Sau phán quyết của YouTube, các MCN thuộc Yeah1 vẫn chưa bị xử lý. Những kênh lớn đã “yên vị” trong một network khác. Dịch vụ bật kiếm tiền, dung túng kênh bẩn vẫn tái diễn.
Một tháng sau ngày thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ mạng đa kênh, YouTube vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cụ thể hơn với những network sai phạm của Yeah1. Vụ việc kéo dài đang đặt ra câu hỏi lớn về sự minh bạch của Google khi đối mặt với những vấn đề của nền tảng.
YouTube mập mờ trong quyết định trừng phạt Yeah1
Sau hơn một tháng kể từ ngày chính thức công bố quyết định ngừng hợp tác lưu trữ thông tin với Yeah1, lý do duy nhất được Google đưa ra là phát hiện “các hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty”.
Sau gần 2 tháng, Google vẫn mập mờ trong quyết định trừng phạt dành cho Yeah1.
Tuy vậy, hành vi nào, bao nhiêu lần lặp lại và mức độ nghiêm trọng ra sao để một MCN từng đứng top 10 thế giới với hơn 1.000 kênh bị xử lý lại không được Google đề cập hay công khai.
Về phần mình, tập đoàn Cổ phần Yeah1 (YGC) cho biết sự việc bắt đầu khi YouTube thông báo SpringMe – công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube.
Việc này khiến SpringMe, Yeah1 Network và Scale Lab – MCN Yeah1 mua đầu năm 2019 với giá 20 triệu USD chịu chung cảnh bị YouTube “xóa sổ”. Ngoài ra, YouTube còn thể hiện sự mập mờ trong quyết định xử lý các MCN thuộc Yeah1.
Cụ thể, trong ba MCN bị YouTube chấm dứt thỏa thuận, trường hợp của Scale Lab được xem là khó hiểu nhất. Dù cùng chịu một phán quyết nhưng ngày 9/3, Yeah1 tuyên bố đã bán Scale Lab về chủ cũ với giá 12 triệu USD.
Thương vụ này giúp Scale Lab (mạng đa kênh giá trị nhất của Yeah1) thoát khỏi “án tử’ mà YouTube áp lên tất cả các MCN thuộc tập đoàn Yeah1.
Các kênh nội dung tiếng Việt thuộc quản lý của Yeah1 đang nằm trong tay một network Philippines.
Bên cạnh việc không công bố lý do xử phạt Yeah1, YouTube còn mập mờ trong việc gia hạn thời gian thỏa thuận. Cụ thể, ngày 2/4, Yeah1 thông báo YouTube đã gia hạn cho MCN này thêm hai tuần. Lý do của việc gia hạn không được cả hai phía tiết lộ.
Đến ngày 16/4, kết thúc thời gian gia hạn, YouTube tiếp tục không có động thái cụ thể nào. Cả Yeah1, SpringMe đều tiếp tục hoạt động bình thường.
Thậm chí, Yeah1 còn thông báo “công ty vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ YouTube về các bước sẽ được thực hiện liên quan đến Thỏa thuận lưu trữ nội dung giữa hai bên”.
Đồng thời, Yeah1 khẳng định các đối tác trên mạng đa kênh của họ sẽ vẫn duy trì hoạt động bình thường, vẫn được hỗ trợ về mọi mặt và đảm bảo tốt nhất mọi quyền lợi.
Như vậy, các network nằm trong diện “chịu án” của YouTube gồm Yeah1 Network, Springme và ScaleLabs chưa có biểu hiện dừng hoạt động dù đã có kết luận sai phạm.
Trả lời Zing.vn, Google cho biết công ty đang xây dựng các phương án hỗ trợ tốt nhất cho những nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi này. “Chúng tôi sẽ chia sẻ thêm thông tin trong thời gian sớm nhất”, Google nói thêm.
Như vậy, ngoài việc đang xây dựng phương án hỗ trợ các chủ kênh, Google không có bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến Yeah1.
Yeah1 chuyển hàng ngàn kênh qua Network mới
Trong suốt một tháng chờ đợi phán quyết của Google, một mặt Yeah1 cho biết họ đang đàm phán với YouTube, một mặt Yeah1 di dời hơn 1.000 kênh sang Freedom – một network của Philippines từng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Yeah1.
Trong số các kênh thuộc Freedom mà Kedoo liệt kê, có thể thấy những kênh quen thuộc trước đây từng là đối tác của Yeah1 như Ẩm thực Tam Mao, Hari Won.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện một hệ thống kênh YouTube hướng tới giải trí, giới trẻ cũng xác nhận các kênh của anh đã chuyển từ network của Yeah1 sang Freedom theo đề nghị của Yeah1.
Network đang chứa gần 1.000 kênh YouTube Việt cũng bắt đầu cho các dịch vụ bẩn ngoài luồng.
Trong email gửi cho các chủ kênh, Yeah1 cam kết khi chuyển sang Freedom, toàn bộ các thỏa thuận giữa Yeah1 với chủ kênh sẽ được giữ nguyên.
