Tuesday, December 3, 2024

Kinh tế Việt – Mỹ nhiều trái ngọt

Hơn 20 năm trước, Việt Nam và Mỹ không hình dung được mối quan hệ làm ăn của hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ như hôm nay.

Kinh tế Việt – Mỹ nhiều trái ngọt

Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đón các lãnh đạo ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tại Nhà Trắng hồi tháng 5. Ảnh: TTXVN

Hôm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Từ năm 2000, các đời tổng thống gồm Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đều tới Việt Nam trong nhiệm kỳ. Ông Joe Biden sẽ là Tổng thống Mỹ thứ năm đến Việt Nam và có thể chứng kiến những trái ngọt của quá trình xây dựng quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt thương mại – vốn là nền tảng của mối quan hệ song phương.

Mỗi chuyến thăm của các đời Tổng thống Mỹ đến Việt Nam đều diễn ra trong bối cảnh hai nước có chuyển biến đáng kể về thương mại.

Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ (BTA) – “gieo mầm cho tương lai tốt đẹp” – như nhận định của Tổng thống Bill Clinton, được ký vài tháng trước chuyến thăm của ông đến Việt Nam năm 2000.

Kinh tế Việt – Mỹ nhiều trái ngọt

Tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt tay người dân Việt Nam từ ban công một toà nhà đối diện Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày 17/11/2006. Ảnh: AP

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm mà Tổng thống George W. Bush tới dự APEC 2006 tại Hà Nội. Cũng trong năm đó, Intel công bố mở rộng dự án đầu tư nhà máy sản xuất với số vốn 1 tỷ USD. Quyết định của Intel khi ấy được xem như một sự xác nhận rằng Việt Nam cũng có thể là địa chỉ thu hút nhiều “đại bàng”.

Hay Hiệp định TPP dù thất bại trước nhiều lý do khách quan, ở thời điểm 2016, trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama, việc Việt Nam – Mỹ hoàn tất đàm phán, cho thấy sự phát triển quan hệ tốt đẹp hai bên.

“Mỹ và Việt Nam là những người người bạn thân thiết, điều không tưởng tượng được trước đó”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội, người đã sống ở Việt Nam hơn 20 năm, nói với VnExpress. Ông kể, nhiều công ty, nhà đầu tư Mỹ đang hoạt động tích cực ở hầu hết lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.

20 năm trước, quy mô kinh tế của Việt Nam chỉ 31,2 tỷ USD, GDP bình quân đầu người gần 400 USD (theo dữ liệu của World Bank); hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ 880 triệu USD, từ Mỹ xuất sang Việt Nam khoảng 416 triệu USD.

Nay, quy mô GDP Việt Nam đã tăng hơn 15 lần, đạt 478 tỷ USD; GDP bình quân đầu người tăng 11 lần, đạt 4.436 USD. Giá trị thương mại song phương vượt 123 tỷ USD vào năm ngoái.

Amcham hiện đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp lớn, 2.500 doanh nghiệp cá nhân Mỹ trên khắp Việt Nam. Các doanh nghiệp này, theo Amcham, chiếm hàng tỷ USD vốn FDI, có hàng trăm nghìn nhân viên trực tiếp, gián tiếp, đóng góp đáng kể vào doanh thu xuất khẩu, thuế tại Việt Nam.

Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nhà đầu tư Mỹ rót vốn tại 1.216 dự án ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư 11,4 tỷ USD đến hết 2022. Nước này đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

“Việt Nam đã thành một nền kinh tế đáng kể so với các năm trước. Chúng ta đang là đối tác lớn thứ 7 của Mỹ, vượt qua những thị trường truyền thống khác. Trong chuỗi cung ứng của Mỹ, Việt Nam cũng dần thành mắt xích quan trọng”, ông Lê Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore) nói. Ông đánh giá, chuyến thăm của ông Biden thời điểm này cho thấy Mỹ ngày càng chú trọng vai trò của Việt Nam ở nhiều mặt.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định “vị thế Việt Nam không ngừng tăng” qua các năm. Bởi lẽ, Việt Nam có vị trí, vai trò tại châu Á – Thái Bình Dương nên không chỉ Mỹ, các nước khác cũng coi trọng nền kinh tế 100 triệu dân khi nhìn đến khu vực này.

Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, đặc biệt là về thương mại. “Đấy là điểm chúng ta đã tự mình mạnh lên”, ông Vinh cho biết. Năm 2000, Việt Nam chỉ có 1 FTA có hiệu lực là AFTA – ký với khu vực ASEAN. Đến nay, con số đã là 16, với hầu hết nước, khu vực lớn trên thế giới mà có thể kể đến như CPTPP, EVFTA, RCEP. Do đó, đầu tư vào Việt Nam, cũng đồng nghĩa kết nối với mạng lưới FTA quy mô lớn, có chất lượng.

“Chúng ta có đổi mới, hội nhập, trở thành thị trường hấp dẫn khiến những nhà đầu tư, kinh doanh Mỹ đến làm ăn và có lợi nhuận. Họ rõ ràng thấy được đà đi lên của Việt Nam. Đây chính là động lực để hai nước gần nhau hơn”, ông nói.

Tiếp cận kinh tế giữa hai nước cũng có nhiều thay đổi. Thay vì chỉ sản xuất như trước, doanh nghiệp Việt – Mỹ mở rộng sang năng lượng, kinh tế số, tài chính với hàm lượng vốn, giá trị gia tăng cao hơn.

Kinh tế Việt – Mỹ nhiều trái ngọt

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam thăm trụ sở Google chiều 17/5. Ảnh: VGP

“Kinh tế số là một lĩnh vực giàu tiềm năng. Doanh nghiệp Mỹ có lợi thế về hạ tầng mà doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được, giúp hàng hóa số của Việt Nam đi khắp thế giới với chi phí cạnh tranh”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông IPS bình luận. Ngoài ra, ông cũng lưu ý về xu thế tăng trưởng xanh, chống lại biến đổi khí hậu đang được hai nước cùng quan tâm.

Theo Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), các công ty Mỹ đang có xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng tại đây với các ngành bán dẫn, tiêu dùng nhanh, kinh tế số, kinh tế sáng tạo. Ngoài ra, lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh cũng chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả hai bên.

Do đó, không ít kỳ vọng về kinh tế được đặt ra trong chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Biden tới đây.

Theo ông Phạm Quang Vinh, với những gì Việt Nam đang làm tốt trong quan hệ thương mại với Mỹ, cần tiếp tục đẩy mạnh. Đó là việc giữ được tốc độ tăng trưởng thương mại, khối lượng hàng hóa, bởi lẽ hai nước vẫn còn nhiều dư địa.

“Kinh tế Việt Nam tiếp tục đi lên, thị trường Mỹ lại rộng lớn, sức tiêu thụ cao nhưng điểm đáng lưu ý là hàng hóa Việt Nam phải nâng cao sức hấp dẫn, cạnh tranh”, ông nói.

Tiếp đó, Việt Nam phải tranh thủ chuyển dịch sang được những lĩnh vực mà Mỹ có ưu thế, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các sản phẩm bán dẫn. “Nếu chúng ta đón được điều này, hợp tác Việt Nam – Mỹ còn tăng trưởng với tốc độ cao hơn rất nhiều”, ông cho biết.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, trong chuyến thăm của ông Biden, hai bên dự kiến gặp các doanh nghiệp công nghệ, ký nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế quan trọng có thể trị giá hàng tỷ USD.

Khả năng về một hiệp định thương mại tự do cũng được nhiều người kỳ vọng. Một FTA giữa hai nước, nếu hình thành, sẽ củng cố khả năng tiếp cận thị trường của nhau, với những điều kiện thuận lợi hơn.

Tháng 2/2023, sau cuộc gặp giữa bà Katherine Tai với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, bà Tai bày tỏ quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương theo Hiệp định khung thương mại Việt – Mỹ (TIFA).

TIFA được ký kết vào tháng 11/2007, trong chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Mỹ. Thời điểm đó, Hiệp định được xem là bước tiếp theo của BTA và là bước mở đầu tiến tới Hiệp định thương mại tự do.

Nếu BTA là khung xương ban đầu để Việt Nam – Mỹ bình thường được quan hệ thương mại, tạo đà gia nhập WTO, thì TIFA (hội đồng hợp tác song phương cấp Bộ trưởng, bàn định hướng, chính sách, giải quyết khó khăn thương mại) là bước tiếp theo, hướng đến một hiệp định thương mại tự do (cơ hội thuế hàng hoá, dịch vụ ở mức thấp, thậm chí bằng 0 cho hàng hoá 2 bên).

Dự kiến, ông Biden gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác. Chuyến thăm này được nhìn nhận thiết lập dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ, kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Bích Vân 

Nguồn: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG