Gần đây, trên các mạng xã hội, đã xuất hiện những bài viết nhằm xuyên tạc, hạ hấp uy tín các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt mỗi khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các quy trình, thủ tục miễn nhiệm, bổ nhiệm đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao thì làn sóng tuyên truyền xuyên tạc về công tác cán bộ lại rộ lên nhiều. Cụ thể, sau sự kiện đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước vào ngày đã được dư luận đặc biệt quan tâm.
Cụ thể mới đây, trên trang mạng “RFA – Đài Á Châu tự do” lại xuất hiện bài viết với tiêu đề “Làm Chủ tịch nước là làm gì?” của bút danh Thuyên Hoa với nội dung ẩn ý sâu xa nhằm gây mất đoàn kết, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang. Cụ thể, trong bài viết, bút danh Thuyên Hoa đã đưa ra nhiều nội dung thiếu căn cứ, cho rằng: “Các đời Tổng bí thư, rồi cả người lãnh đạo Quân đội lẫn lãnh đạo Công an đều thống nhất và kiên quyết rằng sự chỉ đạo, lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang nhân dân phải thuộc về Đảng. Ô thế thì quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước nằm ở đâu?”.
Rõ ràng, những luận điệu này là hoàn toàn thiếu hiểu biết về nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang, và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước để hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Có thể thấy rõ, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Đảng lãnh đạo bằng các chủ trương, chính sách trong các chỉ thị, nghị quyết, bằng sự thuyết phục và bằng công tác kiểm tra chứ không làm thay công việc của Nhà nước.
Đối với lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải xây dựng và lãnh đạo vững chắc lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân, bảo đảm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào”. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang thì ở đó phải có sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua việc Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.
Ở Việt Nam, Chủ tịch nước là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị. Điều 88 Hiến pháp 2013 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch nước, cụ thể:“Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;”
Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo đó cho bất kỳ một tổ chức, một đảng phái hay một cá nhân nào. Nhà nước thống nhất quản lý chặt chẽ lực lượng vũ trang, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, lực lượng vũ trang luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân nhân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Do đó, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo để nhận diện, và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt chống phá Đảng và Nhà nước ta.
HÀ THANH – LÊ ĐÀO
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: