Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng bổ sung thêm vụ án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường vào diện theo dõi, chỉ đạo được xem là “điểm cộng” đối với công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Động thái này không những gây chú ý của dư luận, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân mà còn là câu trả lời cho những hồ nghi khi mà vụ án tưởng đã rơi vào im lặng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng vừa bổ sung thêm vụ án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường và vụ Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hiệu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam vào diện theo dõi, chỉ đạo. Động thái này không những gây chú ý của dư luận, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân mà còn là câu trả lời cho những hồ nghi khi mà vụ án Nhật Cường tưởng đã rơi vào im lặng trong một thời gian dài. Hơn bao giờ hết, cử tri cả nước đều hiểu rằng, một khi vụ án đã được đưa vào “tầm ngắm” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, điều này tiếp tục khẳng định sự thật sẽ được làm sáng tỏ và những kẻ làm trái pháp luật sẽ bị trừng trị.
Và không để nhân dân cả nước phải chờ đợi lâu, ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bổ sung vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Trong đó, quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ Luật hình sự năm 2015 cùng hai cá nhân khác. Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Nhật Cường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường (hiện đang bị truy nã)…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri Hà Nội.
Như vậy, “lò lửa công lý” sớm muộn sẽ là đích đến của những kẻ tham nhũng. Công bộc của dân nếu thoái hoá biến chất, hám lợi đều bị xử lý theo pháp luật, dù còn đương chức hay đã nghỉ hưu, nhất định không có “vùng cấm”. Người dân, cử tri cả nước ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước bởi từ trước đến nay bất kể vụ án nào được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo đều được xử lý đến nơi, đến chốn, đúng người, đúng tội mà đơn cử là vụ MobiFone với AVG.
Việc bổ sung vụ án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “tổng chỉ huy” thể hiện cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, được đẩy mạnh, ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả hơn. Mọi hành vi tham nhũng, bất kể ai tham nhũng đều bị phát hiện và xử lý kịp thời.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng hôm 18/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, thời gian qua, các cơ quan đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc; khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 7 vụ án; kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo.
“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cho vào cũng phải cháy… cá nhân nào có muốn không làm cũng không thể được” – câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như một tuyên ngôn mạnh mẽ cho cuộc chiến chống tham nhũng.
Đúng vậy, có tiêu diệt được nạn tham nhũng mới bảo vệ được đất nước, mang đến cuộc sống ấm no cho nhân dân. Kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn cho thấy, không một thứ “giặc” nào lại dễ dàng bị đánh bại. Cuộc chiến chống “giặc” tham nhũng ngày càng trở nên cam go, lâu dài, quyết liệt bởi hành vi tham nhũng ngày càng gian manh, xảo quyệt. Nhưng với sự quyết tâm, chỉ đạo mạnh mẽ, tinh thần không khoan nhượng cùng với sự ủng hộ của nhân dân, chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ ngày một hiệu quả hơn, tiêu diệt tận gốc những nhân vật thoái hóa, biến chất đang “ngồi” trong bộ máy nhà nước ta.