Thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, nhiều em không đạt được ước mơ, điểm số như kỳ vọng, chịu áp lực từ gia đình nên lâm vào tình trạng bế tắc, muốn tìm đến cái chết để giải thoát.
Thời gian qua, nhiều vụ học sinh tự tử xảy ra khiến dư luận bàng hoàng.
Mới đây nhất, học sinh T.T.P.L. (lớp 7, trường THCS Tân Lâm,Thạch Tân,Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử vong trong ngay tại lớp học.
Cụ thể, sự việc xảy ra khi học sinh trong lớp đi thực hành môn Tin học tại phòng máy, riêng em L. ở lại lớp. Khi giờ học kết thúc, các em học sinh trở lại lớp thì phát hiện L. đã tử vong. Theo đó, em L. để lại bức thư tuyệt mệnh bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Được biết, nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ việc người cha nói nặng lời với L khi kết quả học tập của con sa sút.
Học sinh T.T.P.L. tự tử tại phòng học khiến nhiều người bàng hoàng.
Trước tình trạng học sinh tự tử ngày một tăng, trả lời VTC News, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hà Nội) nhận định, tình trạng học sinh, sinh viên tìm đến với cái chết có chiều hướng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân như gia đình, chuyện tình cảm yêu đương nam nữ, áp lực học tập,…
Thầy Bình lý giải: “Thứ nhất, có những em tâm lý vẫn đang còn yếu ớt, dễ bị tác động nên dẫn đến những hành vi bồng bột, tiêu cực.
Nguyên nhân thứ hai, lứa tuổi đang lớn có biến động về tâm lý, sinh lý. Vì vậy, các em chưa có trải nghiệm thực tế nên mất phương hướng, dẫn tới suy nghĩ tiêu cực và hơn thế là tìm đến cái chết.
Thứ ba, do tác động từ bạn bè, từ gia đình, xã hội; áp lực từ học hành căng thẳng là nguyên nhân chủ yếu gây nên những vụ tự tử đau lòng”.
Thầy Nguyễn Quốc Bình lý giải nguyên nhân tình trạng học sinh tự tử ngày càng gia tăng.
Hiệu trưởng Quốc Bình chia sẻ: “Có nhiều em không đạt được ước mơ, điểm số như kỳ vọng lại chịu áp lực từ gia đình nên lâm vào tình trạng bế tắc muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Nhiều em chưa được trang bị kiến thức về cuộc sống nên khi vấp ngã dẫn đến suy nghĩ tiêu cực”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc giáo dục tâm lý học đường chưa được quan tâm. Việc giáo dục hiện nay đang mang nặng tính áp đặt.
Dường như, giáo viên và cha mẹ học sinh không chú ý khi các em có biểu hiện bất thường. Vì vậy, các em cảm thấy không có sự quan tâm, không có người tâm sự.
“Nhiều giáo viên tập trung vào chuyên môn chứ chưa quan tâm đến tâm lý, biến động của học trò – lứa tuổi mới lớn, tuổi nửa trẻ con nửa người lớn khi không có ai tâm sự. Điều này khiến các em không biết tìm đến đâu nên mới nảy sinh nhiều ý nghĩ tiêu cực như vậy”, thầy Bình nói.
Ông Bình chia sẻ từng giải quyết nhiều vụ khi các em gặp vấn đề về tâm lý yêu đương, áp lực từ gia đình do bố mẹ ly hôn… Điều này khiến các em khủng hoảng, sợ hãi, không muốn đến trường.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi với học sinh nhất tại trường học.
Vì vậy, những giáo viên này cần phải quan tâm học sinh nhiều hơn nữa. Hiện nay, nhiều giáo viên chủ nhiệm nghiệp vụ không có và trách nhiệm cũng không cao.
“Giai đoạn dậy thì là giai đoạn thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý. Thời gian ở trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm cần quan tâm đến biểu hiện bên ngoài để gần gũi, trò chuyện cùng các em.
Trong lớp, giáo viên xây dựng tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau để các em không còn cảm thấy lạc lõng”, TS Lâm nhận định.
TS. Nguyễn Tùng Lâm.
TS Lâm cho rằng, không chỉ nhà trường, mà bố mẹ cũng cần gắn kết, yêu thương và luôn chia sẻ cũng như lắng nghe những tâm sự của con cái. T
hực tế hiện nay, nhiều bố mẹ cứ lao vào việc kiếm tiền, bỏ mặc con cái không quan tâm. Chính điều này khiến các em thiếu sự chia sẻ, yêu thương và từ đó nảy sinh ý định tự tử để tìm lối thoát.
Ngoài ra, theo TS Lâm, giới trẻ cũng phải được định hướng để hiểu và ý thức được giá trị, sống với tất cả giá trị.
“Các em phải biết nếu tự tử, gia đình, người thân sẽ như thế nào? Vì vậy, các em hãy biết sống với giá trị yêu thương”, TS Tùng Lâm nói.
Dấu hiệu nào nhận biết trẻ đang có ý định tự tử?
Nếu trẻ có sự thay đổi đột ngột về hành vi và cảm xúc. Ở trẻ em, người lớn rất dễ nhận biết sự thay đổi này, do trẻ không có nhiều khả năng giấu giếm như người lớn.
Một em ít nói bỗng dưng nói nhiều, nói về điều xa xôi nào đó, về thế giới bên kia hoặc có em đang sôi nổi ồn ào bỗng dưng thu mình lại, thay đổi sở thích, chán nản thất vọng.
Có người thì nói gì cũng nghe, song có em lại chống đối mọi người… Những biến chuyển mang tính bất ngờ, quay ngoắt 180 độ trên cần phải xem xét đến.
Hành vi không bình thường như ngủ triền miên, ăn nhiều, ăn ít… thay đổi so với trước kia. Khóc lóc, thất vọng, nói với người khác về việc mình sắp phải đi xa, thấy mình không có ý nghĩa trong cuộc sống này chẳng hạn.
Cho đi đồ dùng mình yêu quý cũng là một dấu hỏi cần quan tâm. Đi thăm họ hàng, bạn bè, cả những người họ không có điều kiện đi thăm, nói về cái chết, dặn dò lại người thân những việc họ đang làm dang dở; biểu hiện như chia tay bạn bè, dặn dò mọi người ở lại.
Nhóm trẻ có nguy cơ cao như khuyết tật, xu hướng tình dục đồng tính… vì sự kỳ thị và phân biệt của cộng đồng đã đẩy họ vào tình huống khó khăn, thanh thiếu niên sống trong môi trường thiếu sự chăm sóc, nhóm không có điều kiện đến trường, nhóm không có sự chăm sóc kỹ càng của bố mẹ, quá kỳ vọng từ bố mẹ tạo nên những áp lực.
LƯU LY