Theo thông tin từ Bộ TT&TT, Facebook đã gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và một số link liên quan đến Formosa và miền Trung cũng như các hoạt động quá khích.
Ảnh minh họa
Đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, có 6 kênh YouTube đã bị chặn hoàn toàn. Facebook cũng đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000 trong số 5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật được Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ.
Facebook cũng gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và một số link liên quan đến Formosa và miền Trung cũng như các hoạt động quá khích.
Tính đến hết tháng 6/2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700 trong số 7.800 video clip khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip liên quan đến Formosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo Bộ TT&TT đánh giá, những thông tin xấu độc trên mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trước thực tế này, Bộ TT&TT liên tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google, yêu cầu giải quyết các đề nghị của Bộ trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội hiệu quả hơn, tăng cường hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin.
Thời gian tới, Bộ TT&TT khẳng định sẽ tiếp tục xử lý nội dung thông tin vi phạm trên Facebook và YouTube, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam.
Theo Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh.
Đối với Google, doanh nghiệp này cũng cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin, nghiên cứu giải pháp xây dựng và công bố các kênh có nội dung tốt và các kênh có nội dung xấu, độc trên YouTube.
Trước đó, đầu năm 2018, có hơn 670 tài khoản Facebook giả mạo, những thông tin tuyên truyền xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước… cũng đã được Facebook gỡ bỏ.
Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Thanh Lâm — Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) khẳng định: “Công tác quản lý nhà nước không thể chỉ coi việc gỡ bỏ, chặn những thông tin xấu độc là cách duy nhất để tạo sự đồng thuận xã hội, để giảm tác hại của khủng hoảng truyền thông trước một vấn đề cụ thể nào đó đang được xã hội quan tâm.
Các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, các đồng chí lãnh đạo các cấp dường như cũng đang có sự chuyển biến trong suy nghĩ khi tiếp cận và xử lý vấn đề đối thoại với xã hội trên môi trường mạng xã hội.
Quan sát trên mạng xã hội, dễ dàng nhận ra Chính phủ, nhiều cơ quan chính thống và cả các chính khách cũng đang sử dụng Facebook như một kênh thông tin. Có thể thấy, dường như các cơ quan quản lý đang có xu hướng hòa nhập cùng hoạt động của xã hội qua các kênh mạng xã hội. Từ đó, truyền thông xã hội đã thể hiện được lợi thế trở thành một phương thức kết nối giữa Chính phủ, chính khách với cộng đồng xã hội. Đây là một xu hướng tích cực”.
Theo Viettimes