hội và thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào, cần làm gì để phát huy lợi thế, đảm bảo an ninh kinh tế trong bối cảnh mới?

Thời cơ, thuận lợi mới

Cùng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, song phương, đặc biệt là các FTA thế hệ mới được ký kết, có hiệu lực, ngày 8/6, Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có cam kết sâu rộng, toàn diện nhất, hàng hóa lại có tính bổ sung, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam – EU và hoàn toàn phù hợp các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việc đàm phán, ký kết, đi đến phê chuẩn EVFTA và EVIPA là bước đi tích cực, quan trọng, nhằm hiện thực hóa sáng tạo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, ngay khi các thủ tục cần thiết được hoàn tất, ngày 30-6, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức thông báo, Hiệp định EVFTA, được ký kết ngày 30/6/2019, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, còn Hiệp định EVIPA chỉ có hiệu lực sau khi được Quốc hội tất cả các quốc gia trong thành viên EU phê chuẩn.

Liên minh châu Âu – Cộng đồng kinh tế hàng đầu thế giới, gồm 27 quốc gia và vẫn cả Vương quốc Anh, trong đó có nhiều cường quốc kinh tế lớn như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… Một thị trường rộng lớn, với khoảng 500 triệu người tiêu dùng, sản sinh khoảng 25% GDP toàn cầu (chiếm 11,5% thương mại, cũng như 40% FDI toàn thế giới…), là thị trường xuất khẩu truyền thống, nhiều tiềm năng, lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ, đặc biệt các doanh nghiệp của EU với thế mạnh về vốn, công nghệ, lao động có kỹ năng, tay nghề cao, hàng hóa với tiêu chuẩn, chất lượng châu Âu…

Vì vậy, khi Hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội to lớn, thúc đẩy hợp tác thương mại, bảo hộ đầu tư toàn diện, minh bạch cho Việt Nam không chỉ các lĩnh vực truyền thống, mà còn mở rộng cả lĩnh vực phi truyền thống, chưa từng được đưa vào các FTA trước đây như: mua sắm chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư, thương mại điện tử, tiêu chuẩn về môi trường, lao động và phát triển bền vững…

Đồng thời cùng rất nhiều cam kết ưu đãi cắt giảm về thuế quan và phi thuế quan, đặc biệt với Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Trong 7 năm tiếp theo, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Số còn lại, khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, chỉ trong lộ trình ngắn, gần như 100% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại được xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, các rào cản thương mại.

Theo nhận định của các chuyên gia, để có thể tận dụng được tối đa cơ hội từ EVFTA và EVIPA, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, các cam kết đã ký kết; tái cấu trúc chuỗi sản xuất mà thực tế còn nhiều “đứt gẫy”, bảo đảm đồng bộ, tối ưu, minh bạch, hiệu quả; đổi mới cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, năng lực quản trị; an ninh, an toàn cho các chuỗi dịch vụ, thương mại, đầu tư…

Môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư EU yên tâm làm ăn tại Việt Nam và là động lực hút mạnh được doanh nghiệp, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), công nghệ tiên tiến, lao động tay nghề cao… Nền tảng cốt lõi để thị trường xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam được đa dạng, mở rộng và hàng hóa Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, dự kiến sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, gần 43% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030. Ngược lại, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam cũng sẽ đạt 14,9 tỷ USD, chiếm 5,9% trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam…

An ninh kinh tế - nền tảng đảm bảo thực hiện thắng lợi Hiệp định EVFTA và EVIPA

Lợi thế và thách thức đặt ra với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi thực hiện các hiệp định mới

Lỗ hổng và thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn mà EVFTA và EVIPA đem lại, Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt những bất cập từ thể chế, chính sách không sớm khắc phục; năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém; trong khi đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và sự kết gắn, đồng hành giữa các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp với doanh nghiệp, người dân… trong sản xuất, đầu tư, dịch vụ chưa thật cao, cùng các chuẩn mực nền tảng bảo đảm phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế chưa thật tốt…

Những “lỗ hổng” mà các thế lực, phản động, tội phạm kinh tế… có thể lợi dụng hoạt động phá hoại, trục lợi, xâm phạm kinh tế… Nguyên nhân gây bất ổn xã hội, mất an ninh kinh tế (ANKT) đất nước.

Thời gian tới, lực lượng AKTK phải thường xuyên tự rèn luyện, trau dồi về phẩm chất, đạo đức, lối sống theo sáu điều Bác Hồ dạy CAND; gương mẫu trong từng lời nói, việc làm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, đổi mới tư duy, phương pháp công tác, ứng dụng khoa học công nghệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANKT trong nền kinh tế số, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa.

Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế và kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA và EVIPA của Chính phủ.

Ba vấn đề trọng tâm

Thứ nhất, tích cực, trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có kế hoạch phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành chức năng tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách cho tương thích, phù hợp việc thực thi các quy định, cam kết trong EVFTA, EVIPA và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt các quy địnhvề nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, lập các tổ chức công đoàn ở cơ sở doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch trong đấu thầu, bảo hộ các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững…

Phát hiện kịp thời, kiến nghị ngăn chặn, xử lý mọi tổ chức, cá nhân lợi dụng việc sửa đổi chính sách, pháp luật, nhất là Luật Lao động, Luật đấu thầu… để phá hoại đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và tạo kẽ hở, môi trường cho sách nhiễu, cửa quyền, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “coi thường kỷ cương, phép nước”… lộng hành, gây rối, làm mất an ninh quốc gia (ANQG) nói chung, ANKT nói riêng.

Thứ hai, làm tốt chức năng bảo vệ ANCTNB, ANKT, chủ động tham mưu, phối hợp Bộ Công thương, Phòng Thương mại vàCông nghiệp Việt Nam (VCCI)… có kế hoạch cụ thể, khoa học, nội dung thiết thực, phù hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định EVFTA, EVIPA, trọng tâm là các cam kết về bảo hộ đầu tư và minh bạch mọi thông tin liên quan hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU đến các bộ, ban ngành, chính quyền các cấp, các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân.

Qua đó, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; đổi mới căn bản tư duy, cách làm, đạo đức công vụ cán bộ, công chức trong chuỗi sản xuất hàng hóa, đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp ở môi trường quốc tế.

Đặc biệt, các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phải quan tâm đến thương hiệu, chất lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU, như các sản phẩm trong nông nghiệp, hàng dệt may, giày da… Đồng thời, phải coi trọng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và minh bạch trong đấu thầu, xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, thông tin về lao động, môi trường sản xuất… do EU đưa ra và các cam kết của ta khi ký kết EVFTA, EVIPA.

Thứ ba, chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ trong CAND, đặc biệt là lực lượng Tình báo, An ninh đối ngoại, An ninh nội địa, Bảo vệ Chính trị nội bộ, Cảnh sát kinh tế, có kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo đúng mọi âm mưu, hoạt động phá hoại kinh tế của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị, bọn tội phạm kinh tế… lợi dụng việc triển khai, thực hiện các FTA, nhất là Hiệp định EVFTA, EVIPA để gây rối an ninh trật tự, làm mất uy tín, thương hiệu doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế, mất ANKT, thiệt hại cho nền kinh tế.

Chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an kịp thời có chủ trương, biện pháp kiến nghị khắc phục, ngăn chặn và xử lý, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nền kinh tế đất nước. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra, các cục nghiệp vụ chức năng huy động mọi lực lượng, phương tiện triển khai quyết liệt, hiệu quả kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch trinh sát… tập trung xác minh, điều tra, kết luận làm rõ mọi dấu hiệu tội phạm lợi dụng triển khai Hiệp định EVFTA, EVIPA, nhất là nạn sách nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, làm hàng giả, gian lận xuất xứ hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trốn thuế, gian lận thương mại, đầu tư chui… đưa xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mọi sai phạm, phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.

Quán triệt, thực hiện trách nhiệm, hiệu quả các công tác trọng tâm trên chính là nền tảng cho lực lượng ANKT góp phần thực hiện thắng lợi các hiệp định FTA nói chung và EVFTA nói riêng… Điều kiện đảm bảo trong tương lai gần, nền kinh tế Việt Nam lấy nhanh lại đà tăng trưởng, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định an sinh xã hội, phát triển bền vững, trở thành trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu lớn, điểm sáng phục hồi kinh tế ở khu vực…

Góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng, đổi mới đất nước trong hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, giữa lúc nền kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh, phức tạp từ cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, cuộc chiến thương mại xuyên Thái Bình Dương và đại dịch COVID-19.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thế Nguyên Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn, Bộ Công an/CAND

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG