Trong tháng 10/2019, vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà, khiến nước sinh hoạt của 18% dân số Hà Nội bị nhiễm bẩn, đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam. Nhân đó, từ ngày 19 đến ngày 21/10, Mai Phan Lợi và Trần Song Hào đã tung tin đồn rằng Nhà máy Nước Sông Đuống thuê người đổ dầu vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà, để cạnh tranh không lành mạnh. Ngày 29/10, Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và nhóm Báo Sạch đồng loạt tham gia hướng tuyên truyền này, khi tung tin rằng Nhà máy Sông Đuống đã dàn dựng vụ đổ dầu thải để hạ uy tín Nhà máy Sông Đà, đồng thời tạo cớ cho UBND thành phố Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt, để mua nước của mình với mức giá cao. Hướng tuyên truyền này nóng lên trong tuần đầu của tháng 11, khi báo chí chính thống đưa tin rằng 34% cổ phần của Công ty Sông Đuống thuộc sở hữu của một tỷ phú Thái Lan, đồng thời tài liệu chào bán cổ phần của công ty này xuất hiện trên Internet.
Trong 2 tuần giữa tháng 11, chính quyền thành phố Hà Nội đã trả lời dư luận về vấn đề này. Cụ thể, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 12/11, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà giải thích rằng nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Chẳng hạn, Nhà máy Nước mặt Sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của Sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng; quy mô đầu tư của hai dự án khác nhau khiến giá phải khác.
Tiếp đó, tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 15/11, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời chất vấn rằng “Thành phố chưa mất một đồng nào để bù giá và chắc chắn không bao giờ bù giá” cho Nhà máy Sông Đuống. Về chênh lệch giá nước giữa Nhà máy Sông Đuống và Nhà máy Sông Đà, ông Chu cho rằng “Nhà máy nước Sông Đà đã sản xuất nước nhiều năm, hoàn vốn nhiều nên chắc chắn giá sẽ thấp hơn” so với Nhà máy Sông Đuống.
Ngay sau đó, báo chí chính thống đã đăng nhiều bài phản bác quan điểm của chính quyền thành phố Hà Nội. Chẳng hạn, Nguyễn Khánh (báo Dân Trí) chỉ ra rằng vì 80% tổng mức đầu tư của Nhà máy Sông Đuống là tiền đi vay, không thể cho Sông Đuống hưởng giá bán nước cao hơn để bù tiền đầu tư, cũng không thể tính số tiền trả lãi ngân hàng vào giá bán nước. Trả lời phỏng vấn Dân Trí, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng lẽ ra tiền đầu tư càng cao, công nghệ càng hiện đại, thì hiệu suất phải càng lớn, khiến giá thành càng rẻ. “Việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả”; và “cần thanh tra rõ quy trình phê duyệt, thẩm định, làm rõ có đấu thầu hay chỉ định thầu” trong việc chọn nhà đầu tư cho Nhà máy Sông Đuống.
Báo chí có đưa tin khách quan vụ việc này?
Trước những diễn biến trên, nhóm Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch (tạm gọi là 3B) đã thay đổi nội dung tuyên truyền, theo 3 hướng.
Thứ nhất, họ ngừng tung tin đồn rằng Nhà máy Sông Đuống đã thuê người đổ dầu thải vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà, dù tin đồn này là thông điệp chủ đạo của họ hồi đầu tháng 11.
Thứ hai, họ lặp lại các thông điệp trên báo chí chính thống, để quy kết rằng UBND thành phố Hà Nội đã thiên vị, “bao che” cho Nhà máy Sông Đuống.
Thứ ba, họ chuyển sang bới móc những tình tiết vụn vặt, để ngăn cản hoạt động kinh doanh của Nhà máy Sông Đuống, hoặc khiến dư luận có ác cảm với Nhà máy Sông Đuống và UBND thành phố Hà Nội.
Trong dư luận phi chính thống, cũng có người phản bác một phần chiến dịch truyền thông của nhóm 3B. Chẳng hạn, FB Nguyen Tieu Quoc Dat viết bài có đoạn:
“…Nhà máy nước sạch sông Đà, quản lý nguồn nước yếu kém gây thiệt hại, ảnh hưởng cho hàng trăm nghìn hộ dân, đang ở vai trò kẻ chịu trách nhiệm, tuy nhiên chỉ cần vài tin đồn thuyết âm mưu bỏn đổ thải từ đối thủ cạnh tranh sông Đuống, thế là thành kẻ bị hại, đáng thương vkl. Chỉ cần một cái suy diễn chưa có căn cứ bằng chứng mẹ gì, thế là một thằng thoát chửi, và đám đông quay sang chửi một người khác.
… Từ ngày cty cơ khí cao su Thanh Hà để thất thoát chất thải từ chính người nhà, chiếc xe tải chờ thêm dầu thải FO đến một cty sản xuất cao su khác ở Hưng Yên rồi đổ đi, hai bọn này là đầu mưu, chả hiểu sao cứ thấy chìm xuồng. Trung bình rải rác 3 tháng, đã có vài ba vụ đổ thải trộm lên báo. Vụ kinh nhất là đổ ở Thái Bình, chưa tìm ra bọn nào, người dân lội qua bị bỏng. Mới đây trong Nam cũng có vụ đổ dầu thải. Nghĩa là số vụ đổ thải ở trên toàn quốc nhiều hơn chưa bị phanh phui.
…Search từ khoá “giá bán nước sạch tối đa” không ra được 1 dòng giải thích ra hồn. Giả dụ, nếu giá bán nước sạch tối đa của Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng mà so với giá nước sạch tối thiểu (10m3 đầu tiên) giá 5.973đ/m3, thì đó là một sự so sánh có tính kích động quần chúng. Giá nước sạch tối đa của Hawacom cho hộ gia đình sử dụng trên từ 30 khối trở lên là 15.929đ/m3 và cho đối tượng kinh doanh dịch vụ là 22.068đ/m3 (giá năm 2018). Hoặc, trừ khi có một cách hiểu giá nước sạch tối đa khác, bạn nào trong ngành, làm ơn chỉ hộ. Theo tôi hiểu, cách tính giá nước sạch tối đa này chỉ là tạm tính để có đủ căn cứ vay ngân hàng…”.
Tóm lại, trọng tâm của cuộc thảo luận về Nhà máy Sông Đuống đã được chuyển từ mạng xã hội lên báo chí chính thống, và có thể sẽ xoay quanh vấn đề thanh tra. Trong vụ việc này, lợi ích chung của cộng đồng có thể sẽ gắn với vấn đề tăng giá nước và vấn đề đấu thầu công khai, minh bạch.
Nhóm 3B vẫn theo đuổi vụ việc, nhưng hoạt động tuyên truyền của họ có 2 điểm yếu.
Thứ nhất, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm về việc tung tin đồn “Nhà máy Sông Đuống đổ dầu thải xuống nguồn nước của Nhà máy Sông Đà”.
Thứ hai, do quá tập trung vào việc soi mói, đánh phá Nhà máy Sông Đuống, đôi lúc họ không còn bám sát lợi ích chung của cộng đồng, và để lộ rõ ác ý cá nhân.
Qua vụ việc này, có thể thấy Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch đã câu kết với nhau, viết thuê cho “nhóm lợi ích”, chứ không phải là nhà báo độc lập, khách quan như họ tự nhận.
Loa Phường