Saturday, November 23, 2024

Đừng ngộ nhận việc bảo đảm an ninh mạng với tôn trọng quyền con người

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội (MXH) thì các thế lực thù địch trong và ngoài nước cũng tăng cường lợi dụng môi trường kỹ thuật số để chống phá chế độ, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, đồng thời làm tổn thương đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Ứng phó với các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, trật tự xã hội và quyền con người, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách, pháp luật bảo đảm an ninh internet, MXH, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quyền của mình. Thế nhưng, trên internet, MXH đã có kẻ xuyên tạc mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với môi trường thế giới ảo. Họ cho rằng, Việt Nam sửa đổi và đưa ra các đạo luật gần đây, nhất là Luật An ninh mạng, nhằm “bóp nghẹt” quyền tự do ngôn luận (trên mạng); ở Việt Nam “không có tự do internet…”;  mục tiêu “lọc thông tin mạng”, kể cả việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng” và Luật An ninh mạng cho phép công an điều tra, xác minh các tài khoản trên mạng vi phạm pháp luật là “vi phạm quyền riêng tư”. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đó chỉ là những luận điệu vu khống.

Như các phương tiện truyền thông đưa tin, ngày 23-9-2018, Tòa án Nhân dân quận Cái Răng, TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hồng Nguyên về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”… (Điều 331 Bộ luật Hình sự). Theo cáo trạng, Nguyễn Hồng Nguyên sử dụng facebook với tên tài khoản “Nguyễn Hồng Nguyên” (bút danh Bồ Công Anh). Để giao lưu kết bạn, Nguyên thường xuyên truy cập internet soạn thảo, đăng tải, chia sẻ trên trang cá nhân nhiều bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội.

Hoặc Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử Lê Đình Lượng (ngày 16-8-2018) về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, Lê Đình Lượng đã lập tài khoản trên MXH (facebook) nhằm “câu like”, phản hồi, chia sẻ với các tài khoản facebook khác với nội dung xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người vào tổ chức Việt Tân nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Lê Đình Lượng đã đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền, cổ xúy cho tổ chức khủng bố Việt Tân; xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam… Lê Đình Lượng còn lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, kinh tế, môi trường để bóp méo sự thật, gây bức xúc trong nhân dân, chống chế độ xã hội và Nhà nước.

Đừng ngộ nhận việc bảo đảm an ninh mạng với tôn trọng quyền con người

Ảnh minh họa: TTXVN.

Đặc điểm chung của các vụ án chống chế độ xã hội, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong thời gian gần đây là: Về nội dung, tội phạm chủ yếu là xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bôi đen Đảng Cộng sản Việt Nam, xúc phạm các lãnh tụ của giai cấp công nhân (Mác, Ăngghen, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh); lợi dụng những vấn đề phức tạp về xã hội, tình trạng môi trường ô nhiễm…; về đường lối đối ngoại “đa dạng hóa”, “đa phương hóa” của Đảng và Nhà nước ta để vu cáo Việt Nam đi theo quốc gia này, ngả theo quốc gia khác, phản bội lợi ích của dân tộc… Cá biệt, có nhóm đối tượng hoạt động vũ trang, sử dụng bom, mìn nhằm gây mất an ninh quốc gia, tiến đến lật đổ chế độ xã hội, như vụ án Đào Minh Quân (tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, do Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử ngày 22-8-2018).

Về phương thức, có thể nói, tất cả đối tượng phạm tội đều sử dụng internet, MXH, đặc biệt là facebook để tập hợp, mở rộng lực lượng, tuyên truyền xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… kết nối giữa các tội phạm trong nước với nhau và với các tổ chức, cá nhân chống Việt Nam ở nước ngoài.

Sự ra đời của internet, MXH tạo ra bước phát triển nhảy vọt của nhân loại trong thời đại ngày nay. Có thể nói internet, MXH là cơ sở của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trên những lĩnh vực, như: Trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano… Với internet, MXH, nhân loại có thêm một thế giới mới-thế giới ảo, với một hệ sinh thái mới-hệ sinh thái số. Đó là một hệ thống thông tin trên tất cả lĩnh vực, đồng thời được lưu giữ và dễ dàng tìm kiếm trên mạng (trang Wikipedia) cùng với nhiều trang công cụ tìm kiếm, trao đổi thông tin, thư từ (trang Google, Yahoo, You Tube). Trên các trang mạng này, các cá nhân có thể có những hoạt động tương tác trực tuyến ở mọi nơi, mọi lúc.

Thế nhưng, trong thế giới ảo-hệ sinh thái số, lại đặt ra nhiều thách thức đối với nhân loại, quốc gia, dân tộc, nhất là việc đánh giá tính chân thực của thông tin mạng, từ những việc đơn giản như mua hàng trên mạng (có đúng chất lượng, mẫu mã hay không) cho đến những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia (như tình hình Biển Đông, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ…); tình hình kinh tế xã hội-xã hội (những vụ việc cơ quan nhà nước cấp phép sử dụng đất đai);… đến quyền riêng tư (chuyện quan hệ nam-nữ… hôn nhân, gia đình) đều khó xác định tính chân thực của thông tin mà mình nhận được hoặc quan tâm.

Nói cách khác, những thông tin trên thế giới ảo-trên mạng rất khó kiểm chứng. Điều này dẫn đến kẻ xấu có thể lợi dụng internet, MXH vì những mục tiêu xấu xa, như: Đưa thông tin giật gân nhằm câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ… Đáng tiếc, cho đến nay vẫn còn không ít người cho rằng, môi trường kỹ thuật số hoàn toàn thuộc quyền của cá nhân, không có luật pháp; hoặc những kẻ xấu nghĩ rằng họ có thể sử dụng kỹ thuật để che giấu hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Trong thời đại kỹ thuật số-thế giới ảo, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền con người đứng trước những thách thức mới. Nếu như trước đây an ninh quốc gia là bảo vệ chủ quyền vùng đất, vùng biển, vùng trời, chế độ xã hội… thì ngày nay, đó còn là bảo vệ an ninh không gian mạng. Nội dung pháp luật nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh mạng là: Nghiêm cấm thông tin nhằm tổ chức, hoạt động, xúi giục, lôi kéo, huấn luyện người chống Nhà nước …; nghiêm cấm hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội (như kêu gọi tụ tập đông người, gây rối, tổ chức đánh bạc, giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân…; nghiêm cấm hành vi tấn công mạng (gây khủng hoảng kỹ thuật phá hoại việc sử dụng mạng)…

Trong bối cảnh internet, MXH hiện nay, việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người có những khác biệt nhất định so với các giai đoạn lịch sử đã qua. Nội dung quyền con người ngày nay mở rộng hơn trước, bao gồm quyền sử dụng internet, MXH. Nếu như trước đây, quyền tự do ngôn luận, báo chí (trong nhóm quyền dân sự chính trị) chỉ có quyền tiếp cận với báo in, báo nói, báo hình, thì ngày nay quyền này còn bao gồm cả quyền tiếp cận, sử dụng internet, MXH.

Điều 25, Hiến pháp 2013 của Nhà nước Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Thể chế hóa quy định nói trên, Quốc hội đã xây dựng và ban hành nhiều đạo luật, như Luật Báo chí-2016; Luật Tiếp cận thông tin -2013; Nghị định của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng-2013; Luật An ninh mạng-2018…

Luật quốc tế về quyền con người cũng quy định, quyền dân tộc tự quyết là quyền tập thể của quyền con người. Điều 1, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị-1966, quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”… Quyền quyết định về “thể chế chính trị” ở đây được hiểu là quyền lựa chọn chế độ xã hội (là chế độ XHCN hay chế độ tư bản chủ nghĩa…) cũng như quyết định về pháp luật như thế nào là quyền của các nhà nước.

Về các quyền cá nhân, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 có quy định về hạn chế quyền. Điều 19 (về “quyền giữ quan điểm” và “quyền tự do ngôn luận”) quy định cụ thể như sau: “Việc thực hiện những quyền này “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt”, và “có thể phải chịu một số hạn chế nhất định”, để: “(a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Như vậy, những quy định hạn chế quyền nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng và quyền cá nhân, như: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: “Chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;…(Điều 5, Nghị định của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng)… hoặc “Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi” (Điều 8 Luật An ninh mạng)… là hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng số, chủ thể chịu trách nhiệm đối với an ninh quốc gia và quyền con người được mở rộng tới ban lãnh đạo các nhà mạng quốc tế, trong đó có có Google, Yahoo, Facebook… Trách nhiệm của các nhà mạng là hợp tác với các nhà nước gỡ bỏ, khóa các tài khoản đưa thông tin sai trái, trái với pháp luật quốc gia.

Trong cuộc làm việc giữa ông Nguyễn Mạnh Hùng (khi đó giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông) với ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của facebook (ngày 14-9-2018), hai bên đều hiểu biết lẫn nhau và bày tỏ rõ thiện chí. Ông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn “Việt Nam và facebook nên trở thành những người bạn của nhau, vì sự thịnh vượng của cả hai bên.”[1]. Ông Simon Milner còn nói vui về tình cảm và trách nhiệm của facebook: “Ở một số nước, chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng” và ông cam kết sẽ “hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại thông qua việc hình thành nhóm làm việc chung với Việt Nam.”[2].

Như vậy, có thể nói tất cả đạo luật của Nhà nước Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới đều một mặt bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ nhà nước, mặt khác bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Không bảo vệ chế độ xã hội, nhà nước hiện hữu thì cũng không bảo vệ được quyền con người, quyền và lợi ích của công dân.


1, 2. “Lãnh đạo facebook cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam”- Nguồn VietnamNet, ngày 14-9-2018.

THANH NGUYỄN  (QĐND)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG