Ngày 21/11, sau khi kết thúc phần thẩm vấn các bị cáo trong vụ án “Đánh bạc nghìn tỉ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương, Hội đồng xét xử chuyển sang phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát (VKS). Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc, lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến; tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là hơn 9.853 tỷ đồng.
Cũng trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Dương: 8-9 năm tù tội Tổ chức đánh bạc; 3-4 năm tù tội Rửa tiền. Tổng hình phạt là 11-13 năm tù. Biện pháp tư pháp: Tịch thu hơn1.655 tỷ đồng, tiếp tục tạm giữ số tiền hơn 86 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Sào Nam: 3-4 năm tù tội Tổ chức đánh bạc: 3 năm tù tội Rửa tiền. Tổng hình phạt 6-7 năm tù. Biện pháp tư pháp: Tịch thu ngân sách nhà nước số tiền hơn 1.476 tỷ đồng. Tiếp tục tạm giữ số tiền đã tạm giữ đối với Nam là hơn 1.000 tỷ đồng, tiếp tục phong tỏa 13 căn hộ, 5 ô tô, tài khoản ngân hàng…
Bị cáo Phan Văn Vĩnh: từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa: từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sau khi đại diện VKS công bố bản luận tội và đề nghị các mức án đối với các bị cáo cầm đầu đường dây đánh bác nghìn tỉ trên nhiều người cho rằng, mức án đó là tương đối “nhẹ” so với những gì các bị cáo đã gây ra? Mức án đó chưa đủ tính nghiêm minh để trừng trị những con người này? Thậm chí nhiều người còn cho rằng, Tòa phải xử thật nặng với những con người này bởi vì họ mà nhiều gia đình phải ly tán, hàng nghìn con người đã không còn nhà cửa, công việc. Việc làm của họ đã làm ảnh hưởng đến biết bao nhiêu con người. Vậy, liệu VKS có “nhẹ” tay với các bị cáo trên?
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Điều 322 Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định khung hình phạt cao nhất đối với tội này là từ 05 năm đến 10 năm trong trường hợp: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm. Trong khi đó tội Rửa tiền có khung hình phạt cao nhất là từ 05 năm đến 10 năm tù trong trường hợp: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt…
Đối với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có khung hình phạt cao nhất là từ 10 năm đến 15 năm trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì việc các bị cáo bị đề nghị các mức án trên đều đã là ở mức “cao”, có trường hợp gần kịch khung hình phạt như tội Tổ chức đánh bạc của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương, hay đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh đề bị truy tố theo khoản 2 Điều 356 Bộ Luật hình sự 2015.
Khác với những tội danh khác, tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền hay Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ không có khung hình phạt là chung thân hoặc tử hình. Có lẽ khi xây dựng luật những nhà làm luật đã tính toán rất kỹ. Nếu như những thiệt hại mà các bị cáo gây ra trên là tài sản của Nhà nước, nói cách khác là từ ngân sách Nhà nước thì rõ ràng khung hình phạt phải nặng hơn rất nhiều. Điển hình như các tội tham nhũng có khung hình phạt rất cao mà ông Đinh La Thăng là một điển hình.
Trong vụ án này, mặc dù số tiền các bị cáo kiếm được từ các con bạc là rất nhiều, nhưng số tiền trên là từ các con bạc, hay nói cách khác là từ “lòng tham” của một số người. Hơn nữa, số tiền trên các bị cáo đều đã chủ động nộp lại để khắc phục hậu quả. Đơn cử như Phan Sào Nam đã giao nộp gần 90% số tiền thu được để khắc phục hậu quả. Bởi vậy, các bị cáo có thể được xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Như vậy, rõ ràng mức án mà VKS đề nghị không phải là “nương tay” như một số người đang nghĩ.
VNTB