Trải qua các giai đoạn lịch sử, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, trong đó việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và bảo đảm tính thực thi.
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Công ước CERD ra đời với mục tiêu lên án, tiến tới xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, mầu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số. Công ước CERD khẳng định: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng để chống lại bất kỳ sự phân biệt đối xử hay bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào”; đồng thời chỉ rõ: “Các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc” (Điều 5).
Trải qua các giai đoạn lịch sử, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, trong đó việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và bảo đảm tính thực thi. Tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Trong các năm 1983, 1993, 2000 và 2012, Việt Nam đã bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD. Điều này cho thấy những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới…
Báo cáo CERD 5 tập trung thể hiện kết quả Việt Nam thực thi Công ước CERD từ năm 2013-2019, tập trung vào các nội dung: Hệ thống pháp luật Việt Nam và các thiết chế bảo đảm, thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam; định nghĩa phân biệt chủng tộc và đánh giá sự phù hợp của định nghĩa phân biệt chủng tộc trong các điều luật của Việt Nam; vai trò quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; kết quả thực hiện các cam kết cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam; các biện pháp bảo đảm cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam không phải chịu bất cứ hành động phân biệt chủng tộc. Báo cáo quốc gia CERD 5 sẽ cung cấp cho cộng đồng quốc tế một bức tranh khá toàn cảnh về vấn đề chống phân biệt chủng tộc ở Việt Nam, từ những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp cũng như các biện pháp khác mà Việt Nam đã xây dựng, triển khai cho đến kết quả tổ chức thực hiện các biện pháp đó trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2019 nhằm bảo vệ quyền con người, chống các hành vi kỳ thị, phân biệt về chủng tộc tập trung vào người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Thời gian qua các đối tượng chống phá, thù địch thường xuyên lợi dụng những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào, các tranh chấp, khiếu kiện, những vấn đề do lịch sử để lại,… coi đây là mục tiêu để tấn công, hòng khoét sâu những bất đồng, mâu thẫu, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan. Địa bàn được các đối tượng chống phá nhắm đến là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Như ở khu vực Tây Bắc, các đối tượng chống phá dựng lên cái gọi là “Vương quốc Mông”, và đưa ra yêu sách về “quyền tự trị”. Còn ở Tây Nguyên, các đối tượng rêu rao “Tây Nguyên là của người Thượng”, “người Kinh cướp đất của đồng bào trên chính quê hương của mình” từ đó kích động “đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người Kinh về xuôi”. Tương tự ở Tây Nam Bộ, các đối tượng kích động người dân tộc Khmer ly khai thành lập “Nhà nước Khơme Krôm độc lập”. Các đối tượng còn lôi kéo, dụ dỗ, tổ chức các hoạt động như vượt biên trái phép, di dân tự do, hòng làm cho đời sống của đồng bào mất ổn định; từ đó rêu rao Việt Nam phân biệt chủng tộc, vi phạm nhân quyền, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế. Không khó để nhận diện âm mưu của các đối tượng chống phá, thù địch này là hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, kích động bạo loạn, lật đổ chế độ. Thực tế này cho thấy các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá núp dưới chiêu bài kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc hết sức tinh vi, thâm độc, khó lường. Đặc biệt, việc kích động, chống phá trên không gian mạng được chúng triệt để khai thác để tỏa “chân rết” đi đến các vùng miền, xâm nhập vào các cộng đồng người dân tộc thiểu số, tác động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, hết sức nguy hiểm.
Đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi chống phá, kích động phân biệt chủng tộc. Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không tin, nghe theo sự lôi kéo, dụ dỗ của người khác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi người dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực trong cộng đồng để báo cáo tới cơ quan chức năng làm rõ. Sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân sẽ tạo khối đoàn kết gắn bó chặt chẽ, hiệu quả, giúp ngăn chặn hiệu quả và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu./.
CÔNG HUNB
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: