Saturday, November 23, 2024

“Lộc trời” dưới chân dãy Giăng Màn

Hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa (Minh Hóa) nằm dưới chân dãy núi Giăng Màn, nơi có những vạt rừng đót xanh ngút ngàn. Mùa đót trổ bông hàng năm đúng vào dịp Tết Nguyên đán, nên đồng bào người Khùa, người Mày nơi đây coi bông đót là “lộc trời” ban tặng để có tiền sắm Tết và chống lại cái đói của những ngày giáp hạt sau đó…

Luồn rừng… thu “lộc trời”!

Bản Ka Ai (Dân Hóa) nằm sát biên giới Việt-Lào, nơi sinh sống của 90 hộ đồng bào người Mày. Những ngày sau Tết Nguyên đán, đến bất kỳ ngôi nhà nào ở bản Ka Ai đều cũng chỉ gặp được người già và trẻ nhỏ. Trung tá Đinh Minh Thanh, phụ trách tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tại Ka Ai cho biết, thời điểm này, bà con trong bản đang mải vào rừng để hái bông đót, ít người ở nhà lắm.

Một ngày luồn rừng hái bông đót, vợ chồng chị Hồ Thị Đụt trở về với 2 gùi đót nặng trĩu trên vai. Mới đến cửa rừng, 2 bó đót nặng gần 50 kg/bó của họ đã được thương lái đón đường thu mua với giá từ 45.000 đến 50.000 đồng/yến và thu về gần 500.000 đồng. Chị Đụt cho biết, đến hẹn lại lên, cứ trước và sau dịp Tết, dân bản lại rủ nhau luồn rừng hái bông đót.

“Đây là ngày thứ 5 vợ chồng miềng vào rừng hái đót, những ngày đầu thì đi gần, ngày sau thì đi xa hơn, đi bộ hết quả đồi này đến quả đồi khác mới hái được gần 1 tạ đót, mang về đến nhà cũng mỏi chân lắm, nhưng mà vui vì có tiền để mua gạo, mua sách vở, áo quần cho con đi học”, chị Đụt chia sẻ.

Người dân bản Ka Ai (Dân Hóa) đi lấy “lộc rừng” trở về.

Ông Đinh Trọng Trường, ở xã Hóa Tiến lên bản Ka Ai thu mua đót của bà con từ những ngày sau Tết cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 1 tấn đót và sau đó nhập lại cho thương lái dưới xuôi. Điểm thu mua của ông Trường đặt ngay cửa rừng nên rất thuận tiện cho cả người mua và người bán.

Không riêng gì ở bản Ka Ai, những ngày này, ở hầu hết các bản làng khác của xã Dân Hóa và Trọng Hóa, bà con đều gác một số công việc không quan trọng để lên rừng hái bông đót cho kịp thời vụ.

Bà Hồ Thị Xăn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Hóa cho biết, bà con ở đây xem bông đót là “lộc trời” ban tặng cho người Khùa, người Mày anh em ở dưới chân dãy núi Giăng Màn . Bởi vùng đất này có những vạt rừng đót rộng ngút tầm mắt, lại trổ bông đúng vào dịp trước và sau Tết-thời điểm bà con cần tiền sắm Tết và mua gạo chống đói trong những ngày giáp hạt…

Trồng đót để giảm nghèo

Chị Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa là một người Khùa, sinh ra và lớn lên ở dưới chân dãy Giăng Màn nên chị rất am hiểu về cây đót. Chị Thoi cho biết, trước đây, cây đót nhiều lắm, nhưng những năm gần đây, do bà con phát triển trồng rừng kinh tế nên diện tích cây đót cũng thu hẹp dần. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình ở Trọng Hóa có nhiều vùng đất đồi dốc cao, nằm xa khu dân cư, nếu chi phí trồng rừng keo rất cao và rất khó khăn cho việc thu hoạch.

Qua khảo sát thực tế, chị Thoi và lãnh đạo xã Trọng Hóa đang có kế hoạch hỗ trợ bà con triển khai trồng đót trên những diện tích rừng mà nếu trồng keo sẽ không đem lại kết quả cao. Theo chị Thoi, hiện ở xã Trọng Hóa đã có 4 hộ trồng đót trên diện tích đất rừng được giao của gia đình và bước đầu đem lại hiệu quả khá cao.

Gia đình ông Hồ Chăn ở bản La Trọng 1 (Trọng Hóa) đã trồng đót và hiện đã thu hoạch được vụ thứ 2. Ông cho biết: “Trung bình mỗi bụi đót chiếm khoảng 1m2 đất,  cho thu hoạch từ 3 đến 5kg đót. Trồng đót chỉ tốn công ban đầu, rất ít công chăm sóc và đặc biệt là không sợ bão như cây keo”.

Thương lái vào tận cửa rừng thu mua đót cho bà con.

Chị Hồ Thị Thoi chia sẻ thêm, từ thực tế một số mô hình trồng đót của bà con cho thấy, là cây bản địa, nên cây đót rất phù hợp với đặc điểm khí hậu tại địa phương. Trên thực tế, cây đót cho thu nhập khá cao đối với bà con xã Trọng Hóa trong những năm qua, nhất là trong thời gian giáp hạt, thậm chí ngang bằng việc bà con đi lấy đót ngoài tự nhiên. Việc triển khai trồng cây đót sẽ tạo thêm nguồn nguyên liệu đót ổn định và có được các đầu mối thu mua sản phẩm tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con mở rộng diện tích trồng đót, qua đó, thu hút sự quan tâm của người dân trong việc bảo tồn cây đót và nhiều cây bản địa có giá trị khác tại địa phương.

Ông Cao Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cũng cho biết, lãnh đạo xã Dân Hóa cũng đang có kế hoạch để triển khai cho người dân trồng đót trên một số diện tích đất rừng cao, dốc, nơi không thể trồng rừng nguyên liệu và các loại cây trồng khác.

Quyết tâm triển khai trồng đót của lãnh đạo 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa đang được kỳ vọng giúp người Mày, người Khùa dưới chân dãy Giăng Màn có thêm một loài cây trồng phù hợp, góp phần giúp bà con thoát nghèo nhanh, bền vững….

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG