Nguyễn Thanh Thủy (45 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Oanh (41 tuổi), kế toán và thủ quỹ của phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) hôm 22/02 đã bị Cơ quan Công an khởi tố, vì tự ý giữ lại một phần tiền cứu trợ của dân.
Cơ quan chức năng khám xét nơi làm việc của các bị cáo
Nhìn dưới góc độ quản lý, vụ việc ở phường Quảng Phúc có nét tương đồng nhất định với vụ tham ô ở trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khi tiền bạc bị thất thoát vì kế toán và thủ quỹ thông đồng với nhau.
Tuy mức độ thất thoát trong hai vụ việc chênh nhau khá nhiều, nhưng khi tiếp nhận các thông tin kiểu này, người dân không khỏi liên tưởng đến những liên minh ma quỷ, dùng chuyên môn để qua mặt lãnh đạo, bỏ túi riêng công quỹ.
Nhìn dưới góc độ bản chất, tham ô quỹ trường khác cơ bản với tham ô tiền cứu trợ. Trong nhìn nhận của xã hội, tham ô tiền cứu trợ, hỗ trợ thiên tai dịch bệnh nằm trong nhóm hành vi vô đạo đức nhất, nhưng lại dễ qua mắt được các cơ quan chủ quản nhất. Vì giao dịch giữa người dân với cán bộ trực tiếp chi trả thiếu sự giám sát thường xuyên, và chưa được số hóa. Số liệu của các đợt chi trả tiền cứu trợ, hỗ trợ này được cập nhật sau, chứ không ngay lập tức. Người dân lãnh bằng tiền mặt, đơn thuần lên ký nhận rồi về, nên đôi khi do vội, do không quen với thủ tục hành chính mà đã cho qua các con số liên quan.
Chính sự thủ công đó đã tạo kẻ hở cho những kế toán, thủ quỹ tham lam, ma mãnh. Chỉ cần thêm vài thủ thuật sửa chữa trên sổ sách là những kẻ này có thể lấy đi một số tiền lẽ ra phải thuộc về người dân.
Đối chiếu với câu chuyện ở phường Quảng Phúc, hai nhân vật nắm tài chính của phường đã “thống nhất” trích lại khoảng 6% tổng số tiền mà người dân được nhận, tương đương khoảng 15.918.000 đồng/35 hộ. Thêm nữa, thủ quỹ Oanh còn tự ý giữ lại toàn bộ số tiền hỗ trợ của 2/37 hộ dân nuôi trồng thủy sản với lý do 2 hộ này còn nợ tiền thuê đất nuôi tôm của phường, mà không có bất cứ báo cáo nào với cấp trên. Đây là hành xử tùy tiện không thể lý giải được đối với vai trò của một thủ quỹ phường.
May mà người dân Quảng Phúc đã mạnh dạn nêu những nghi ngờ về sự khuất tất tài chính trên với Cơ quan Công An thị xã Ba Đồn, để cơ quan này có căn cứ điều ra làm rõ.
Qua đó, có thể thấy vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với các hoạt động của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Những sai sót, dù nhỏ vẫn sẽ bị phát hiện khi có sự nhìn vào của nhiều người.
Người dân có thể không nắm vững hết các chính sách, cũng chưa chắc sử dụng thành thạo các máy móc hỗ trợ, nhưng người dân chắc chắn nhận diện được quan tham qua cách thức sinh hoạt, làm việc hàng ngày.
Một lần nữa, thấy được sự đúng đắn của nguyên tắc: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Cứ để dân kiểm tra, chắc chắn nhiều con sâu sẽ bị đưa ra ánh sáng.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: