Chỉ thay một chữ nhỏ trong bộ luật vừa thông qua, nhưng đã tạo điều kiện siết chặt an toàn cho cả hệ thống…
Ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Có một chữ đã thay đổi trong quy định, điều kiện để trở thành lãnh đạo ngân hàng thương mại.
Cụ thể, chữ “hoặc” được thay bằng chữ “và”, trong điều kiện, tiêu chuẩn để được làm thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc ngân hàng thương mại. “Hoặc”, có nghĩa ứng viên đảm bảo được một trong những điều kiện song song. “Và”, quy định đã trở nên chặt chẽ hơn khi ứng viên phải đảm bảo đồng thời các điều kiện đó.
Trước đó, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như: là cá nhân sở hữu hoặc người được ủy quyền đại diện sở hữu ít nhất 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp là thành viên hội đồng thành viên, thành viên độc lập của hội đồng quản trị hoặc có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc có ít nhất 3 năm là người quản lý của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp hoạt động trong ngành bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kiểm toán hoặc kế toán.
Như trên, chữ “hoặc” xen giữa các điều kiện và tiêu chuẩn, mở ra nhiều cơ hội. Hay nói cách khác, người có tiền, sở hữu lượng lớn cổ phần, hoặc được ủy quyền sở hữu cổ đông lớn… đều có thể trở thành lãnh đạo cao cấp ngân hàng thương mại. Nhưng nay, với bộ luật sửa đổi, bổ sung Quốc hội vừa thông qua, các điều kiện, tiêu chuẩn nói trên đã thay đổi hoàn toàn.
Cụ thể, chữ “và” với nghĩa là bao gồm đã được nối thêm bằng điều khoản bổ sung mới, quy định rõ phải có số năm kinh nghiệm trong quản lý điều hành. Với bổ sung trên, từ đầu năm 2018 trở đi (luật bắt đầu có hiệu lực), những người có tiền, sở hữu hoặc thâu tóm lượng lớn cổ phần không có nghĩa là dễ dàng ngồi vào cơ cấu hội đồng quản trị ngân hàng thương mại. Tương tự, ở điều kiện và tiêu chuẩn trở thành tổng giám đốc ngân hàng thương mại, chữ “và” thay cho chữ “hoặc” đã trở nên khắt khe và chặt chẽ hơn trước. Trước đây và hiện nay, một trong những điều kiện và tiêu chuẩn quy định, người có kinh nghiệm 5 năm làm tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) một doanh nghiệp ngoài ngành có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định của ngân hàng đó, hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán hoặc kiểm toán, đều có thể trở thành tổng giám đốc ngân hàng.
Với luật mới thông qua, chữ “và” thay cho chữ “hoặc” nói trên đã bao gồm yêu cầu những trường hợp đó phải có chuyên môn, số năm kinh nghiệm trực tiếp làm chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán. Như vậy, quy định mới đã bao gồm yêu cầu tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng thương mại phải có chuyên môn, chuyên ngành trực tiếp hoặc liên quan, cùng số năm kinh nghiệm. Theo đó, những ứng viên “ngoại đạo” bị loại trừ. Nói cách khác, với quy định mới, không hẳn cứ có tiền rót vào hoặc thâu tóm là có thể trở thành lãnh đạo ngân hàng thương mại.
Lịch sử phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã có trường hợp “ngoại đạo”, qua thâu tóm, rót vốn đầu tư để trở thành lãnh đạo cao cấp, qua đó thao túng, rút ruột ngân hàng, gây rủi ro đến cả hệ thống, mà đến nay, hệ quả còn xử lý chưa xong.
VNEconomy