Ngày 31/10/2017, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trong thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định “Đây là công việc nội bộ của Tây Ban Nha và cần được giải quyết trên cơ sở tôn trọng hiến pháp và pháp luật, vì sự thống nhất và ổn định của Tây Ban Nha”. Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi giải quyết khủng hoảng chính trị liên quan đến vùng Catalonia trên cơ sở tôn trọng hiến pháp Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua tại Tây Ban Nha bắt đầu từ đầu tháng 10/2017 khi vùng tự trị Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Kết quả trưng cầu cho thấy 90% trong 2,26 triệu cử tri Catalonia đi bỏ phiếu đồng ý ly khai vùng đất này khỏi Tây Ban Nha. Madrid phản đối cuộc trưng cầu dân ý, cho rằng nỗ lực ly khai của Catalonia là vi phạm hiến pháp.
Người biểu tình cầm cờ Tây Ban Nha, thể hiện sự giận dữ với việc Catalonia tuyên bố độc lập. Ảnh: AP.
Các quốc gia đồng minh của Tây Ban Nha ở châu Âu và Mỹ trước đó đồng loạt đứng về phía Madrid, sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuần trước có hành động chưa từng có trong lịch sử khi sử dụng điều 155 hiến pháp để phế truất thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, giải tán nghị viện của ông và trực tiếp kiểm soát khu vực này sau khi nghị viện bỏ phiếu tuyên bố độc lập.
Ngoài việc nắm quyền kiểm soát lực lượng dân sự, cảnh sát, tài chính Catalonia, ông Rajoy cũng dùng điều khoản để kêu gọi tổ chức bầu cử ở Catalonia vào ngày 21/12.
Trưởng công tố viên Tây Ban Nha Jose Manuel Maza hôm qua tuyên bố ông sẽ đề nghị toà án quốc gia truy tố 14 thành viên trong chính quyền của ông Puidgdemont vì thúc đẩy tuyên bố độc lập bất chấp hiến pháp và toà án hiến pháp Tây Ban Nha.
Băng Di