Chiều 12/3, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành tuyên án phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang tuyên bản án phúc thẩm. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Bên cạnh nội dung bản án về tội danh, mức án của các bị cáo kháng cáo, kháng nghị của Viện Kiểm sát, Hội đồng phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho biết, trong bản án phúc thẩm cần thiết nêu lại nội dung 12 kiến nghị trong bản án sơ thẩm đã đưa ra để các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ án giai đoạn tiếp theo và làm căn cứ hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.
Kiến nghị điều tra, làm rõ giai đoạn 2 của vụ án
Theo đó, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng, các nhân viên ngân hàng có liên quan trong việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản cá nhân với số lượng rất lớn, để các đối tượng trong vụ án lợi dụng thanh toán doanh thu tổ chức đánh bạc.
“Từ đó, tìm ra kẽ hở trong công tác phòng chống rửa tiền để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật” – bản án nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tòa kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án đối với các công ty có liên quan đến hành vi rửa tiền của Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến – VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC). Nếu có hành vi vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật; tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm trong việc cho thuê chỗ đặt máy chủ để vận hành game bài Rikvip/Tip.Club.
Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ trách nhiệm của cá nhân thuộc các đơn vị ở Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan liên quan có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, internet, nhưng không kiểm tra, phát hiện kịp thời; khi phát hiện thì không kiên quyết xử lý để các đối tượng lợi dụng tổ chức đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài từ năm 2015 đến năm 2017 gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Tiếp tục điều tra về lời khai đưa và nhận hối lộ
Các bị cáo đứng nghe tòa tuyên án phúc thẩm. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Một nội dung đáng chú ý khác, Tòa án kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương về việc đưa tiền, của cải vật chất cho các cán bộ từng công tác trong Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Tổng cục An ninh, Bộ Công an; Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội.
“Nếu có đủ dấu hiệu của tội nhận hối lộ thì cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – Tòa kiến nghị.
Bên cạnh đó, Tòa kiến nghị Bộ Công an có cơ chế chặt chẽ trong việc lựa chọn, thành lập và kiểm soát hoạt động của các công ty nghiệp vụ, tránh lợi dụng ưu thế là công ty nghiệp vụ của ngành công an để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị Bộ Công an trong việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, bố trí hợp lý các cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác để phát huy có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
“Tránh trường hợp như Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhưng không có trình độ về công nghệ thông tin” – bản án nêu.
Tòa cũng kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án về tỷ lệ phân phối lợi nhuận kinh doanh “Công ty CNC được hưởng 80%, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được hưởng 20%” theo Bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh được ký kết giữa bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và bị cáo Nguyễn Văn Dương ngày 10/10/2011.
Với các ngành chức năng khác, Tòa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý hoạt động phát hành thẻ cào viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông, nhất là việc sử dụng các thẻ cào này vào làm phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông; Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan và tăng cường trách nhiệm quản lý đối với việc phát hành, sử dụng của các loại thẻ có mệnh giá, như: thẻ game, thẻ đa năng… đảm bảo phạm vi và mục đích sử dụng; Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hoàn thiện quy định của pháp luật và phối hợp quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán, trong đó phải đề xuất quy định chặt chẽ đối với hoạt động thanh toán “gạch thẻ”.
Ngoài ra, Tòa kiến nghị Bộ thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý hoạt động cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1; hoạt động quảng cáo trên mạng viễn thông.
Xuân Tùng – Đào An (TTXVN)