Saturday, November 23, 2024

ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH: Hồi ký oanh liệt về chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975

Đại tướng Lê Đức Anh (nguyên Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh Đoàn 232 – Cánh quân hướng tây-tây nam đánh vào nội đô Sài Gòn – Gia Định tháng 4.1975) đã góp công làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng

Tháng 4.1975, sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cả ở miền Bắc và miền Nam, cuộc Tổng tiến công chiến lược tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam bắt đầu. Ban đầu chiến dịch có tên là chiến dịch Sài Gòn, sau đó được Bộ Chính trị đồng ý đổi tên thành chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh – cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, Đại tướng Lê Đức Anh nhớ như in từng chi tiết, khoảnh khắc lịch sử và những phút giây huy hoàng trong việc chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, tổng tiến công mùa xuân năm 1975 tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH: Hồi ký oanh liệt về chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975

Trung tướng Lê Đức Anh – Tư lệnh Quân khu 9 – thăm động viên các chiến sĩ của Tiểu đoàn tăng – thiết giáp, Quân khu 9 tháng 5.1976. Ảnh: T.L

Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh nêu rõ: Sáng 30.4.1975 các cánh quân ta cùng nhân dân nổi dậy, đồng loạt tấn công đánh chiếm các mục tiêu đã định. Đến 9h30, quân địch về cơ bản đã mất sức chiến đấu. Cả Sài Gòn – Gia Định trở thành một rừng cờ, biểu ngữ, hoa các loại vẫy chào quân giải phóng. Những nơi chưa có bộ đội quản lý thì nhân dân, chủ yếu là công nhân, sinh viên, học sinh quản lý. Khi bộ đội đến thì họ giao cho bộ đội quản lý. Nhân dân dẫn đường cho các mũi đột kích chiếm các mục tiêu còn lại.

Trước tình hình đó, Dương Văn Minh – tân Tổng thống mới nhậm chức của chính quyền Sài Gòn – tuyên bố xin ngừng bắn để thảo luận bàn giao chính quyền. Lập tức, anh Phạm Hùng phát ngay bức điện hỏa tốc gửi thủ trưởng các đơn vị đang cầm quân trên chiến trường; “Địch dao động đang rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm lĩnh các mục tiêu đúng quy định.

Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng! Chấp hàng nghiêm lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, các cánh quân của ta tiếp tục tấn công, buộc chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện”.

Từ sáng sớm 30.4.1975, các mũi tiến công của quân ta cùng dồn dập tấn công địch. Khoảng 9h sáng 30.4.1975, Bộ đội đã làm chủ và tổ chức gác toàn bộ các vị trí. Anh em rất hăng hái nên dù không được giao mục tiêu, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ sớm ở Tổng nha Cảnh sát, đã cho một mũi vào Dinh Độc Lập, còn mũi phát triển ra đánh căn cứ Tư lệnh Hải quân địch.

Mũi phát triển vào tới Dinh Độc Lập thì hợp điểm với mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 ở đó. Thời khắc lịch sử trưa 30.4.1975 tại Dinh Độc Lập có mặt ba mũi cùng tiến công vào từ hai hướng; hướng đông là mũi của Quân đoàn 2, hướng tây – tây nam là mũi của Sư đoàn 9 và một mũi của đồng chí Tư Thân (Đoàn 232).

Ký ức hào hùng về giờ phút thiêng liêng

“Đúng 11h30 ngày 30.4.1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Dộc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc này, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta tự lực giải phóng địa bàn, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta toàn thắng. Nó đã toát lên một điều là đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta đã thấm sâu vào quần chúng, kể cả quần chúng bị bắt buộc vào trong hàng ngũ địch. Đây là thời cơ để bộc lộ tinh thần yêu nước, vì độc lập dân tộc, làm phát lộ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quần chúng vô cùng sinh động, mạnh mẽ và hiệu quả hơn bao giờ hết” – Đại tướng Lê Đức Anh nhớ lại trong hồi ký của mình.

Chia sẻ về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – cho hay: Đại tướng Lê Đức Anh là một người anh, người đồng đội, người chỉ huy sâu sắc, quyết liệt, có tầm nhìn xa, trông rộng.

Cuộc đời ông gắn với nhiều dấu ấn to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Đại tướng Lê Đức Anh là cán bộ lão thành cách mạng. Ông tham gia cách mạng từ sau Cách mạng Tháng 8.1945. Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đảm nhận nhiều chức vụ trọng trách trong quân đội. Đặc biệt, ông cũng là một trong những người có vai trò rất lớn trong Bộ Chỉ huy giải phóng miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng cho biết thêm, sau khi hòa bình lập lại, Đại tướng Lê Đức Anh đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… và chức vụ cao nhất ông tham gia là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước. Sau này Đại tướng Lê Đức Anh được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. “Ông là một con người quyết đoán, có tầm nhìn chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, ông cũng là người có vai trò to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ông cũng là người xây dựng, đặt nền móng mở rộng mối quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới và có vai trò to lớn trong việc bình thường mối quan hệ với các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc” – Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ.

TRẦN VƯƠNG

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG