Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Ban đã kiểm tra và yêu cầu tổng thầu gỡ các biển báo thông tin bằng chữ Trung Quốc to hơn chữ Việt Nam trên các ga thuộc tuyền đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo đó, Ban Quản lý dự án đường sắt xác định những biển chữ song ngữ trên được đơn vị thi công (Tổng thầu EPC Trung Quốc) tự gắn trong quá trình làm việc dễ nhận biết.
Đến nay, Ban Quản lý đường sắt đã yêu cầu tổng thầu gỡ toàn bộ các biển thông tin trên và không tái diễn việc tự ý gắn biển thông tin sử dụng song ngữ tại dự án.
Biển tên ga trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước khi bị xoá có chữ Trung Quốc to hơn chữ Việt Nam.
Ban Quản lý dự án cũng sẽ có văn bản chấn chỉnh Tổng thầu về vấn đề trên, không để xảy ra việc tự ý gắn, đề biển sử dụng song ngữ Việt – Trung không phù hợp tại dự án…
Được biết, hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đóng điện trên toàn tuyến để phục vụ công tác thi công, kiểm tra, vận hành, chạy thử đơn động, liên động cho từng chuyên ngành thiết bị và toàn dự án trong tháng 8.2018.
Trước đó, dư luận phản ánh, tại một số nhà ga thuộc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) có đề tên biển nhà ga bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, tiếng Trung Quốc lại ở phía trên tiếng Việt và có kích cỡ lớn hơn. Điều này không đúng với quy chuẩn.
Dự án có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.
Tại quyết định ký năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD phục vụ xây lắp, mua đoàn tàu, thiết bị, đào tạo, vận hành và tư vấn giám sát. Vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD phục vụ giải phóng mặt bằng, thuế, phí, lãi suất, quản lý dự án, bảo hiểm…
Đến năm 2016, tại quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23.2.2016, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh thành 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD, hơn 40% tổng mức đầu tư ban đầu). Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), phần vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).