Trước bối cảnh hàng hóa “Made in Vietnam” lên ngôi do Mỹ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang nước ta, cùng với đó là quan hệ cấp cao hai nước nồng ấm hơn, nhiều trang mạng chống phá như BBC Tiếng Việt đã lợi dụng để xuyên tạc, lèo lái dư luận nhằm đẩy Việt Nam vào tình thế chọn phe giữa hai nước lớn.
Có lẽ chưa có quốc gia nào hưởng lợi nhiều như Việt Nam khi thương chiến Mỹ – Trung nổ ra, nhưng khi căng thẳng Trung Mỹ lên cao, xuyên tạc ngoại giao Việt Nam cũng càng dữ dội hơn.
Điển hình là hai trong số rất nhiều bài viết của trang BBC Tiếng Việt. Trong đó một bài với tiêu đề “Biden sắp ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong nỗ lực chống lại Trung Quốc’” và một bài khác là “Biển Đông: Trung Quốc vừa kêu gọi Việt Nam giữ vững lý tưởng cộng sản, vừa quân sự hóa đảo Tri Tôn”.
Những nội dung xuyên tạc trên trang BBC Tiếng Việt.
Đặc điểm chung của những bài viết này là lèo lái dư luận, làm chệch ý nghĩa ngoại giao của không chỉ Việt Nam mà còn hai nước đối tác. Như một đoạn: “Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đánh dấu một chiến thắng mới trong chiến dịch của ông nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách ký một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng tới với mục đích kéo Hà Nội lại gần hơn với Washington ở vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.”
Không chỉ vậy, BBC Tiếng Việt cho rằng Trung Quốc muốn hợp tác với Việt Nam để chống lại sự can thiệp mang tính khiêu khích của các thế lực nước ngoài, duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và trong khu vực, trong đó cho rằng Trung Quốc lại đang âm thầm khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên đảo Tri Tôn – hòn đảo cực tây trong quần đảo Hoàng Sa chiến lược của Biển Đông và là hòn đảo gần Việt Nam nhất.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần khẳng định không có ý định buộc các nước ASEAN phải chọn phe. Và thực tế, Mỹ chọn hợp tác với Việt Nam là vì Việt Nam có những thế mạnh giúp ích cho kinh tế song phương với Mỹ, như lực lượng lao động trẻ, nguồn cung đất hiếm dồi dào, thị trường tiêu dùng mới nổi… Tất cả những điều đó là do nỗ lực của Việt Nam chuyển mình từ một quốc gia lạc hậu sau chiến tranh đến một thị trường sản xuất đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư. Xuất phát điểm trong quan hệ hai nước vốn đã là kinh tế, chứ không phải là động cơ chính trị nhằm vào Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Phnompenh, Vương quốc Campuchia, tháng 11/2022
Chưa kể, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định là luôn kiên định và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, nên càng không có việc nước ta hợp tác kinh tế với Mỹ để đe dọa Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ – Việt và Trung – Việt vốn đã nhạy cảm do những yếu tố lịch sử. Do đó không thiếu chủ đề để các bên lợi dụng khai thác. Nhất là hiện nay khi mối quan hệ ba nước xuất hiện nhiều thay đổi, đặc biệt là về lợi ích kinh tế, chính trị đã tạo ra nhiều kẽ hở cho những luận điệu xuyên tạc chủ trương ngoại giao cả ba nước.
Nếu như trước đây, các nhà đầu tư phương Tây chỉ chăm chăm rót vốn vào Trung Quốc như “gà đẻ trứng vàng”, thì nay dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không chỉ chuyển dịch mạnh mẽ vào các ngành gia công đơn thuần mà còn là công nghệ cao, sản xuất chip và năng lượng tái tạo trong tương lai, hướng đến các mục tiêu bền vững hơn. Không khó để thấy, kinh tế Việt Nam sẽ còn thắt chặt hơn nữa với cả hai nước Mỹ – Trung, và chắc chắn cũng sẽ không thiếu những lời lẽ chống phá. Thế nên, Việt Nam cần giữ sự tỉnh táo, không để mâu thuẫn chính trị từ quá khứ phá hoại đi thành quả kinh tế mà nhiều thế hệ đã dày công xây dựng nên.
Đông Duy
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: