Saturday, November 23, 2024

Giây phút ‘cân não’ của Trump khi quyết định hủy đòn không kích Iran

Dù các cố vấn thúc giục tung đòn không kích Iran, Trump đã hủy quyết định vào phút chót khi cân nhắc về hậu quả của cuộc tấn công.

Giây phút 'cân não' của Trump khi quyết định hủy đòn không kích Iran

Tổng thống Mỹ Trump tại Washington tháng 3/2017. Ảnh: AFP.

Sáng 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nghe tin một máy bay trinh sát không người lái (UAV) trị giá khoảng 200 triệu USD của Mỹ bị tên lửa phòng không Iran bắn hạ gần eo biển Hormuz. Ông chủ Nhà Trắng lập tức đối mặt với câu hỏi cần đáp trả Iran như thế nào, cũng như áp lực càng lúc càng lớn từ các cố vấn có quan điểm cứng rắn.

Sáng sớm hôm đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, người luôn duy trì lập trường “diều hâu” với Iran, tổ chức cuộc họp với Patrick Shanahan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng vừa thông báo từ chức ba ngày trước, tại Nhà Trắng.

Đến 11h, Shanahan trở lại Nhà Trắng để họp với Tổng thống, lần này đi cùng Bộ trưởng Lục quân Mark Esper, người được chỉ định thay thế ông làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng và tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Đến cuối cuộc họp, Trump vẫn chưa quyết định được phải làm gì.

Trong số những người được Trump tham vấn buổi sáng hôm đó có thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông. Graham hối thúc Trump xem xét sử dụng biện pháp quân sự để đáp trả Iran.

Vào 15h, Trump chủ trì cuộc họp kín với các lãnh đạo quốc hội trong Phòng Tình huống ở Nhà Trắng. Sau khi kết thúc cuộc họp, một số quan chức tin rằng Trump sẽ ra lệnh tấn công.

Tổng thống Mỹ đã được trao danh sách gồm ít nhất 10 mục tiêu tiềm năng cho đòn không kích vào Iran. Bản danh sách được lập trong tháng này, sau khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu ở vịnh Oman. Danh sách mục tiêu sau đó được rút gọn xuống còn ba địa điểm, trong đó có các tổ hợp radar và tên lửa của phòng không Iran.

Đội ngũ an ninh quốc gia của Trump gần như nhất trí rằng cần phải đưa ra phản ứng quân sự để đáp trả Iran. Bolton và các quan chức lập luận nếu Mỹ không mạnh tay trừng phạt Tehran, họ sẽ bị coi là làm ngơ cho Iran và các quốc gia khác có “hành vi xấu”. Họ thừa nhận đòn tấn công có thể làm leo thang căng thẳng, nhưng coi đó là hậu quả hiển nhiên của một động thái cần thiết.

Tuy nhiên, trong cuộc họp, tướng Dunford cảnh báo bước đi này có thể gây nguy hiểm cho các lực lượng và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Ngoại trưởng Mike Pompeo lập luận rằng các biện pháp trừng phạt đang có phát huy hiệu quả mạnh mẽ khi cắt giảm đáng kể doanh thu từ dầu mỏ của Iran. Mặc dù Pompeo ủng hộ tiến hành đòn tấn công chính xác, ông nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt đang có tác động lâu dài – điều mà chính quyền mong muốn.

Trump không chỉ nghe tư vấn từ đội ngũ an ninh quốc gia. Ông cũng nói chuyện với các cố vấn bên ngoài và các nghị sĩ, những người tìm cách nhắc nhở ông về cam kết của mình khi tranh cử là đưa Mỹ ra khỏi những cuộc chiến sa lầy ở Trung Đông và kêu gọi ông thể hiện sự kiềm chế.

Tuy nhiên, vào giờ phút ra quyết định, xung quanh ông đều là những cố vấn muốn Tổng thống có lập trường cứng rắn với Iran. Khoảng 19h, các quan chức cấp cao Mỹ được thông báo rằng cuộc không kích sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 21h đến 22h hoặc ngay trước bình minh ở Iran.

Tuy nhiên, khi các tàu chiến, chiến đấu cơ Mỹ ở Trung Đông đã sẵn sàng trong tư thế “nạp đạn” cho một cuộc không kích, các chỉ huy quân sự Mỹ nhận được lệnh hủy bỏ kế hoạch hành động một giờ sau đó.

Một nguồn tin nói với Newsweek rằng các lực lượng Mỹ ở Trung Đông bị báo động lúc 2h sáng để nhận lệnh tấn công “trong một giờ tới”. Nhưng sau đó, không có bất cứ mệnh lệnh khai hỏa nào được đưa ra, dù họ vẫn duy trì tâm thế sẵn sàng cho đến 19h hôm đó.

Sau khi Trump quyết định hủy không kích, ông bật TV để xem người dẫn chương trình yêu thích trên Fox News, Tucker Carlson. Những gì ông nghe thấy giống như lời giải thích cho lý do ông không tấn công Iran. Carlson nói rằng “các cuộc chiến tranh ở nước ngoài của Mỹ đã kết thúc trong thất bại ảm đạm”.

“Chính những người đã dụ dỗ chúng ta vào vũng lầy ở Iraq 16 năm trước đang thúc giục một cuộc chiến mới với Iran”, Carlson nói. “Nhưng Tổng thống dường như rất hoài nghi về vấn đề này”.

Trong những ngày gần đây, Carlson đã liên tục bày tỏ quan điểm rằng dùng vũ lực để đáp trả các hành động khiêu khích của Tehran là điên rồ. Các quan chức “diều hâu” không để tâm đến lợi ích tốt nhất đối với Trump. Nếu ông lâm vào một cuộc chiến với Iran, ông sẽ phải nói lời tạm biệt với cơ hội tái đắc cử.

Trên Twitter và trong một cuộc phỏng vấn với NBC, Trump giải thích rằng ông hủy không kích vì muốn tránh thương vong. Khi được các tướng thông báo 150 người Iran có thể bị giết, ông cảm thấy “không đáng” khi khiến nhiều người chết như vậy vì một sự cố không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, lời kể này của Trump khiến nhiều người thắc mắc vì thông thường trước bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào, các sĩ quan tham mưu cũng sẽ trình bày ước tính về thiệt hại. Đây là con số phỏng đoán sơ bộ vì gần như không thể biết ai sẽ có mặt hoặc điều gì sẽ xảy ra tại địa điểm bị không kích. Trong trường hợp này, 150 người chết là trường hợp xấu nhất, còn không ai thương vong là kịch bản hoàn hảo nhất.

Các quan chức an ninh quốc gia kỳ cựu của Mỹ bày tỏ nghi ngờ về việc Trump đến phút chót mới được thông báo về thương vong ước tính. Một số người cho rằng Trump có thể đã được cung cấp thông tin trước đó nhưng không nghe hoặc không tập trung vào vấn đề này.

Jack Keane, tướng đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ quan hệ thân cận với Nhà Trắng, cho rằng một yếu tố tác động đến quyết định của Trump là Tổng thống nhận được thông tin tình báo rằng vụ bắn hạ thực chất là một quyết định sai lầm của phía Iran. “Tổng thống được báo cáo rằng các lãnh đạo Iran đã thất vọng hoặc tức giận với chỉ huy đã ra lệnh bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ”, Keane cho biết.

“Tôi không nghĩ rằng đó là yếu tố mang tính quyết định đối với Tổng thống nhưng thông tin đó đã góp phần để Trump đánh giá tình hình”, Keane nói thêm. “Điều mang tính quyết định đối với ông ấy là so sánh thiệt hại giữa việc phá hủy tên lửa và giết người với việc bắn hạ một máy bay không người lái”.

Ngày 21/6, sau khi tin tức về việc Trump hủy không kích được công bố, Brian Kilmeade, một trong những người dẫn chương trình yêu thích của Trump, cảnh báo rằng “có hậu quả cho việc không hành động”. “Ở Trung Đông, trong nhiều trường hợp, bạn bị coi là yếu đuối nếu không phản ứng mạnh tay”, Kilmeade nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Risch nhấn mạnh rằng Trump không muốn chiến tranh. “Tôi đã theo dõi ông ấy trong giây phút ‘cân não’ đó. Sau những cuộc tranh luận, quyết định cuối cùng thuộc về một người”, Risch nói.

“Tổng thống thực sự đã vật lộn với vấn đề này”, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Adam Smith kể. Một số người đánh giá Trump đã tin tưởng vào bản năng và sẵn sàng đi ngược với lời khuyên của những cố vấn thân cận.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết trong suốt cuộc họp, Trump đã cân nhắc rất kỹ và rất nghiêm túc. Ông hiểu rằng quân đội không thể dự đoán Iran sẽ phản ứng thế nào với đòn tấn công của Mỹ và ông không mong muốn đòn không kích leo thang thành cuộc chiến toàn diện.

Các quan chức quân sự hài lòng khi Trump hủy không kích vì sự không chắc chắn này. Nhiều người tin rằng cuộc tấn công được cho là do Iran thực hiện nhằm vào tàu chở dầu và vụ bắn rơi máy bay không người lái về cơ bản là cách Tehran thể hiện họ muốn đối thoại với Washington.

Ngày 21/6, một quan chức cấp cao nói với các phóng viên về khả năng áp thêm lệnh trừng phạt với Iran. Tuy nhiên, quan chức này cảnh báo rằng Trump không hoàn toàn loại bỏ phương án quân sự. “Đó là lựa chọn mà Tổng thống luôn duy trì”.

Theo VnExpress

 

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG