Friday, November 22, 2024

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: Biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam

Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch mùa khô 1966 – 1967, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định đưa thêm 10 vạn quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đầu ăm 1968, số quân chiến đấu của Mỹ ở miền Nam đã vượt quá nửa triệu tên chưa kể sự yểm trợ của trên 20 vạn quân Mỹ có mặt ở Thái Lan, Phi-líp-pin, Nhật Bản, Guam, Hạm đội 7, cùng với gần 60 vạn quân Ngụy Sài Gòn, gần 7 vạn quân các nước đồng minh của Mỹ.

Tháng 5 và tháng 6/1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình mọi mặt và xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 – 1968, đưa ra chủ trương “trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”.

Tháng 1/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khoá III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định: Địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó, ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh.

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: Biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn – Gia Định) họp bàn kế hoạch tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: DƯƠNG THANH PHONG

Để thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, các chiến trường ở miền Nam gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích – tổng khởi nghĩa; chuẩn bị chiến trường, lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, bảo đảm hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền Nam. Các hoạt động nghi binh, đặc biệt chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh đã làm cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam và giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn bị lạc hướng. Trong khi họ dồn toàn trí và lực lượng ra hướng Đường 9 – Khe Sanh và nhận định đây là chiến trường chính, thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bất ngờ diễn ra ở một loạt đô thị trên toàn miền Nam.

Đúng 0 giờ ngày 29/1/1968 (giao thừa theo lịch miền Bắc) quân ta tiến công địch tại sân bay Nha Trang (Khánh Hòa).

Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ngày 30/1/1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam) ta đồng loạt tiến công vào thị trấn Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (Kon Tum), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), PlâyCu (Gia Lai), thành phố Qui Nhơn (Bình Định), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An…

Đêm 29 rạng ngày 30/1/1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, ngày mùng một Tết theo lịch miền Bắc), Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động ta đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn – Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hoà, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức…

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968: Biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam

Quân ta tiến vào Thành nội Huế trong Tết Mậu Thân năm 68. Ảnh: Tư liệu

Tiếp theo đợt I, chúng ta còn mở đợt tiến công mùa hè (đợt II) từ tháng 5-1968, đợt tấn công lần thứ 3 từ ngày 17/8/1968.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi.

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 diễn ra khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh giữa ta và địch trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Bằng cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Quá trình đó là không thể đảo ngược cho dù phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua cuộc từ mùa xuân năm 1968.

Sau một tháng, tướng Oétmolen, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra từ chức. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố ba điểm: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai… Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ – chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” của Mỹ trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Đến tháng 5/1968, Mỹ phải bắt đầu khởi động quá trình đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.

50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả.

Tâm Minh

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG