Hiện nay một hình ảnh, một câu nói dù ở đâu hay bất kỳ ai nói ra đều có thể bị bọn phản động nói chung và Việt Tân nói riêng lấy ra làm chứng cớ phục vụ mục đích phản động, chống phá Đảng, Nhà nước và bôi nhọ lãnh tụ. Hình ảnh của một người đàn ông đang phụ hồ mặc chiếc áo có in hàng chữ “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” dưới đây là một minh chứng.
Chúng ta đều biết, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng biến nước ta thành một nước thuộc địa với rất nhiều chính sách cai trị, bóc lột tàn bạo, rất nhiều cuộc khởi nghĩa với rất nhiều hình thức đấu tranh diễn ra nhưng đều thất bại. Mỗi người dân Việt Nam chúng ta và những người dân thuộc địa trên thế giới không thể nào quên ngày 05/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (chính là Bác Hồ – Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta) đã ra đi tìm đường cứu nước theo cách thức mới với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân tộc. Người đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân. Từ đó, Người đã nhận thấy “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất chính là chủ nghĩa Lênin”. Theo Người, chủ nghĩa Mác – Lênin không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Thực tiễn đã chứng minh sự sáng suốt và đúng đắn của Người. Khi nói đến Người ai ai cũng biết đó là nói đến một vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bác Hồ không chỉ ở trong tim mỗi người con đất Việt mà sinh thời và cả khi đã đi xa, Người luôn nhận được những tình cảm thắm thiết bằng những lời ngợi ca đẹp nhất của những người yêu mến Người khắp năm châu như: nhà báo nổi tiếng người Xô Viết O.Mandenxtam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Từ trong giọng nói đầm ấm, thanh cao của Người, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái bao la toàn thế giới mênh mang như nước đại dương”, Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ, trân trọng nhất để ca ngợi Hồ Chí Minh là: “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sĩ vĩ đại cho tự do”.
Xã luận Báo Đoàn kết – cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Italy ra ngày 5/9/1969 đã viết: “Tin đồng chí Hồ Chí Minh từ trần đã khiến cho hàng trăm triệu người trên thế giới xúc động và suy nghĩ … Người đã tạo nên một cuộc đời anh hùng của mình một cách khách quan, chứ không phải là do tính chất cao siêu của chủ nghĩa anh hùng cá nhân”. Báo Diễn đàn Canada ngày 10/9/1969 viết: “Nhiều kẻ thù của Người tỏ lòng khâm phục và kính trọng đối với Người. Nhiều người tự do ở phương Tây đã ca ngợi những cống hiến của Người cho sự tiến bộ của nhân loại… Là một trong những người hiếm có, được lịch sử giao phó, Người tiêu biểu cho một nền đạo đức mới, đạo đức Mácxít mang đầy tính nhân văn sâu sắc và đầy tinh thần xả thân quên mình”. Và ngay cả những người là “đối thủ” của Người cũng không thể phủ nhận sự kính trọng của họ dành cho Hồ Chí Minh như tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower từng nói: “Trong trường hợp bầu cử tự do được diễn ra ở Việt Nam thì chắc chắn Hồ Chí Minh sẽ được cử tri cả 2 miền tín nhiệm… Ít nhất cũng phải có đến 80% bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh”. Jean Sainteny, đặc phái viên của Tổng thống Pháp về vấn đề Đông Dương những năm 1946-1954 đã viết: “Ngay lần gặp đầu tiên với Hồ Chí Minh, tôi đã có ấn tượng rằng, đằng sau vẻ ngoài giản dị của con người này là một nhân cách vĩ đại”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Jean Sainteny bay sang Hà Nội viếng Bác và xúc động phát biểu: “Chúng tôi đi ngang qua trước quan tài bằng kính, ở đó thi hài mảnh khảnh của người chiến sĩ già yên nghỉ. Chúng tôi đưa thêm vào biển hoa một vòng hoa đồ sộ để chứng tỏ lòng ngưỡng mộ của nước Pháp đối với kẻ thù cũ của mình, đồng thời với một ý định quên đi quá khứ và thật sự hướng về tương lai”.
