Một hình ảnh vệ tinh mà hãng tin CNN của Mỹ đăng tải mới đây cho thấy Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 chiến đấu cơ J-10 tới đảo Woody (Phú Lâm) trên Biển Đông, đợt triển khai đầu tiên của các chiến đấu cơ này tính từ năm 2017.
Ảnh vệ tinh mà CNN đăng tải cho thấy có ít nhất 4 chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đậu trên đảo Phú Lâm (Ảnh: CNN)
Hình ảnh trên cho thấy lần đầu tiên các máy bay chiến đấu J-10 xuất hiện trên hòn đảo này hoặc bất kỳ hòn đảo nào khác mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông – theo ImageSat International, tổ chức cung cấp hình ảnh vệ tinh cho CNN.
Việc triển khai diễn ra trong lúc mà căng thẳng trên Biển Đông vẫn ở mức cao, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Nhật Bản vào tuần tới.
Các nhà phân tích nhận định về bức ảnh vệ tinh nói trên cho rằng cả vị trí và trang thiết bị đi kèm của các máy bay trên là việc đáng lưu tâm, và chỉ ra rằng các máy bay này đã ở trên hòn đảo tranh chấp được khoảng 10 ngày.
“Họ muốn các bạn chú ý đến chúng. Nếu không thì họ đã không đáp chúng bên trong nhà kho rồi” – Peter Layton, cựu quan chức Lực lượng Không quân Hoàng gia Australian và giờ là chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Griffith châu Á, nhận định – “Bạn hiểu được thông điệp gì từ điều này?”.
Ông Carl Schuster – cựu Giám đốc chiến dịch thuộc Trung tâm Tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ – cho rằng, việc triển khai các phi cơ chiến đấu J-10 nhằm mục đích “thể hiện rằng đó là lãnh thổ của họ và họ có thể đặt máy bay quân sự ở bất cứ nơi nào mà họ muốn”.
“Họ cũng đưa ra một tuyên bố rằng họ có thể mở rộng phạm vi của sức mạnh không quân trên khu vực Biển Đông đến mức độ mà họ mong muốn, hoặc cần thiết” – ông Schuster nhận định.
Mẫu J-10 của Trung Quốc có tầm hoạt động khoảng 740 km, bao trùm khu vực rộng lớn của Biển Đông và các tuyến hàng hải lân cận – theo ông Schuster.
Một hình ảnh khác về các máy bay chiến đấu J-10 trên đảo Phú Lâm (Ảnh: CNN)
Theo giới phân tích, 4 phi cơ chiến đấu kể trên không được lắp đặt các thùng xăng phụ. Điều này cho thấy chúng được tiếp nhiên liệu trên đảo, và kế hoạch của Trung Quốc là duy trì các máy bay này ở đó trong một khoảng thời gian.
“Đây có thể là kế hoạch triển khai để tham gia huấn luyện, để giúp đội J-10 sẵn sàng hoạt động thúc đẩy tuyên bố về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc” – ông Layton nói – “Hoạt động này có thể trở thành thường lệ”.
Năm 2016, Trung Quốc nói rằng họ có quyền được áp đặt ADIZ trên khu vực Biển Đông, trong đó đòi hỏi các máy bay băng qua vùng biển này phải thông báo với chính quyền Bắc Kinh. Trung Quốc cũng thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào năm 2013, làm dấy lên sự phẫn nộ của cả Nhật Bản và Mỹ, và đến nay chưa hoàn toàn được thực thi.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ra sức nâng cấp các cơ sở trên đảo Phú Lâm, triển khai nhiều tên lửa đất-đối-không, xây dựng 20 nhà xưởng máy bay ở sân bay, nâng cấp 2 nhà xưởng và cải tạo đất – theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI).
Đảo Phú Lâm từ lâu đã được coi như nguyên bản để Bắc Kinh tăng cường xây dựng đảo ở Trường Sa – theo báo cáo mà AMTI công bố năm 2017.
Sự xuất hiện của phi cơ J-10 trên đảo Phú Lâm chỉ 1 năm sau khi Trung Quốc triển khai các máy bay ném bom H-6K tới hòn đảo này để bay thử nghiệm. Quân đội Trung Quốc lúc đó nói rằng nhiệm vụ này là một phần trong mục tiêu của họ nhằm mở rộng phạm vi hoạt động, khả năng di chuyển nhanh hơn và tăng cường khả năng chiến đấu của không quân.
Theo CNN