Trần Thị Xuân sinh năm 1976, là con út trong một gia đình Công giáo có 8 người con ở xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, Xuân chưa học hết cấp 2. Xuân từng đi làm công nhân ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng sau đó phải về quê để chăm sóc con cháu, vì các anh chị ruột đi xuất khẩu lao động.
Đối tượng Trần Thị Xuân
Tháng 5/2016, Trần Thị Xuân bắt đầu quen Nguyễn Trung Trực, khi đó là Trưởng ban điều hành Chi hội miền Trung của Hội Anh em dân chủ (Hội AEDC). Sau khi được Nguyễn Trung Trực kết nạp vào Hội AEDC, tháng 7/2016, Xuân đã được bầu làm Phó ban điều hành chi hội miền Trung. Sở dĩ Trần Thị Xuân thăng tiến nhanh trong Hội AEDC nhờ sự giúp sức của Tùng Anthony Lê, một thành viên có quan hệ họ hàng ruột rà với Trần Thị Xuân. Xuân hoạt động với vai trò móc nối, tuyển lựa và phát triển lực lượng tại địa bàn Hà Tĩnh để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền nhân dân.
Thông qua mạng xã hội, Trần Thị Xuân đã chia sẻ các bài viết, hình ảnh của các tổ chức, cá nhân phản động, cực đoan có nội dung chống Đảng, Nhà nước, kêu gọi, kích động biểu tình, tổ chức hoạt động tình nguyện trong giới trẻ.
Với vai trò là Phó ban điều hành Chi hội Anh em dân chủ miền Trung, dưới sự chỉ đạo của đối tượng “cộm cán” trong hội, được sự tài trợ, hậu thuẫn của các tổ chức phản động trong và ngoài nước, Xuân ngày càng hoạt động tích cực cho hội, thực hiện mục tiêu chung của hội là chống phá và lật đổ chính quyền. Trần Thị Xuân đã nhận tiền của tổ chức khủng bố, phản động lưu vong ở nước ngoài và các đối tượng cực đoan trong nước.
Để khuyếch trương cho cái mác “dân chủ”, Xuân đã tham gia các hoạt động dưới danh nghĩa “vì cộng đồng”, “từ thiện”, nhưng thực chất là dùng tiền, vật chất của các tổ chức phản động lôi kéo, móc nối các đối tượng khác trên địa bàn cùng tham gia các hội, nhóm chống đối.
Trần Thị Xuân đã câu kết cùng một số đối tượng trong các tổ chức phản động như Bạch Hồng Quyền (SN 1989, quê thôn Cói, xã An Đổ, Bình Lục, Hà Nam, hiện đang bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh truy nã toàn quốc về tội gây rối trật tự công cộng); Hoàng Đức Bình (SN 1983, tại xã Hưng Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An), bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, quy định tại Điều 257, 258 – Bộ luật Hình sự; tại phiên tòa sơ thẩm ngày 6/2/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 14 năm tù giam), tham gia tụ tập, gây rối tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Lợi dụng sự cố môi trường biển các tỉnh miền Trung, một số linh mục ở Hà Tĩnh đã lên kế hoạch kích động, xúi giục giáo dân các giáo xứ ở địa bàn tham gia cuộc biểu tình ngày 3/4/2017. Mượn danh nghĩa bảo vệ môi trường, đòi đóng cửa các nhà máy độc hại của tập đoàn Formosa qua đó nhằm làm cho phong trào lan rộng. Trần Thị Xuân giữ vai trò quan trọng trong cuộc bạo động diễn ra vào ngày 3/4/2017 ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Trần Thị Xuân tại cuộc biểu tình ngày 3/4/2017
Khoảng 21 giờ tối ngày 2/4/2017, một nhóm gồm 5 gương mặt đối lập trẻ, là ekip quay phim, chụp ảnh để hỗ trợ truyền thông cho cuộc biểu tình của dân Công giáo, rủ nhau đi uống nước tại một quán mang tên One Coffee. Trong nhóm này có Hoàng Đức Bình, thành viên nhóm Phong trào Lao động Việt và Bạch Hồng Quyền, thành viên nhóm Phong trào Con đường Việt Nam, cả hai đều là dân Công giáo. Khoảng 22h cùng ngày, một nhóm công an mặc thường phục bước vào quán gây sự và hai bên bắt đầu xô xát. Khi Bình lên xe máy chạy về giáo xứ để gọi thêm người, một viên công an rút súng bắn chỉ thiên. Hoàng Đức Bình đã lôi kéo giáo dân bao vây, tấn công tổ tuần tra của Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Thạch Bằng, làm 1 đồng chí công an bị thương; bao vây, đập phá tài sản nhà trưởng công an xã Thạch Bằng.
Ngày 3/4/2017, đoàn biểu tình có thêm biểu ngữ phản đối công an “nổ súng, đàn áp dân”, được in ngay trong đêm. Đoàn biểu tình đã chiếm trụ sở UBND huyện Lộc Hà. Theo một clip tự quay của người biểu tình ghi lại thì Trần Thị Xuân là người đứng trước cửa trụ sở UBND huyện Lộc Hà kích động đám đông quần chúng. Dù ở đoạn đầu của clip, Xuân tuyên bố rằng bản thân và những người biểu tình khác “chỉ bảo vệ môi trường”. Nhưng ở những đoạn sau cho thấy rõ, chính Xuân là người lĩnh xướng, bắt nhịp kích động để đám đông hô những khẩu hiệu đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hình ảnh tại cuộc biểu tình
Ngày 17/10/2017, Trần Thị Xuân bị bắt về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Tại cơ quan điều tra, Xuân đã thừa nhận hành vi vi phạm luật pháp của mình. Xuân khai đã nhận tổng cộng 170 triệu đồng của các tổ chức phản động ở trong và ngoài nước để kích động quần chúng biểu tình. Trần Thị Xuân xin Nhà nước khoan hồng để sớm được trở về với gia đình, đồng thời khuyên “những người trẻ” không nên “nghe lời xúi giục của các tổ chức phản động”. Trần Thị Xuân là thành viên thứ 9 của Hội AEDC bị bắt kể từ vụ bắt Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà tháng 12/2015.
Võ Thắng