A.Vladimirovna – Đại học quốc gia Viễn Đông của Nga thì viết: “Hồ Chủ tịch – Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc Việt Nam, người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác đều gọi Người là Bác Hồ”. Tại phiên khai mạc Hội nghị Ban thường vụ Hội đồng Hòa bình thế giới năm 1999, Romet Chandra, Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới đã nói về Hồ Chí Minh với những lời lẽ đầy xúc động: “Vào thời điểm vinh dự này, cho phép tôi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ các bạn đều biết Người là Việt Nam, là con người vĩ đại, hơn thế, tôi muốn nhấn mạnh, Người không chỉ dành riêng cho châu Á mà cho toàn thế giới. Các bạn có thể thắc mắc tại sao tôi cứ nói về quá khứ. Đây không phải là quá khứ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang yên nghỉ trong lăng, nhưng Người còn sống mãi. Xin hãy dành một phút mặc niệm Người. Tôi tin và hy vọng rằng, mọi người đừng khóc mà hãy nhớ về Hồ Chí Minh – con người của hòa bình”.
Thế mà bè lũ Việt Tân lại cho rằng “Ơn Bác nên mới đi phụ hồ”. Thật là phi lý khi móc nối mối quan hệ giữa tình yêu một người dành cho ai, cho vấn đề gì với hoàn cảnh của họ. Chẳng nhẽ mọi người cứ yêu nước Mỹ thì nước Mỹ đều cho họ nhập cư và đảm bảo cho họ được giàu có, sự giàu có của họ lại tỉ lệ thuận với tình yêu của họ. Vậy chắc các nước phát triển sẽ không có người vô gia cư, thất nghiệp. Đây đúng là lý thuyết sặc mùi phản động và vô cùng nham hiểm của bọn Việt Tân. Phải biết rằng mỗi người sinh ra đều có một tính cách, một sở trường. Khi một người lựa chọn ngành nghề thì họ còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố như: năng lực, sử thích, hoàn cảnh sống, … từ trước hòa bình đến thời hiện đại bây giờ, Đảng và Nhà nước đều đề cao và coi trọng các nghề lao động. Thực tế đã chứng minh, nghề gì cũng là nghề cao quý và đều có cơ hội để thành công, quan trọng là chúng ta phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, trong quá trình làm việc chúng ta luôn cần học hỏi, chăm chỉ, cố gắng, tìm cho mình con đường đi phù hợp. Rất nhiều các tỉ phú, người nổi tiếng trong và ngoài nước xuất thân và đi lên từ nghèo khó với những công việc bị coi là thấp kém của xã hội, Vì chính môi trường làm việc cực khổ, khắc nghiệt tạo ra nghị lực vươn lên trong họ – người lao động có đủ phẩm chất tốt để mọi người tôn trọng: cần cù, tốt bụng, kiên trì, không ganh đua, hiền lành, chất phác, lạc quan, yêu đời và một thứ quan trọng hơn đó là nói ít làm nhiều.
Tôi nghĩ, với những người lao động chân chính và ngay cả chú thợ xây trong bức hình, họ càng không cho phép ai lợi dụng hình ảnh và tình yêu của họ, nhất là một tình yêu thiêng liêng của người dân Việt Nam dành cho vị “Cha già” kính yêu của dân tộc để ảnh hưởng tiêu cực cho quê hương Việt Nam. Chúng ta luôn biết rằng “Không có công việc xấu, chỉ có con người xấu”, nhất là bọn phản động nói chung và bọn Việt Tân nói riêng, khi bọn chúng chỉ vì mục đích kiếm tiền mà không chừa bất kỳ thủ đoạn nào, lợi dụng mọi thứ một cách trắng trợn nhất với giọng điệu hết sức ấu trĩ và phản động của mình. Tôi tin rằng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta vẫn sẽ luôn sáng ngời trong tim nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới và tình yêu của chúng ta dành cho người không bao giờ thay đổi, nhất là không bao giờ cho phép bất kỳ ai, tổ chức hay nước nào được bôi nhọ đến hình ảnh Người.
MAI. DUNG
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: