Trung Quốc triển khai các tàu vũ trang với chiêu trò “tàu chấp pháp” để tìm cách kiểm soát Biển Đông
Nhiều năm qua, Bắc Kinh công khai tuyên bố rằng chủ quyền trên Biển Đông bằng bản đồ “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn), rồi còn đệ trình cả tuyên bố chủ quyền này với thế giới (tuyên bố này đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague phán quyết bác bỏ – TN). Và để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền, Trung Quốc tìm mọi cách để kiểm soát bằng sức mạnh, nắm giữ cả bầu trời lẫn vùng biển trong khu vực này. Việc đẩy mạnh tham vọng chủ quyền trên biển còn nằm trong chiến lược để Trung Quốc bành trướng quyền lợi ở các khu vực trên đất liền.
Để đạt được mục tiêu vừa nêu, Bắc Kinh bất chấp sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, như thông qua thương mại, lực lượng mà họ gọi là chấp pháp trên biển, lực lượng quân sự… Trung Quốc triển khai lực lượng tàu cá hùng hậu, phương tiện và thiết bị dầu khí đến Biển Đông tìm kiếm nguồn lợi cứ như khu vực này là “ao hồ” của Bắc Kinh.
Trung Quốc sử dụng các lực lượng núp bóng “dân sự” như cảnh sát biển, hay trước kia còn có hải giám, ngư chính (về sau được sáp nhập vào cảnh sát biển) tự xưng là lực lượng chấp pháp trên Biển Đông. Giữa vùng biển tranh chấp, lực lượng này đơn phương áp đặt luật lệ để Trung Quốc kiểm soát vùng biển dưới cái mác là “quyền lực hợp pháp”. Bắc Kinh bày ra chiêu trò hình thành lực lượng “dân quân biển” tìm cách hoạt động quấy phá lực lượng quân sự và hải quân chính quy của các nước khác. Cùng lúc, hải quân Trung Quốc sẽ phục sẵn cho trường hợp các nước khác phản ứng. Nếu răn đe như thế thành công, Bắc Kinh sẽ không điều quân đội trực tiếp có mặt ở các “điểm nóng” trực tiếp đối đầu. Đó là chiêu trò “bất chiến tự nhiên thành”.
Một chiến thuật khác trong hàng loạt chiêu trò của Bắc Kinh là “tằm ăn dâu”: cứ duy trì liên tục những hành động như trên nhưng không để tạo ra biến cố chiến tranh. Nếu các nước khác không phản ứng hiệu quả thì cứ theo thời gian, Trung Quốc dần độc quyền kiểm soát cả vùng biển tranh chấp.
Đến nay, cộng đồng quốc tế hầu như không đồng thuận với tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, nếu các nước không thể đẩy lùi các chiêu trò của Trung Quốc, thì việc cản trở sự bành trướng của Bắc Kinh sẽ ngày càng khó hơn. Đó là thách thức không chỉ cho các nước trong khu vực, mà còn đối với cả những quốc gia tôn trọng quyền tự do hàng hải hợp pháp.
Theo Thanh niên