Saturday, November 23, 2024

Cảnh giác trước “chiến dịch” chống phá việc thi hành Luật An ninh mạng

An ninh mạng là vấn đề toàn cầu, các nước tiên tiến cũng đã xây dựng và trao cho cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ những quyền hạn cụ thể, tại sao những kẻ chống đối không nhảy vào chỉ trích?

Cảnh giác trước “chiến dịch” chống phá việc thi hành Luật An ninh mạng

Sau khi Quốc hội thông qua dự án Luật An ninh mạng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an khẩn trương xây dựng 3 văn bản chính trình Chính phủ gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng (khoản 2, Điều 5); Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng (khoản 4, Điều 110; khoản 5, Điều 12; khoản 1, Điều 23; khoản 7, Điều 24; khoản 4, Điều 26; khoản 5, Điều 36); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (khoản 3 Điều 10, khoản 3 Điều 43).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 7-9-2018, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 5117/QĐ-BCA thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng. Để đảm bảo tiến độ đề ra, Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương thực hiện việc xây dựng các dự thảo, tiến hành các trình tự, thủ tục theo quy định.

Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng là những văn bản quan trọng và phức tạp, liên quan trực tiếp đến công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Những văn bản dưới luật này có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng cần phải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành, bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Những quy định trong dự thảo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến, chỉnh lý để hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 10-2018 tới nay, tức sau phiên họp của Ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng (ngày 9-10-2018), trên mạng Internet xuất hiện các bản soạn thảo được sao, chụp lại, đi kèm các bài viết chỉ trích, phê phán, thậm chí quy chụp với những ngôn từ rất nặng nề.

Trên một số trang mạng như RFA, VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt, một số blog, facebook của các cá nhân hải ngoại có quan điểm, tư tưởng chống đối đã đăng, chia sẻ các bài viết chỉ trích, miệt thị như: “CSVN sắp thi hành Luật An ninh mạng để gia tăng kiểm soát người dân”; “Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng: Doanh nghiệp chết đứng”; “Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng: Điều luật của độc tài trị”; “Bộ Công an soạn dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng, dân lo lắng bị kiểm soát thông tin cá nhân”…

Thậm chí, nhiều trang còn nói rằng, hiện có hàng chục ngàn người ký “thỉnh nguyện thư” đòi hoãn thi hành Luật An ninh mạng. Những người này viện dẫn một số quy định trong Luật và dự thảo Nghị định, tự nhận “trí thức” hay “luật gia”, mổ xẻ kiểu râu ông cắm cằm bà, tỏ ra mình am tường về luật pháp quốc tế, lên giọng “hướng tới xã hội dân chủ, tự do internet”, từ đó lập lờ đánh lận, quy chụp một cách rất chủ quan, thiển cận.

Họ quy kết, sau các lần chỉnh lý thì “bản chất của dự thảo này vẫn chưa thay đổi”, cho rằng phạm vi dữ liệu người dùng bị buộc phải lưu trữ ở Việt Nam vẫn còn rất rộng và “chi phí của nền kinh tế để thi hành luật là vẫn vô cùng lớn và vô lý”.

Thậm chí, có cá nhân còn quy chụp trên trang facebook cá nhân của mình, cho rằng quy định như dự thảo thể hiện sự lạm quyền của Cục An ninh mạng, nói rằng cách tiếp cận của dự thảo là đã coi các doanh nghiệp, dân chúng, những người tham gia mạng xã hội như… tội phạm!

Suy diễn Luật An ninh mạng và các quy phạm đang hình thành trong nghị định “không những không có giải pháp nào bảo vệ hữu hiệu mạng Việt Nam trước các hackers mà còn đặt nó trong những nguy cơ cao hơn khi ép lưu trữ dữ liệu cá nhân trong một quốc gia có nền tảng công nghệ thấp và đội ngũ thi hành công vụ rất dễ lạm quyền”…

Thực chất, những phản ứng, chỉ trích này đều khởi nguồn từ những trường hợp đã liên tục phê phán, chống phá ngay từ khi dự thảo Luật An ninh mạng được lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, nghĩa là đã vài năm nay. Nay, trước thời điểm Luật An ninh mạng sắp có hiệu lực thi hành và việc các văn bản hướng dẫn đang được chỉnh lý, hoàn thiện thì lại được số này tung hứng.

Về mặt lập luận, những người đả kích đã nhai lại 4 nội dung mà họ từng đưa ra trong chiến dịch phản đối Luật An ninh mạng lâu nay. Đó là, họ cho rằng Luật An ninh mạng vi phạm quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận, tự do interenet, cho rằng việc ban hành luật là “bóp nghẹt quyền thông tin trên mạng”.

Thứ hai, họ chỉ trích việc thi hành Luật An ninh mạng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trên Internet gặp khó khăn về mặt thủ tục, kinh phí và an ninh, làm các doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh ở Việt Nam, rút khỏi Việt Nam.

Thứ ba, quy chụp việc thi hành Luật An ninh mạng sẽ biến Bộ Công an, trực tiếp là Cục An ninh mạng thành cơ quan “siêu quyền lực”, có khả năng theo dõi cuộc sống riêng tư, đời sống chính trị và các giao dịch kinh tế – tài chính của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Trên một số trang còn châm biếm kiểu từ nay, người dân đi cà phê, ăn sáng cũng bị… an ninh mạng kiểm soát! Thứ tư, từ việc chỉ trích nói trên, nhiều đối tượng đẩy vấn đề lên thành công kích chế độ chính trị của Việt Nam là “độc tài”, “toàn trị”.

Cần thấy rằng, cùng với dự án Luật Đặc khu thì Luật An ninh mạng đang là hai đạo luật mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng làm bình phong, núp bóng yêu nước, tự do, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam, tán phát cái gọi là “thư ngỏ, thỉnh nguyện thư”, kích động người dân biểu tình, chống chế độ, đập phá trụ sở cơ quan công quyền, tạo cớ làm “cách mạng màu”.

Vừa qua, nhóm Hate Change đã phát động chiến dịch với tên gọi “20 ngày cứu net”. Theo đó, những người tham gia chiến dịch này được các đối tượng thù địch, phản động kêu gọi viết, đăng bài, ký vào các “thỉnh nguyện thư” hòng gây áp lực lên chính quyền. Chúng còn bày ra trò quay clip hát nhạc chế (nhại các bài hát tiếng Việt, còn lời có nội dung mỉa mai Luật An ninh mạng).

Có thực tế là hiện rất nhiều bài viết trên mạng đã bị các đối tượng thêm thắt, cắt xén, đưa các quan điểm sai lệch nhằm đánh lạc hướng người đọc, khiến những người chưa nắm rõ vấn đề sẽ bị “lôi” vào vòng xoáy hỗn độn thông tin.

Cần thấy rằng, cơ quan chuyên trách về an ninh mạng được pháp luật giao những nhiệm vụ trong khuôn khổ cho phép, đó là có quyền đề nghị nhà mạng cung cấp những dữ liệu cá nhân liên quan đến phục vụ điều tra hình sự, xử lý vi phạm pháp luật.

Trong các trường hợp khác, mọi thông tin cá nhân đều được bảo mật tuyệt đối và cơ quan chuyên trách an ninh mạng không thể can thiệp. Đây là nguyên tắc, do đó không thể nói cơ quan này trở thành một “siêu quyền lực” có thể giám sát và tận dụng mọi thông tin.

An ninh mạng là vấn đề toàn cầu, các nước tiên tiến cũng đã xây dựng và trao cho cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ những quyền hạn cụ thể, tại sao những kẻ chống đối không nhảy vào chỉ trích?

Theo tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) được quyền truy cập trực tiếp vào server của một loạt các hãng lớn như Facebook, Google, Microsoft, Apple, Yahoo, PalTalk, YouTube, Skype, AOL… để theo dõi các hoạt động Internet trên toàn thế giới.

Nếu nói về nhân quyền thì rõ ràng thực tiễn đó cho thấy NSA vi phạm nhân quyền ở quy mô toàn cầu và những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet lớn chịu kiểm soát bởi NSA.

Về việc yêu cầu lưu trữ dữ liệu quan trọng ở trong nước cũng đã được nhiều quốc gia quy định như Mỹ, Canada, Nga, Đức, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil…

Ngày 25-5-2018, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình, các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân như thế nào, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba, nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 20 triệu Euro hay 40% doanh số toàn cầu của công ty vi phạm.

Với Luật An ninh mạng của Việt Nam, không quy định việc bắt buộc tất cả các cơ quan, tổ chức đều phải thực hiện quy định này và cũng không bắt buộc lưu trữ tất cả dữ liệu. Chỉ một số cơ quan, tổ chức và loại dữ liệu phải tuân thủ, trên cơ sở các yêu cầu về bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, nguyên Cục trưởng Cục An ninh mạng, khi xây dựng quy định này, Ban soạn thảo đã rà soát rất kỹ các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Do đó, các quy định về lưu trữ dữ liệu trên không trái, không vi phạm các cam kết và cũng không cản trở việc Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế. Bởi các cam kết song phương hoặc đa phương đều có những nguyên tắc về an ninh, trật tự công cộng, văn hóa và sức khỏe cộng đồng. Lợi ích của quốc gia tham gia các cam kết luôn được đề cao và tôn trọng, không có bất cứ cam kết nào buộc chúng ta phải hi sinh các lợi ích này.

Nguyễn Thành/Báo CAND

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG