Israel được cho là đang cố gắng thực hiện nhiều động thái nhằm ngăn cản Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tiến hành cuộc điều tra chính thức về các tội ác chiến tranh do nước này gây ra trên các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Ngày 9-5, Chính phủ Australia đã “khuyến cáo” ICC rằng tòa án này không nên điều tra tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine. Trong một công hàm gửi cho ICC tại The Hague, Australia khẳng định “không công nhận Palestine là một nhà nước”. Theo Australia, ICC không đủ quyền hạn pháp lý để điều tra tội ác chiến tranh do Israel gây ra tại các vùng lãnh thổ Palestine.
Australia là một trong 6 quốc gia không tham gia ICC, trong đó có cả Mỹ. Nước này đã được Chính phủ Israel vận động hành lang từ nhiều tháng qua về vấn đề này. James Larsen, Trưởng ban pháp luật của Bộ Ngoại giao Australia chính là một trong những người có liên hệ trực tiếp với các quan chức Israel, khẳng định ông cùng một số quan chức trong Chính phủ Australia đã được Chính phủ Israel “khuyến khích giám sát” Tòa án ICC về việc điều tra tội ác chiến tranh ở Palestine.
Quan điểm và “khuyến cáo” của Australia được cộng đồng Do Thái ở Australia hoan nghênh, ủng hộ nhưng lại bị nhiều tổ chức hành nghề luật quốc tế và các nhóm vận động ủng hộ người Palestine lên án. Rawan Arraf, Giám đốc Trung tâm Công lý Quốc tế Australia cho rằng việc Chính phủ Australia can thiệp vào tiến trình làm việc của ICC là điều chưa có tiền lệ.
Lâu nay, ICC thường hay bị dư luận công kích vì chiều theo áp lực của các nước lớn, các cường quốc nhà giàu ở phương Tây mà chèn ép các nước nghèo, đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia châu Phi. Đây là một trong những lần hiếm hoi ICC nhắm vào các cường quốc.
Arraf cho rằng, lẽ ra Chính phủ Australia nên ủng hộ ICC trong tiến trình thực thi công lý cho tất cả mọi người dân trên thế giới thay vì ủng hộ bên gây tội ác. Bà lập luận rằng, cuộc điều tra của ICC không chỉ là công việc nghiên cứu về pháp luật mà còn có cả nạn nhân và các vụ việc lạm dụng đang tiếp diễn.
Bản thân ICC sẽ phản hồi Chính phủ Australia trong vài tuần tới. Trước mắt, tòa án này vẫn không thay đổi quyết định của mình là sẽ tiến hành điều tra tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine. Quyết định này được đưa ra vào tháng 12-2019, sau 5 năm điều tra sơ bộ về tình trạng tội ác gây ra đối với “nhà nước Palestine”.
Văn phòng công tố của ICC đã đưa ra kết luận rằng tội ác chiến tranh bao gồm các vụ tấn công vào khu dân cư, bệnh viện dã chiến của Liên Hợp quốc, trường học,… đã được thực hiện tại khu Bờ Tây sông Jordan, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Đặc biệt, ICC đã xem xét cuộc chiến năm 2014 đã gây ra cái chết cho 2.251 người Palestine, đa số là dân thường, và 74 người Israel, hầu hết là binh lính.
Các bên gây tội ác bao gồm lực lượng quốc phòng Israel (IDF), phong trào Hồi giáo Hamas và các nhóm vũ trang Palestine khác, kể cả một số quan chức chính quyền Israel.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành điều tra, Trưởng công tố ICC Fatou Bensouda đã yêu cầu phòng tiền xử án xem xét và ra phán quyết về phạm vi quyền hạn xét xử đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine, nhằm khẳng định quyền xét xử của ICC đối với các tội ác đã gây ra tại các vùng lãnh thổ của người Palestine. Palestine gia nhập ICC vào năm 2015 và đã được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc công nhận, vì thế có thể xem đây như một nhà nước thành viên và tòa án hoàn toàn có quyền hạn xét xử các tội phạm xảy ra.
Nếu ICC tiến hành điều tra và đi đến kết luận tội ác đã được thực hiện trên các vùng lãnh thổ Palestine, khi đó tòa án này sẽ phán quyết buộc tội các cá nhân có liên quan chứ không phải quốc gia Israel. Trong trường hợp cụ thể này, ICC có thể sẽ đưa ra phán quyết buộc tội Thủ tướng Netanyahu, các lãnh đạo IDF, Bộ Quốc phòng Israel và những người trực tiếp tham gia các chiến dịch tấn công dân thường ở Palestine.
Ngay sau khi ICC đưa ra kết luận và tuyên bố quyết định điều tra, Israel đã có phản ứng quyết liệt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi ICC là “một công cụ chính trị trong cuộc chiến chống lại Israel”. Đồng thời, ông đã triển khai một chiến dịch vận động hành lang các nước đồng minh chống lại quyết định của ICC, tìm cách ngăn cản ICC tiến hành cuộc điều tra. Mỹ và Australia là những quốc gia đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Israel.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mandelblit đã đặt vấn đề quyền hạn xét xử của ICC đối với các vùng lãnh thổ Palestine, cho rằng Palestine “không phải là nhà nước có chủ quyền” nên ICC không có quyền hạn xét xử các tội ác xảy ra trên các vùng lãnh thổ này.
Đây không phải lần đầu tiên ICC gặp khó khăn khi tiến hành điều tra hành vi gây tội ác chiến tranh của các quốc gia. Trong năm 2019, ICC từng vấp phải sự chống đối quyết liệt của Mỹ khi tiến hành điều tra về hành động của lính Mỹ ở Afghanistan. Tháng 3-2020, Washington thông báo sẽ từ chối cho phép các quan chức của ICC nhập cảnh nếu ICC tiến hành điều tra.
Ngay sau đó, Washington đã cụ thể hóa tuyên bố của mình bằng quyết định hủy visa đã cấp cho Trưởng công tố ICC Bensouda. Sau đó, các thẩm phán ICC đã từ chối mở cuộc điều tra vì thiếu sự hợp tác từ các bên liên quan, trong đó có chính quyền Afghanstan, Taliban và cả Mỹ.
Hiện chưa rõ Thủ tướng Netanyahu có sử dụng đến thủ đoạn cấm nhập cảnh vào các vùng lãnh thổ Palestine đối với các quan chức ICC để ngăn chặn cuộc điều tra hay không. Trên thực tế Israel hiện vẫn đang nắm quyền kiểm soát ra vào các vùng lãnh thổ Palestine. Nếu ông Netanyahu thật sự làm thế, ICC sẽ gặp khó khăn không nhỏ khi tiến hành cuộc điều tra.
Văn Trương (Tổng hợp)