Theo anh Trần Tùng, một chủ kênh nằm trong danh sách “di dân”, Yeah1 chắc chắn có hợp tác với Freedom trong thỏa thuận chuyển 1.000 kênh YouTube này. “Chính sách tuyển chọn kênh của Yeah1 được xem là “lỏng tay” hơn so với Freedom. Để Freedom chấp nhận 1.000 kênh này, Yeah1 bắt buộc phải có hợp tác với Freedom”, anh Tùng nói thêm.
Như vậy, việc áp dụng chính sách của Yeah1 cho gần 1.000 kênh chuyển sang Freedom có thể hiểu như một cách “ký gởi” các kênh YouTube.
Sau 1 tháng, YouTube không hề có động thái hay phát ngôn cụ thể nào. Trong khi đó, Yeah1 “di tản” thành công hơn 1.000 kênh, tách ly được Scale Labs, network trị giá 20 triệu USD của mình.
Vẫn làm dịch vụ ‘bẩn’ sau khủng hoảng YouTube?
Freedom – network được Yeah1 “tin tưởng” giao cho quản lý gần 1.000 kênh đang bắt đầu có những hoạt động bật kiếm tiền dịch vụ, tương tự cách SpringMe đã làm.
“Bật kiếm tiền” là loại dịch vụ ngoài luồng, khi một chủ mạng đa kênh có uy tín “bảo kê” cho những kênh làm nội dung không lành mạnh tham gia hệ thống. Nhờ đó, các kênh này được bật tính năng kiếm tiền thông qua quảng cáo.
Trong một hội nhóm chuyên về YouTube, có một số thành viên đăng bài rao dịch vụ bật kiếm tiền bằng công cụ quản lý của network Freedom.
YouTube không mạnh tay với MCN, dịch vụ bật kiếm tiền lại tiếp tục hoành hành.
Ngoài Freedom, trên một group Facebook, có nhân viên tự giới thiệu thuộc một network tên Identity và quảng cáo dịch vụ bật kiếm tiền. Trong đó, T.M.P, người từng tự xưng là quản lý của SpringMe cũng thường xuyên có những bài rao dịch vụ bật kiếm tiền. Đáng chú ý, người này còn sử dụng email đuôi @freedom, @identity và cả @SpringMe để hoạt động.
Dù YouTube đã tuyên bố chấm dứt thỏa thuận lưu trữ mạng đa kênh với Yeah1, việc hệ thống này có những hoạt động ngoài luồng như hợp tác “ký gửi” kênh cho một MCN khác hay tiếp tục dung túng cho kênh bẩn bằng việc mua lại các network nhỏ, cho thấy YouTube (hay công ty mẹ Google) vẫn chưa ý thức được thực trạng, hoặc dung túng cho các đối tác vi phạm.
Trách nhiệm YouTube ở đâu?
Rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm của YouTube trong sự cố network với Yeah1. Thế nhưng cho đến nay, YouTube chưa hề đưa ra thêm một thông báo nào chi tiết. Những gì nền tảng video khổng lồ này cung cấp chỉ là những tuyên bố chung chung, không đưa lý do cụ thể, cũng không thừa nhận hay phủ nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề này.
Dường như né tránh truyền thông là văn hóa của các công ty công nghệ.
Nhà báo kinh tế Steven Pearlstein của Washington Post nhận định: “Trong tất cả công ty thuộc mọi lĩnh vực tôi phỏng vấn, các công ty công nghệ là tồi tệ nhất. Họ hầu như không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông. Một số còn có chính sách từ chối báo giới. Trong thời điểm công chúng cần nghe phản hồi từ các công ty công nghệ nhất thì họ lại tảng lờ”.
Hiện hàng nghìn network ở trên YouTube và dựa vào mạng xã hội video này để kinh doanh, kiếm lời. Ở chiều ngược lại, với các network (Yeah1 là một trong số đó), YouTube gần như là lựa chọn duy nhất.
Theo New York Times: “Với khối lượng nội dung khổng lồ, YouTube quản lý không xuể nên phải nhờ cậy đến nguồn lực của network trong khâu kiểm duyệt. Quan hệ kiềng ba chân phân chia doanh thu quảng cáo giữa YouTube, người dùng và network, trong nhiều trường hợp YouTube trực tiếp tài trợ cho người tạo ra những nội dung kích động hận thù, gây nghiện ma túy hoặc khủng bố”.
Ủy thác cho network kiểm duyệt, không ít video có nội dung không phù hợp qua mặt và tồn tại ngang nhiên trên YouTube, thu hút người xem, và qua đó cũng đóng góp doanh số của nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới này.
Về lý thuyết, mối quan hệ giữa network, YouTube và người sáng tạo được xem là cộng sinh, các bên cùng có lợi. Thế nhưng với vai trò là chủ nền tảng, YouTube hiển nhiên là bên “nắm đằng chuôi”. Từ đó, YouTube càng không thể phủi tay hay ngó lơ các vấn đề liên quan trực tiếp đến mối quan hệ cộng sinh này.