Ngày 29/10, hàng nghìn người Hàn Quốc và du khách chen lấn trong con hẻm nhỏ ở phố Itaewon, Seoul, để dự lễ hội Halloween, gây ra thảm kịch giẫm đạp khiến ít nhất 151 người chết. Một sự kiện tang thương như vậy lại xảy ra ở một đất nước có tiếng là văn minh, người dân có thói quen tuân thủ kỷ luật chặt chẽ, đã để lại nhiều đáng suy ngẫm.
Hình ảnh gây ám ảnh nhất tại hiện trường
Vào đầu tháng 10 này, tại Indonesia, 131 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh dùng hơi cay nhằm giải tán các cổ động viên quá khích tràn vào sân cỏ sau trận bóng, dẫn tới tình trạng dẫm đạp lên nhau tại các cửa ra. Trái lại, thảm kịch Halloween tại Hàn Quốc diễn ra khi người dân đi chơi và tập trung quá đông trong một con hẻm nhỏ, dốc dẫn đến chen lấn nhau và xảy ra tai nạn, hoàn toàn không có tác động từ bên ngoài.
Một nhân chứng tại hiện trường cho biết đã có một số người vấp ngã trên đường dốc gây ra ùn tắc, trong khi đám đông tiếp tục chen lấn về phía trước, dẫn đến giẫm đạp. Cảnh sát thành phố Seoul cho biết đang lên kế hoạch mở cuộc điều tra về thảm kịch ở Itaewon. Các điều tra viên sẽ rà soát liệu những cơ sở kinh doanh trong khu phố này và các khu vực lân cận có tuân thủ quy định đảm bảo an toàn hay không. Đây là một động thái có phần quá muộn, và dường như hoàn toàn bị động. Trong một đất nước nổi tiếng là có trình độ kinh tế phát triển cao, xã hội văn minh, người dân tuân thủ kỷ luật chặt chẽ như Hàn Quốc lại diễn ra một thảm kịch có nguyên nhân hoàn toàn từ hỗn loạn, mất kiểm soát và thiếu hiệu quả từ cơ quan an ninh.
Hiện trường sự việc
Việt Nam lâu nay thường bị báo chí nước ngoài từ các nước phát triển đánh giá là kém văn minh hơn, lộn xộn, thiếu tổ chức. Thể hiện qua việc giao thông đường phố Việt Nam hơi “bát nháo”, quy hoạch đô thị chưa hoàn thiện. Nhưng có một thực tế là ở Việt Nam gần như chưa bao giờ có các vụ xô đạp nhau mà dẫn đến thảm kịch, dù chúng ta có dân số đông gần gấp đôi Hàn Quốc, mật độ dân số ở các thành phố rất cao và người dân cũng có thói quen thích tụ tập mỗi khi có lễ hội. Liệu điều này có thể lý giải rằng lực lượng an ninh Việt Nam làm việc hiệu quả hơn, hay người Việt Nam tuy bề ngoài “bát nháo” nhưng trong vô thức thường tuân thủ những quy tắc cộng đồng tốt hơn?
Nếu phân tích sâu các vụ thảm kịch đám đông có thể thấy cơ chế kiểm soát rất quan trọng. Một đám đông bị dồn (hay tự dồn) vào một không gian quá hẹp và sau đó bị kích thích cao độ (có thể là do cảnh sát hay do yếu tố lễ hội) sẽ xảy ra sự mất kiểm soát tâm lý tập thể. Hậu quả xảy ra là mạnh ai nấy tìm đường thoát thân, không quan tâm đến người khác. Điều này có thể tránh được nếu lực lượng an ninh sâu sát, kịp thời, sớm phát hiện ra những điểm nóng nhiều nguy cơ.
Lực lượng chức năng Việt Nam luôn được bố trí tối đa, kịp thời hỗ trợ người yếu thế trong lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ
Dù sao, thảm kịch xảy ra là một điều rất đáng tiếc cho đất nước Hàn Quốc, và các cơ quan chức năng nước này sẽ phải điều tra kỹ lưỡng để có thêm kinh nghiệm dự phòng cho những tình huống về sau. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới chắc chắn cũng phải nhìn tình huống từ Hàn Quốc để rút ra những bài học cho chính mình. Nhiều người Việt khi nhìn lại cũng có thể thấy Việt Nam ngoài việc chưa bao giờ xảy ra những thảm kịch như vậy thì còn là một quốc gia được đánh giá cao về khía cạnh ổn định chính trị và an ninh trật tự xã hội rất tốt. Bất chấp việc chưa phải là một quốc gia phát triển, có vẻ như thể chế chính trị và xã hội của Việt Nam vẫn có rất nhiều ưu điểm.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò