Mỹ là nước xả rác nhiều nhất thế giới, với tỉ lệ xả rác tính trên đầu người nhiều gấp 3 lần so với tỉ lệ trung bình toàn cầu.
Mới đây, tờ Guardian (Anh) công bố kết quả nghiên cứu mới của Hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft cho thấy, Mỹ là nước thải nhiều rác hơn và cũng tái chế rác ít hơn so với các nước phát triển khác.
Nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng thải ra tới 12% chất thải rắn đô thị. Tỉ lệ này hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia châu Á chiếm tới hơn 36% dân số thế giới nhưng chỉ thải ra 27% tổng lượng rác toàn cầu.
Trong khi Mỹ chỉ tái chế được 35% rác thải đô thị thì Đức có tỉ lệ tái chế cao gần gấp đôi với 68%.
Những số liệu thống kê cũng cho thấy, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải ngày càng tăng, một phần lớn đáng kể là vấn đề rác thải nhựa đang tràn ngập tại các nước đang phát triển và các đại dương.
Hãng Verisk Maplecroft ước tính, trung bình mỗi người Mỹ thải ra 106,2kg rác mỗi năm.
“Mỹ là nước phát triển duy nhất có lượng rác thải ra vượt quá khả năng tái chế. Điều này cho thấy rõ việc thiếu một ý chí chính trị và đầu tư trong cơ sở hạ tầng”, báo cáo nghiên cứu nhận định.
Không chỉ riêng vấn đề về rác thải, Mỹ là nước sản xuất điện vẫn chủ yếu dựa vào khí thiên nhiên và than đá. Điều này khiến lượng khí thải thải ra môi trường của Mỹ luôn ở mức cao.
Tỷ trọng khí trong hỗn hợp điện của Mỹ (chiếm khoảng 35% vào năm 2018 theo ước tính của EIA – Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ) đang gia tăng do chi phí than tăng. Tỷ trọng than trong hỗn hợp điện của Mỹ chiếm khoảng 28% theo số liệu năm 2018.
Gần 1/5 sản lượng điện của Mỹ đến từ năng lượng hạt nhân. Mỹ là quốc gia có số lượng lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động nhiều nhất thế giới: 98 lò.
Mặc dù có mức tăng trưởng nhanh chóng, nhưng năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện, chỉ chiếm hơn 10% tổng sản lượng điện của Mỹ vào thời điểm tháng 10/2018, trong đó thủy điện chiếm 7%.
Với mức tiêu thụ năng lượng bình quân gần 12.833 kWh/người/năm, người Mỹ tiêu dùng điện nhiều nhất trên thế giới (mức tiêu thụ bình quân trên thế giới là 3.050 kWh/người/năm).
Năm 2018, lượng phát thải CO2 của Mỹ liên quan đến năng lượng có thể tăng 2,5% theo ước tính mới nhất của EIA.
Rõ ràng, Mỹ là một trong những nước gây ô nhiễm môi trường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thay vì khắc phục hậu quả, Washington lại có những động thái đi ngược lại nỗ lực này.
Tháng 6/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Nhà Trắng coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng, hiệp định này bất công đối với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ./.
Theo Diễn đàn TNVN