Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội chiều 14.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai, thôi làm nhiệm vụ ĐBQH kể từ ngày 14.5.2018.
Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh mất quyền ĐBQH
Thông báo của Văn phòng QH nêu rõ, ngày 4.5, UBTVQH nhận được đơn của bà Thanh xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng. Đảng đoàn QH đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc, Ban Bí thư chấp nhận đơn xin thôi làm ĐBQH khóa 14 của bà Thanh. Tại phiên họp thứ 24 của UBTVQH ngày 14.5, căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Nai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn MTTQ VN, UBTVQH đã có nghị quyết cho bà Thanh thôi làm nhiệm vụ ĐBQH kể từ ngày 14.5.
Thông báo của Văn phòng QH cũng cho biết, tại phiên họp thứ 24, UBTVQH đã nghe báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, ĐBQH khóa 14 tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, ĐBQH khóa 14 tỉnh Quảng Nam.
Ngày 22.1.2018, TAND TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Tiếp đến, ngày 29.3.2018, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt ông Đinh La Thăng trong vụ án Tập đoàn dầu khí VN (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ocean Bank.
Sau đó, 2 ông này đã có đơn kháng cáo. Theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” và theo luật Tổ chức QH: “ĐBQH bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Chiều 14.5, TAND tối cao tại Hà Nội tuyên án với các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Bị cáo Đinh La Thăng vẫn bị tuyên phạt 13 năm tù, Nguyễn Quốc Khánh bị tuyên phạt 7 năm tù. Như vậy, ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đã mất quyền ĐBQH kể từ ngày 14.5.
Lê Hiệp (Thanh niên)