Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, đang có chuyến thăm Việt Nam.
Trong 2 ngày 18, 19-8, Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, có chuyến thăm Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt bàn tròn báo chí chiều 18-8 ở Hà Nội, Đại tướng David L. Goldfein cho biết trong chuyến thăm, họ có các cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao của Việt Nam, trong đó sẽ có thời gian làm việc nhiều với Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân.
Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ (phải), và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, tại buổi gặp mặt báo chí bàn tròn chiều 18-8 ở Hà Nội – Ảnh: Ngô Nhung
Việt Nam là điểm đến vô cùng quan trọng
Mở đầu cuộc họp báo, Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết: “Việt Nam là một chặng dừng chân quan trọng của tôi với nhiều lý do cả công việc chuyên môn và cá nhân. Tôi rất tự hào vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tham mưu trưởng Không quân Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Tôi muốn nhấn mạnh đến thông điệp mà ngài Ngoại trưởng và Tổng thống của chúng tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần đó là: Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh.
Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết năm nay Việt Nam là trạm dừng chân duy nhất ở khu vực Thái Bình Dương trong lịch trình công tác của ông, là một chặng dừng vô cùng quan trọng – Ảnh: Ngô Nhung
Tôi đến đây để thăm một nước đối tác rất quan trọng và nước đối tác có nhiều lợi ích và mối quan tâm của chúng tôi. Sự hiện diện của hai Đại tướng Không quân Mỹ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt với cá nhân cả hai chúng tôi vì trước đây bố của chúng tôi đều có thời gian phục vụ trong quân ngũ và từng tham chiến tại Việt Nam. Cha của Brown có 2 đợt đến Việt Nam làm việc trong lục quân còn bố tôi là phi công bảo vệ cha của Đại tướng Brown từ trên không”.
Về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông
Trước câu hỏi của phóng viên về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay, khi đưa tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đại tướng David L. Goldfein nói: “Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực. Chúng tôi hoàn toàn cam kết ủng hộ hoạt động hợp tác, đảm bảo quyền lợi hai nước”.
Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ, khẳng định: Phần quan trọng trong chính sách của chúng tôi là đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Một trong những phần quan trọng đảm bảo việc này là làm sao duy trì vận hành tàu thuyền, máy bay trong bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép, đảm bảo chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước khác trong các hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ khẳng định: Phần quan trọng trong chính sách của Mỹ là đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do.
Đại tướng David Goldfein nói: “Về việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trước hết chúng tôi tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam .
Đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tất cả các quốc gia có thể tiếp cận khu vực biển cũng như không phận quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, để tất cả các nước đều được hưởng lợi ích chung”.
Về hợp tác trong lĩnh vực không quân
Đại tướng David Goldfein nêu rõ: “Quan trọng nhất là xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và vững chắc với Việt Nam. Chúng tôi muốn đề cập đến việc xây dựng nhận thức trong khu vực không chỉ về mặt hàng hải mà còn là hàng không. Chúng ta có nhận thức đúng đắn, hiểu rõ những khó khăn thách thức phải đối mặt trong một khu vực sẽ có cách ứng phó tốt nhất.
Chúng tôi sẽ bàn luận và phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực quan trọng với Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh đến cam kết xử lý vấn đề hậu quả chiến tranh”.
Trước câu hỏi về hoạt động mua sắm vũ khí trong tương lai ngoài máy bay không người lái và tàu tuần tra, Đại tướng David Goldfein cho biết: “Khi nói tới mua sắm vũ khí thì chúng ta nói về nền tảng để trang bị cho vũ khí đó. Khả năng phối hợp hợp tác với nhau giữa các nước quan trọng nhất là con người.
Cơ hội tôi nhìn thấy trước mắt và gần nhất của chúng ta là hợp tác đào tạo, nâng cao kỹ năng con người giữa hai nước. Chúng tôi hoan nghênh và chào đón thêm sĩ quan trẻ Việt Nam sang các trường, học viện không quân để học tập và trau dồi kiến thức”.
Kế hoạch chuyến thăm được chuẩn bị hơn 1 năm
Trước câu hỏi chuyến thăm này có liên quan trực tiếp đến sự kiện tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam không, Đại tướng David Goldfein cho biết: “Kế hoạch chuyến thăm được chuẩn bị hơn 1 năm. Đây là chuyến thăm duy nhất ở khu vực Thái Bình Dương tôi thực hiện trong năm nay. Chúng tôi xây dựng chương trình Tham mưu trưởng Không quân Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc và làm việc theo thời gian của Việt Nam. Chúng tôi thể hiện cam kết cực kỳ mạnh mẽ của Mỹ với Việt Nam cũng như sự đánh giá cao của chúng tôi dành cho sự chuyên nghiệp của lực lượng không quân cũng như quân đội của Việt Nam.
Chúng tôi sẽ có nhiều buổi gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vào ngày mai, tuy nhiên, thời gian nhiều nhất dành thảo luận và làm việc với người đồng cấp của tôi là Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam. Trung tướng Lê Huy Vịnh là người rất có uy tín, được kính trọng của các đồng nghiệp quốc tế, cách ngài Vịnh làm việc rất ấn tượng với chúng tôi.
Về các nội dung sẽ trao đổi, chúng tôi đến đây muốn chia sẻ nhiều và cũng muốn lắng nghe càng nhiều hơn nữa, xoay quanh các vấn đề các anh chị vừa hỏi”.
Mỹ quan sát rất kỹ những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông
Trước câu hỏi về việc nhiều chuyên gia quốc tế dự đoán về mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa tàu Hải Dương 8 vào thềm lục địa của Việt Nam, Đại tướng Charles Q. Brown Jr. nói: “Về mục tiêu của Trung Quốc là gì, người tốt nhất chúng ta nên hỏi là Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát rất kỹ những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, và chúng tôi nhận định rằng những hoạt động của Trung Quốc như thế này sẽ đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của chúng tôi đã làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Rõ ràng những hoạt động của họ có tác động rất lớn, tác động không mong muốn và tác động quá đà, đặc biệt là đối với khu vực đặc quyền kinh tế của các nước.
Khi nói về phản ứng của Mỹ, rất khó để nói trước các hoạt động của chúng tôi sẽ tiến hành như thế nào, nhưng với tư cách tư lệnh không quân Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhiệm vụ của chúng tôi là viết ra những phương án để các lãnh đạo, chính trị gia sẽ đưa ra quyết định dựa trên phương án mà chúng tôi đề xuất. Tôi xin lưu ý rằng với những phương án chúng tôi đề xuất, chúng tôi sẽ có trao đổi với Việt Nam cũng như phù hợp với những lợi ích của các nước trong khu vực mà các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông”.
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí
Không quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động ở Biển Đông
Trước câu hỏi về khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông, Đại tướng Charles Q. Brown Jr. nói: “Nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không, Trung Quốc sẽ đi ngược lại trật tự quốc tế và nguyên tắc của quốc tế. Với tư cách 1 phi công đã có hoạt động trên máy bay bay qua khu vực trên không ở Biển Đông, chúng tôi biết rằng Trung Quốc không thích máy bay, không quân của các nước bay qua khu vực này (dựa trên những cuộc gọi đàm thoại qua radio của chúng tôi với Trung Quốc), song chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động này. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ tiếp tục cho tàu thuyền vận hành ở khu vực trên biển cũng như trên không để tăng cường thông điệp là chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này ở khu vực”.
Theo Người lao động