Sunday, November 10, 2024

KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thúy Kiều – Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng. Người là biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người luôn nêu gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, là hiện thân của những giá trị văn hóa chân – thiện – mỹ không những của dân tộc Việt Nam mà còn thuộc về nhân loại.

KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện
Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta theo các khuynh hướng cứu nước khác nhau đều lần lượt thất bại, máu đào của biết bao các bậc tiên liệt và nhân dân ta đã đổ xuống nhưng không giành được độc lập, tự do, Người nung nấu quyết tâm đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Với lòng yêu nước và ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc, ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh rời Cảng Sài Gòn, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.
Trải qua nhiều năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển để nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc
cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa, cuối cùng Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và cũng chính từ đây, Người đã xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
Năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào việc thành lập một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 28/01/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Tháng 8/1945, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc – Thời đại Hồ Chí Minh. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở nước ta, bọn thù trong, giặc ngoài cấu kết với nhau mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, hòng áp đặt ách cai trị nước ta một lần nữa. Trước tình thế hiểm nghèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân cùng một lúc chống cả 3 thứ giặc: “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Với sách lược khôn khéo, linh hoạt, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, hiểm nguy, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vừa tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng về mọi mặt, vừa ra sức bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng mới được xác lập, còn rất non trẻ.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu toàn dân tộc đồng lòng, chung sức tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, với ý chí sắt đá: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, theo ngọn cờ “kháng chiến, kiến quốc” Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của kẻ thù mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bước vào thời kỳ cách mạng mới, cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ chiến lược là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng Đảng ta hoạch định đường lối và lãnh đạo nhân dân ra sức đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường xây dựng Đảng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa làm cho miền Bắc ngày càng vững mạnh về mọi mặt, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Thực hiện di huấn của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, làm nên thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta – kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời.

 

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG