Sau gần 02 năm được giữ ổn định, từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên 1.864,49 đồng/kWh.
Đã và đang xuất hiện nhiều luồng dư luận, ý kiến khác nhau liên quan mức tăng giá điện, trong đó, có ý kiến cho rằng mức giá điện mới không phải chỉ tăng 8,36% mà lên đến gần 75% so với giá điện cũ.
Luồng ý kiến này không chỉ được đăng tải trên các trang thông tin điện tử của một số tờ báo chính thống
mà còn lan tràn trên khắp các trang mạng xã hội.
Tất cả các ý kiến đưa ra đều không nêu rõ cách tính toán để đưa ra được con số gần 75% (hay hơn 70%) mà chỉ dẫn ví dụ về một hộ gia đình có hóa đơn tiền điện tháng 3/2019 cao hơn so với tháng trước đó (dù nguyên nhân có thể dễ dàng nhận thấy là do lượng điện sử dụng tháng sau cao đột biến so với tháng trước)
hoặc phân tích dựa trên việc cộng dồn tỷ lệ % chênh lệch giữa 06 bậc thang giá điện.
Thực tế, việc chia giá điện thành 6 bậc như hiện nay đã được thực hiện từ năm 2014. Do vậy, việc cộng dồn tỷ lệ % chênh lệch giữa các bậc thang giá điện để tính mức tăng giá điện đợt này là không hợp lý.
Để biết mức giá điện mới tăng bao nhiêu so với mức giá điện cũ đòi hỏi chúng ta phải làm một số phép tính. Cụ thể, với cùng một lượng điện sử dụng thì số tiền điện mà một hộ gia đình phải trả trước đây và số tiền điện phải trả hiện nay sẽ được tính như sau:
Số tiền điện cũ = [(lượng điện bậc 1 x giá điện bậc 1 cũ) + (lượng điện bậc 2 x giá điện bậc 2 cũ) + (lượng điện bậc 3 x giá điện bậc 3 cũ) + (lượng điện bậc 4 x giá điện bậc 4 cũ) + (lượng điện bậc 5 x giá điện bậc 5 cũ) + (lượng điện bậc 6 x giá điện bậc 6 cũ)] x (1 + 10% VAT).
Số tiền điện mới = [(lượng điện bậc 1 x giá điện bậc 1 cũ x (1+ tỉ lệ tăng giá của bậc 1)) + (lượng điện bậc 2 x giá điện bậc 2 cũ x (1+ tỉ lệ tăng giá của bậc 2)) + (lượng điện bậc 3 x giá điện bậc 3 cũ x (1+ tỉ lệ tăng giá của bậc 3)) + (lượng điện bậc 4 x giá điện bậc 4 cũ x (1+ tỉ lệ tăng giá của bậc 4)) + (lượng điện bậc 5 x giá điện bậc 5 cũ x (1+ tỉ lệ tăng giá của bậc 5)) + (lượng điện bậc 6 x giá điện bậc 6 cũ x (1+ tỉ lệ tăng giá của bậc 6)] x (1 + 10% VAT)
= Số tiền điện cũ + [(lượng điện bậc 1 x giá điện bậc 1 cũ x tỉ lệ tăng giá của bậc 1) + (lượng điện bậc 2 x giá điện bậc 2 cũ x tỉ lệ tăng giá của bậc 2) + (lượng điện bậc 3 x giá điện bậc 3 cũ x tỉ lệ tăng giá của bậc 3) + (lượng điện bậc 4 x giá điện bậc 4 cũ x tỉ lệ tăng giá của bậc 4) + (lượng điện bậc 5 x giá điện bậc 5 cũ x tỉ lệ tăng giá của bậc 5) + (lượng điện bậc 6 x giá điện bậc 6 cũ x tỉ lệ tăng giá của bậc 6)] x (1 + 10% VAT).
Do tỉ lệ tăng giá của từng bậc chỉ dao động trong khoảng từ 8,33% đến 8,4% nên số tiền điện tăng thêm so với số tiền điện cũ rõ ràng cũng không thể vượt quá khoảng từ 8,33% đến 8,4%.
Để dễ hiểu hơn chúng ta có thể áp dụng các phép tính trên đối với hộ gia đình có lượng điện sử dụng là 452 kWh/tháng,
Số tiền điện cũ = (50 x 1.549 + 50 x 1.600 + 100 x 1.858 + 100 x 2.340 + 100 x 2.615 + 52 x 2.701) x (1 + 10% VAT) = (77.450 + 80.000 + 185.800 + 234.000 + 261.500 + 140.452) x 1,1 = 979.202 x 1,1 = 1.077.122,2 (đồng)
Số tiền điện mới = (50 x 1.678 + 50 x 1.734 + 100 x 2.014 + 100 x 2.536 + 100 x 2.834 + 52 x 2.927) x (1 + 10% VAT) = (83.900 + 86.700 + 201.400 + 253.600 + 283.400 + 152.204) x 1,1 = 1.061.204 x 1,1 = 1.167.324,4 (đồng)
Số tiền điện tăng thêm = 1.167.324,4 – 1.077.122,2 = 90.202,2 (đồng)
= Số tiền điện cũ x 8,37437%.
Như vậy, có thể thấy những người đưa ra quan điểm cho rằng mức giá điện mới tăng đến gần 75% so với giá điện cũ hoặc là đang cố tình lập lờ, không tính toán một cách rõ ràng nhằm làm cho dư luận xã hội hiểu nhầm về mức tăng giá điện hoặc đơn giản là không biết làm TOÁN.
Còn bạn, nếu thực sự chưa tin giá điện chỉ tăng bình quân khoảng 8,36% thì hãy cầm hóa đơn điện của nhà mình lên và cùng thử tài làm TOÁN xem nhé!
Lê Dân