“Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ chứ không chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Ngày 26/7, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2019.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã dành nhiều thời gian nói về công cuộc phòng chống tham nhũng đang được nhân dân đặt nhiều kỳ vọng.
Không ngừng nghỉ, không chùng xuống
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cán bộ đảng viên, nhân dân, đặc biệt là các lão thành cách mạng rất mong mỏi, quan tâm đến xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng.
Đây là nhân tố tạo ra và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, tạo không khí phấn khởi lan tỏa ra toàn xã hội.
Nhưng bên cạnh đó, dư luận có phần lo lắng liệu công cuộc phòng chống tham nhũng có duy trì được không, có tiếp tục làm mạnh không hay lại chùng xuống?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tinh thần phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không chùng xuống. Ảnh: TTXVN.
Qua thực tế và báo cáo 6 tháng của Ban chỉ đạo, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh chúng ta không hề ngừng lại, không hề nghỉ ngơi mà làm ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao hơn.
“Có vùng cấm, có ngoại lệ không, có chùng xuống không? Rõ ràng không có căn cứ cho rằng chúng ta đang dừng lại hay chùng xuống, thậm chí như trong báo cáo là làm quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản, ngày càng cho ta thêm kinh nghiệm”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định đồng thời, dẫn chứng rất nhiều vụ lớn với nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật. Mới đây nhất là trường hợp nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị xử lý kỷ luật.
“Có vùng cấm, có ngoại lệ không, có chùng xuống không? Rõ ràng không có căn cứ cho rằng chúng ta đang dừng lại hay chùng xuống, thậm chí như trong báo cáo là làm quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản”.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh phải làm sao để nhân dân hiểu rõ được tâm lý ấy, để nhân dân không lo lắng vì tới đây, chúng ta không chỉ nói mà phải làm quyết liệt hơn nữa, làm ngày càng nhuần nhuyễn, bài bản, không chùng lại, không ngừng nghỉ.
Về xử lý các vụ việc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh quan điểm các cơ quan chức năng có thể có ý kiến khác nhau, nhưng vụ việc cần được giải quyết trên tinh thần tập trung dân chủ, phải vì lợi ích đất nước, không cho phép cá nhân nào được mưu đồ lợi ích riêng tư.
“Nếu như chưa có được thống nhất cao ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Cách làm phải theo tập thể, không cá nhân nào được lèo lái. Anh không làm không được, lảng tránh cũng không được, kể cả cơ quan có quyền lực muốn lảng tránh cũng không lảng tránh được vì cơ chế buộc anh phải thế”, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh.
Theo Tổng bí thư, đây là một kinh nghiệm quý, nếu có ý kiến khác nhau thì đem ra bàn, bàn cho kỹ nhưng phải đi đến thống nhất, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích Đảng lên trên hết. Cá nhân nào có động cơ thì xử ngay cá nhân đó vì chúng ta đã quán triệt phải phòng chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng.
“Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng “nói thẳng, nói thật” rằng cá nhân nào vướng vào quan hệ thân quen, tìm mọi cách bao che, xử nhẹ vi phạm là không được.
“Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào. Có biểu hiện, có dấu hiệu vi phạm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra ngay”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
“Ai dao động thì tự báo cáo và xin thôi đi”
Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, người đứng đầu Đảng, Nhà nước yêu cầu tiếp tục tập trung, quyết liệt hoàn thành những việc còn dở dang, những khâu còn yếu.
Phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN.
Toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm, không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng, không thể không làm vì đây là yêu cầu của cách mạng, là mong muốn của Đảng, nguyện vọng của nhân dân.
“Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhân dịp chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, người đứng đầu Đảng, Nhà nước lưu ý đến công tác nhân sự, theo đó, dứt khoát không được để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về đạo đức vào cấp ủy sắp tới. Chỗ nào để xảy ra tình trạng này thì kỷ luật chỗ đó.
“Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ chứ không chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”.
“Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ chứ không chỉ có bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ. Nhiều người nói làm thế lấy ai là người làm, cứ thử đi xem có người làm không, tôi tin là có người làm. Không thiếu gì người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Ông một lần nữa khẳng định phải mạnh mẽ làm, làm để giữ uy tín chứ không sợ mất uy tín, càng che giấu càng mất uy tín.
Hơn 70 cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, từ đầu năm đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018).
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.