Mặc dù tài liệu, chứng cứ thu thập được và lời khai với cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã đủ cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Trung Trực. Nhưng khi tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trung Trực, luật sư Nguyễn Văn Miếng, thuộc Văn phòng luật sư Hồng Đức lại tìm cách bảo vệ thân chủ mình hết sức vô lý, thể hiện sự non kém về pháp luật. Để rộng đường dư luận, Việt Nam thời luận đăng bài viết của tác giả Võ Thắng để làm rõ hơn chân tướng của kẻ âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Ngày 22/4/2013, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Đức Thạch đã thống nhất là thành lập tổ chức lấy tên là “Hội Anh em dân chủ” (AEDC). Hội AEDC đặt văn phòng đại diện tại nhà của Nguyễn Văn Đài ở số 10, phố Đoàn Trần Nghiệp, phường Phú Xuân, Q. Hai Bà Trung, Hà Nội. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội AEDC là lợi dụng vấn đề đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”, “xã hội dân sự” để che dấu mục đích chống chính quyền; liên kết với các tổ chức phản động ngoài nước và các tổ chức bất hợp pháp trong nước; tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính; tiến hành xây dựng, phát triển lực lượng trong và ngoài nước. Khi xây dựng lực lượng đủ mạnh và thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền để xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.
Nguyễn Trung Trực
Cơ cấu của tổ chức Hội AEDC bao gồm Ban điều hành và các ban chức năng. Ngày 3/1/2017, Nguyễn Trung Tôn được bầu giữ vị trí Chủ tịch, Nguyễn Văn Túc giữ vị trí Phó Chủ tịch thứ nhất, Trương Minh Đức giữ vị trí Phó Chủ tịch thứ 2. Có 5 ban chức năng, bao gồm: Ban nhân sự chịu trách nhiệm về các vấn đề về chiến lược phát triển nhân sự do Nguyễn Trung Tôn phụ trách. Ban Đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện các sự án về đào tạo cho các thành viên do Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực và Lê Thanh Tùng phụ trách. Ban tài chính kế toán chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính, kêu gọi, vận động hỗ trợ tài chính cho Hội AEDC do Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà phụ trách. Ban truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch, dự án để phát triển truyền thông do Trương Minh Đức và Mai Nguyễn ở Mỹ phụ trách. Cuối cùng là Ban sinh viên chịu trách nhiệm về công tác phát triển, lôi kéo sinh viên do Nguyễn Văn Tráng và Phạm Minh Vũ phụ trách.
Đầu năm 2015, sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với mục sư Nguyễn Trung Tôn về các vấn đề xã hội, lập trường, quan điểm chính trị của Hội AEDC nhận thấy tôn chỉ, mục đích hoạt động phù hợp với lập trường tư tưởng, quan điểm của bản thân nên Nguyễn Trung Trực đã đồng ý tham gia Hội AEDC. Giữa năm 2015, Trực được kết nạp vào Hội AEDC. Nhờ hoạt động tích cực, Trực được Hội AEDC giao nhiều chức vụ quan trọng như: Phát ngôn nhân, Trưởng ban đào tạo, Trưởng ban bầu cử đại hội 2, trực tiếp điều hành việc sửa đổi, hoàn thiện điều lệ hoạt động của Hội, điều hành việc hoàn thiện các dự án của Hội AEDC… . Ngày 3/7/2016, Trực tự ứng cử và được bầu giữ chức vụ Trưởng ban đại diện Chi hội AEDC miền Trung.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, dưới danh nghĩa đấu tranh, cổ súy cho “Dân chủ, nhân quyền”, “bảo vệ môi trường”, Trực đã tích cực móc nối, tuyển lựa, đào tạo, phát triển lực lượng, hoàn thiện hệ thống tổ chức, liên hệ với các tổ chức, phần tử phản động lưu vong tìm kiếm tài trợ; tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kích động người dân tụ tập, biểu tình gây rối ANTT; chống đối các chính sách của Đảng và Nhà nước hướng đến lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Với các hoạt động cụ thể:
Trực đã trực tiếp điều phối hoạt động bầu cử trong Hội và Chi hội AEDC miền Trung; điều phối việc góp ý sửa đổi điều lệ, quy chế hoạt động của Hội; tuyên truyền, tìm cách lôi kéo, phát triển lực lượng của Hội AEDC tại Quảng Bình. Ngày 30-7-2017, sau khi Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Trương Minh Đức và các sáng lập viên bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Thấy cơ hội ngàn năm có một, Trực đã nhanh chân tổ chức họp Chi hội AEDC miền Trung xin từ chức Trưởng ban đại diện chi hội để ứng cử vào Ban chủ tịch và tiến hành bầu người thay thế, nắm giữa các vị trí của Ban điều hành đang bị khuyết. Thông qua các hoạt động này Trực muốn phát triển lực lượng, củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Hội AEDC.
Bước tiếp theo là Trực đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Với vai trò “Phát ngôn nhân” của Hội AEDC, Trực đã nhiều lần trả lời phỏng vấn của các tổ chức phản động ngoài nước như VOA, RFA, Gươm thiêng ái quốc… với nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, kêu gọi quốc tế gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam trả tự do cho những đối tượng chống đối chính trị bị bắt như: Nguyễn Văn Đài, Hoàng Văn Giang, Lê Thu Hà, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Dũng… Thông qua facebook cá nhân, Trực đã chia sẻ các bài viết và video về các cuộc biểu tình gây rối của các phần tử cực đoan, các bài viết nói xấu Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an, kêu gọi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, tẩy chay bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2016
Với vai trò là Trưởng ban đào tạo, Trực là người trực tiếp tổ chức các lớp học xã hội dân sự trực tuyến trên mạng internet với nội dung nói xấu Đảng và Nhà nước, kích động chống đối chính quyền của các học viên, hướng dẫn phương thức đấu tranh bất bạo động. Trực đã nhiều lần tìm cách móc nối với các cơ quan, cá nhân đại diện nước ngoài tại Việt Nam nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước; kêu gọi hỗ trợ chính trị, tài chính và phương tiện hoạt động của Hội; kêu gọi thành lập chi hội AECD ở hải ngoại. Bên cạnh đó, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra tại các tỉnh miền Trung, Trực đã liên lạc với nhân viên ngoại giao một số nước để hỗ trợ cho linh mục Nguyễn Đình Thục; tạo mối quan hệ với nhân viên đại sứ quán một số nước ủng hộ cho Hội AEDC khi cần.
Là Trưởng ban đại diện miền Trung, phụ trách và quản lý kinh phí của chi hội, Trực đã nhận tiền từ Ban chủ tịch Hội; kêu gọi và nhận sự hỗ trợ tài chính của các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài để chi cho các hoạt động của Hội. Trong quá trình lấy lời khai của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình, Trực thừa nhận đã nhận khoảng 38 triệu đồng của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ cho Hội thông qua số tài khản 53120000xxx.
Không chỉ trực tiếp điều hành hoạt động của Chi hội AEDC miền Trung, Trực còn là trung gian chuyển tải chỉ đạo của Ban chủ tịch Hội cho các thành viên trong chi hội để triển khai thực hiện. Khi sự cố môi trường biển xảy ra, thông qua linh mục quản xứ Trực đã tìm cách kích động, kêu gọi như dân chống đối các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giải quyết sự cố; tham mưu cho linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, quản xứ Cồn Sẻ, linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc (Nghệ An) cách thức tổ chức biểu tình dưới danh nghĩa “bảo vệ môi trường, phản đối Formosa” nhằm gây mất ổn định ANTT ở địa bàn; vu khống, tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước và lực lượng chức năng nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và lật đổ chính quyền nhân dân. Phản đối cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Là kẻ cơ hội nên chỉ một thời gian ngắn gia nhập Hội AEDC, Trực nhanh chóng leo lên giữ cương vị chủ chốt của Hội này.Trực là kẻ kẻ chủ mưu, cầm đầu trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội AEDC tại miền Trung Có thể thấy, vai trò của Trực trong Hội AEDC là rất lớn. Nếu không kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, chắc chắn với vai trò của mình Trực sẽ chỉ đạo các thành viên của Hội AEDC cấu kết với các linh mục cực đoan tiến hành nhiều hoạt động gây rối, biểu tình nhằm gây mất ổn định ANTT tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ngày 5-8-2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Trung Trực về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Hình sự. Ngày 12-9, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Trung Trực. Căn cứ vào cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Trung Trực 12 năm tù giam 5 năm quản chế sau khi chấp hành xong án phạt tù. Không chấp nhận bản án do TAND tỉnh Quảng Bình tuyên, ngày 24 – 9, Nguyễn Trung Trực đã có đơn kháng cáo.
Đơn kháng cáo của Nguyễn Trung Trực
Ngày 26 – 12, Toà án cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm đối với Nguyễn Trung Trực về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Hội đồng xét xử đã tuyên y án sơ thẩm đối với Nguyễn Trung Trực.
Quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng
Bản án được đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đồng tình, ủng hộ. Đây là bản án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật dành cho những kẻ đang âm mưu hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Võ Thắng