Friday, November 22, 2024

Nhật ký hải trình viếng thăm biển đảo Trường Sa

Từ xa xưa, biển đông đã là một phần máu thịt gắn liền với đất Việt, nhưng chưa bao giờ người dân trong nước và Việt Kiều lại quan tâm đến quần đảo Trường Sa như bây giờ. Ngoài lý do đất nước ngày càng hội nhập sau hơn vào môi trường quốc tế, thì độ nóng chính trị liên quan tới biển đông ngày càng gia tăng, và trên hết là chủ quyền thiêng liêng biển đảo mà cha ông để lại. Cha Ông chúng ta đã cất công dựng nước, thì chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ biển trời.

Nhật ký hải trình viếng thăm biển đảo Trường Sa
Trong ý nghĩa đó, Nhà nước đã nỗ lực tổ chức những cuộc viếng thăm biển đảo nhằm động viên, khích lệ tinh thần quân và dân đang ngày đêm giác canh giữ biển trời, bất chấp sự khắc nghiệt của cái nắng, cái gió cùng giông tố bão bùng; đồng thời giúp nắm vững tình hình vô cùng nhạy cảm về biển đông, để có đường hướng chiến lược gìn giữ biển đảo thích hợp, tránh những hành động bột phát làm cho tình hình vốn đang căng thẳng càng thêm phức tạp hơn.
Chúng tôi thật may mắn có mặt trong đoàn công tác số 6 tham gia hải trình viếng thăm biển đảo Trường Sa. Đoàn công tác bao gồm : các quan chức nhà nước, các chức sắc tôn giáo lớn, bà con kiều bào trên khắp thế giới, đoàn văn công quân khu 7, các phóng viên VTV, HTV, ANTV và đại diện 3 tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài. Trưởng đoàn công tác là Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, làm việc cho kiều bào tại nước ngoài. Thành viên trong đoàn : Ông Phạm Dũng, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ kiêm Trưởng Ban Tôn Giáo; các Vụ Trưởng đặc trách các tôn giáo; đại diện 6 tôn giáo lớn : Công giáo, Phật Giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo, Hồi giáo, và nhiều bà con kiều bào. Riêng đoàn Công giáo chúng tôi gồm có 4 Linh mục và 4 Nữ Tu : Cha Bề Trên JB. Trần Hữu Hạnh (dòng Thánh Gia) làm trưởng đoàn, Cha Hiền (dòng Thừa Sai Đức Tin), Cha Bảo, Cha Dũng (dòng SDB), Sơ Bích và Sơ Hoa (dòng Lasan), Sơ Dung và Sơ Phương (dòng FMM).
Dự kiến hải trình lần lượt thăm các đảo sau : Song Tử Tây – Đá Nam -Nam Yết – Sinh Tồn Đông – Đá Tây A – Đá Tây C – Trường Sa Lớn – Đá Lát – Nhà Giàn DK/11 và DK/14
Vào lúc 6g00 ngày 18 tháng 4, xe đưa 270 người của đoàn công tác ra cảng Cát Lái lên tàu HQ 571. Tàu mới, khá lớn và hiện đại. Chế độ phục vụ trên tàu khá tốt. Thời tiết hôm nay thật đẹp: trời quang sáng, biển xanh êm lặng với những cơn gió nhẹ mát mẻ. Vị trưởng đoàn nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc hải trình rằng đây là đoàn công tác hết sức đặc biệt vì gồm nhiều thành phần tham dự, thời tiết đẹp và không ai bị say sóng. Ông nói có lẽ là do các Thần linh của các tôn giáo phù hộ.
Sau hai ngày trọn lênh đênh trên biển, sáng sớm ngày 20.04, cano đưa chúng tôi vào đảo nổi đầu tiên: đảo Song Tử Tây, một xã đảo xinh đẹp được phủ xanh bởi những cây Phong Ba, cây Tra, cây Bàng Vuông. Những cột quạt gió và những tấm năng lượng mặt trời được bố trí phù hợp nhằm cung cấp đủ năng lượng điện cho đảo. Sóng Viettel được phủ khắp đảo nên ai cũng tranh thủ gọi điện về cho người thân, mở mạng 3G để theo dõi tin tức.
Các chiến sĩ hải quân và những người dân vui vẻ tiếp đón đoàn tại cửa đảo. Sau nghi thức chào cờ tại cột mốc, đoàn công tác làm việc ngay tại hội trường. Sau báo cáo của Vị Trưởng Đảo là những lời động viên khích lệ của những vị Đại Diện nhà nước. Đại diện các tôn giáo và kiều bào tặng quà cho quân dân và có đôi lời phát biểu chia sẻ cảm nhận khi đặt chân lên đảo. Ai cũng cảm thấy xúc động khi được chứng kiến tận mắt một phần máu thịt của tổ quốc nơi hải đảo xa xăm và tỏ lòng cảm phục, biết ơn với những con người đã hy sinh ngày đêm xây dựng, canh giữ biển trời quê hương. Kết thúc cuộc họp là bữa cơm thân mật với các chiến sĩ tại đảo.
Buổi chiều hôm đó chúng tôi đi thăm trường tiểu học Song Tử Tây. Có một thầy giáo chịu trách nhiệm giáo dục cho 6 em từ lớp 1 đến lớp 5. Rời trường, chúng tôi đi thăm từng nhà hộ dân nhằm khích lệ, đồng cảm, đem lại niềm vui cho họ
Vào khoảng 17g00, chúng tôi tổ chức Thánh Lễ ngay tại bờ biển để cầu nguyện cho các chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ nơi đây, và cầu bình an cho quân dân trên đảo. Ông Vụ Trưởng Vụ Công Giáo và 2 Vụ Trưởng khác cùng tham dự Thánh lễ. Sau Thánh Lễ là phần chụp hình lưu niệm và phát quà cho các anh em công nhân Công Giáo đang xây dựng công trình nhà cửa ở đây. Buổi tối có buổi giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ với đoàn văn công . Kết thúc văn nghệ, chúng tôi qua đêm trên đảo.
Sáng ngày 21.04, đại điện các thành phần đoàn công tác đi thăm đảo chìm Đá Nam bằng cano, cách Song Tử Tây 3,5 hải lý về phía nam. Nơi đây không có cây xanh và mạch nước ngọt, chủ yếu là dùng nước mưa và nước ngọt trong bờ đưa ra. Dù là đảo đá trơ trọi giữ biển khơi không tấc đất và nước ngọt, lính hải quân vẫn trồng được những khay rau cải, rau muống, mồng tơi xanh tươi trên đất và hạt giống từ đất liền đưa đến. Đoàn công tác đã lắng nghe, khích lệ, tặng quà cho các chiến sĩ và có buổi giao lưu văn nghệ bỏ túi.
Ngày 22.04, đoàn công tác tới thăm 2 đảo nổi là Nam Yết, cách đảo Ba Bình của Đài Loan 13 hải lý và Sinh Tồn Đông, cách đảo Sinh Tồn (xã Sinh Tồn) 15 hải lý. Đoàn cũng gặp gỡ quân và dân, nghe báo cáo, khích lệ, tặng quà.
Tại Nam yết, lúc 10g00, riêng đoàn Công Giáo chúng tôi tổ chức Thánh lễ ở nghĩa trang các liệt sĩ. Các quan chức nhà nước đã rất xúc động vì Thánh lễ này.
Chiều 22.04, tàu tiếp tục hành trình đi đảo Trường Sa lớn. Chiều hôm đó tàu dừng lại giữa biển. Đoàn hướng về đảo Gạc Ma (bị Trung Quốc đánh chiếm ngày 14.03.1988) để cầu nguyện cho 64 chiến sĩ đã hy sinh. Mỗi tôn giáo có 5 phút để cầu nguyện theo nghi thức riêng của mình. Đoàn Công Giáo khai mạc buổi cầu nguyện .
Buổi tối các đoàn tôn giáo lắng nghe một vị Đại Tá nói chuyện về tình hình biển đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa coi như đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Trường Sa có 21 đảo thuộc Việt Nam quản lý. Phần còn lại do Trung Quốc, Philipin, Đài Loan, Malaisia, quản lý. Chưa bao giờ tình hình biển đông nóng lên như lúc này, nhất là với sự bành trướng theo đường Lưỡi Bò của Trung Quốc. Nhà nước đã chọn đường lối chiến lược ứng xử phù hợp theo đường lối đối thoại hòa bình. Một mặt chúng ta vẫn kiên quyết khẳng định với quốc tế chủ quyền lịch sử 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; mặt khác hướng tới quốc tế hóa biển đông dựa vào công ước quốc tế năm 1982 về chủ quyền biển đảo. Ngài Đại Tá kêu gọi tránh những cuộc biểu tình không cần thiết làm cho tình hình thêm căng thẳng và bất lợi cho chúng ta vì nhiều lý do.
Sáng ngày 23.04, chúng tôi đến thăm chớp nhoáng đảo Đá Tây A và đảo Đá Tây C. Nội dung làm việc cũng tương tựa như ở đảo Đá Nam. Riêng đảo Đá Tây A còn có công trình nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản.
Chiều ngày 23.04, đoàn đến đảo Trường Sa Lớn, là Thị Trấn và là thủ phủ của huyện Đảo Trường Sa. Trong cuộc họp, Cha Trưởng đoàn Công Giáo phát biểu, tặng một bức tranh thêu của Bề Trên Thượng Cấp Các Dòng Tu cho quân và dân ở đây. Sau cơm tối tại đảo, có buổi giao lưu văn nghệ. Đoàn công tác nghỉ đêm tại tàu.
Lúc 6g ngày 24.04, chúng tôi tổ chức Thánh Lễ ngay tại cột mốc của đảo để cầu nguyện cho vong linh các chiến sĩ và sự bình an cho đảo. Tham dự Thánh lễ có ông Phạm Dũng, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ; ông Dương Ngọc Tấn, Vụ Trưởng Vụ Công Giáo, và 2 gia đình Công giáo sống tại đảo, cùng 4 anh em công nhân làm việc tại đây. Về cuối lễ, thật cảm động khi có hàng trăm lính hải quân cùng tham dự từ xa.
Sau Thánh Lễ, đại diện các nhóm đi thăm đảo Đá Lát, một đảo ngầm cách đảo Trường Sa Lớn 14 hải lý. Số còn lại đi thăm 7 hộ dân. Thật cảm động khi chúng tôi đến thăm và dùng cơm trưa tại gia đình Anh Trường, một trong hai gia đình Công Giáo. Anh Chị đã rất xúc động đến rơi nước mắt vì có các Cha và các Sơ đến viếng thăm, chia sẻ, động viên an ủi. Anh cùng với Anh Phương khát khao được sống đức tin trong bầu khí giáo xứ nhưng chưa thể được.
Ngày 25.04, chúng tôi chia nhau đi thăm nhà giàn DK/11 và DK/14. Những nhà giàn được xây dựng với mục đích bảo vệ thềm lục địa phía nam và nghiên cứu khoa học. Chi phí cho mỗi nhà giàn là rất lớn, lên đến gần nghìn tỷ đồng. Vài nhà giàn bị nghiêng do sóng gió bão tố . Riêng nhà giàn DK/14 mới được xây dựng khá kiên cố, máy bay trực thăng có thể hạ cánh được.
8g00 ngày 26.04, Ông Phạm Dũng tiếp riêng phái đoàn các tôn giáo. Ông chia sẻ một số vấn đề về chủ quyền biển đảo, đường hướng chiến lược gìn giữ biển đảo, truyền thông liên quan tới biển đảo, và sự quyên góp xây dựng đền thờ kính các chiến sĩ và người dân hy sinh vì bảo vệ biển đảo. Mục đích cuộc gặp gỡ này mong muốn các chức sắc tôn giáo nắm vững vấn đề hết sức nhạy cảm về biển đông, sau đó trở về tuyên truyền cho các tín đồ của mình, tránh những cuộc biểu tình tự phát làm cho tình hình biển đông phức tạp hơn. Đại diện từng tôn giáo có đôi lời cám ơn nhà nước đã tổ chức cuộc viếng thăm biển đảo hết sức ý nghĩa này, đồng thời xin được cung cấp các tài liệu chính thức về biển đảo để phục vụ việc tuyên truyền cho mọi người cách hiệu quả.
Tàu trở về cảng Cát lái lúc 16g00 ngày 26/4/2012. Sau đó đoàn lên xe đưa rước về nhà nghỉ Hải Quân ở Số 1A – Tôn Đức Thắng – Q1 – TP. HCM. Kết thúc chuyến công tác bằng bữa tiệc chia tay hết sức thân tình và vui vẻ.
Nhìn chung, chuyến đi của chúng tôi cùng đoàn công tác số 6 viếng thăm biển đảo thành công tốt đẹp, với nhiều cung bậc cảm xúc, nhờ yếu tố thiên thời đại lợi nhân hòa. Mọi người đều cảm nhận sâu xa sự hy sinh cao cả của quân và dân nơi hải đảo xa xôi. Quan trọng hơn cả là giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn về tình hình biển đông nói chung, để từ đó đoàn kết, đồng lòng đấu tranh bảo vệ xây dựng biển đảo quê hương.

Lm. Trần Văn Dũng, SDB (Theo Ngheanthoibao.com)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG