Friday, October 11, 2024

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏ

Tháng 9 năm ngoái, với tiểu thuyết Thị Lộ chính danh, nhà văn vùng mỏ Võ Khắc Nghiêm đã mở cánh cửa ra khu vực Đông Nam Á bằng Giải thưởng Văn học ASEAN.

Tôi còn nợ anh một bài viết về sự kiện này thì đột ngột nghe tin anh phiêu du miền mây trắng lúc 10h35 ngày 29/9, gửi lại cõi tạm tuổi 81 (1942-2022) trong nỗi thương tiếc của gia đình, đồng nghiệp, công chúng yêu văn học, sân khấu và điện ảnh…

Tên tuổi nhà văn Võ Khắc Nghiêm vốn rất quen thuộc với người dân vùng mỏ Quảng Ninh. Ngày đó, là giáo viên dạy văn ở TP Hạ Long, tôi đã dự định mời nhà văn Võ Khắc Nghiêm nói chuyện chuyên đề tác phẩm Vùng mỏ (Võ Huy Tâm) cho học sinh trung học… Nhưng cho đến năm 1996, tôi mới có cơ hội gặp tác giả Mảnh đời của Huệ, Nhân danh công lý… nhưng không phải ở Quảng Ninh mà giữa Thủ đô khi anh đã “xê dịch” về Hà Nội làm Phó Tổng biên tập tạp chí Than (nay là tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam). Câu nói động viên khuyến khích “Em viết đi! Văn chương ma mị lắm. Cuộc đời mỗi người là cuốn tiểu thuyết chưa viết” của anh đã đi theo tôi hơn 1/4 thế kỷ…

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏNhà văn Võ Khắc Nghiêm

Trưởng thành từ vùng than

Sinh ngày 10/10/1942 tại Nha Trang,học khóa đầu tiên trường Trung cấp Cơ điện Mỏ (1959-1962), Võ Khắc Nghiêm đã gắn bó với vùng than Quảng Ninh từ đó. Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành ở vùng mỏ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, anh viết nhanh, viết đều, viết khỏe, viết được nhiều thể loại với trên 20 tiểu thuyết, tập truyện ngắn; hàng chục kịch bản sân khấu – phim (điện ảnh, truyền hình); hàng trăm phim tài liệu phóng sự; hàng ngàn bài báo…

Vùng than đã tôi luyện, rèn giũa làm nên một Võ Khắc Khiêm nhà báo bản lĩnh, nhà văn nặng lòng với tiểu thuyết, nhà viết kịch dũng cảm dấn thân, xung trận vào mọi tầng vỉa để khai thác, khám phá đến tận cùng chiều sâu nguồn mạch.

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏTiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”

Lòng biết ơn với Quảng Ninh không bao giờ vơi cạn và điều đó đã được anh khẳng định một cách tự hào: “Tôi là một công nhân trưởng thành từ đất mỏ và trở thành nhà văn. Tất cả những gì tôi có được hôm nay đều bắt đầu từ miền Đông Bắc Tổ quốc – nơi thiên nhiên tạo hóa ưu đãi ban cho một Việt Nam thu nhỏ – nơi vừa có cái thô tháp của than, lại vừa có vị mặn mòi của biển – nơi có giai cấp công nhân kỷ luật – đồng tâm. Chất liệu vùng mỏ đậm đến mức tất cả những gì tôi viết ra đều châu tuần quanh mảnh đất này. Tôi viết vì muốn tri ân những người thợ mỏ đã cưu mang tôi, nâng đỡ tôi… Huyết thống, Mảnh đời của Huệ, Kỷ niệm đồi trăng, Chiều sâu ngược sáng… là để tri ân với người thợ mỏ”.

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏTiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ”

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với vùng mỏ, Võ Khắc Nghiêm cứ lặng lẽ quan sát, lặng lẽ tích lũy để rồi sở hữu một “mỏ quặng” khổng lồ ngồn ngộn chất liệu hiện thực. Nhận thấy sự vào cuộc thời hội nhập rất nhanhtrong văn chương của Võ Khắc Nghiêm, nhà văn Trần Huy Quang cho rằng: “Đây là văn chương nhập cuộc, chất liệu là của cuộc đời trần thế hôm nay mang hơi thở nóng hổi của những bức xúc thời cuộc cũng của hôm nay”.

Trong các tác phẩm của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, hình ảnh người lao động, đặc biệt là người công nhân mỏ hiện lên chân thật, mộc mạc, giản dị, ấm áp tình người, nồng nàn chất lửa, không kém phần lãng mạn, trữ tình. Nhân vật của anh đặt trong mọi hoàn cảnh, dẫu bị xô đẩy nhưng luôn bản lĩnh, giàu cá tính, ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn, rạng rỡ chất “vàng đen” lấp lánh. Bạn đọc ấn tượng với các nhân vật trong tác phẩm của anh, như: Huệ, Tập, Phúc… trong Mảnh đời của Huệ; cô công nhân Kiều Oanh, anh lái máy xúc Quang Hòa trong Kỷ niệm đồi trăng; nhân vật Tầm, Bê… trong Huyết thống…

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏDiễn viên Hồ Phong và Thu Hiền trong phim “Mảnh đời của Huệ” (Ảnh chụp từ bộ phim)

Sự cộng hưởng với điện ảnh

Sự kết hợp “nhiều trong một”: văn chương – điện ảnh – sân khấu đã tạo nên nét riêng và cũng là thế mạnh làm nên phong cách của Võ Khắc Nghiêm. Những tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ, Kỷ niệm đồi trăng, Tìm lại chính mình, Khát vọng xanh, Chân dung tình yêu… được dựng thành phim đã cho thấy sự “cộng hưởng” khéo léo đó.

2 tập tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ hoàn thành trong 2 năm (1992 – 1993). 4 năm sau (1997), Mảnh đời của Huệ đã được nhà văn – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên do đạo diễn Phi Tiến Sơn dàn dựng, Khải Hưng biên tập, phát sóng trên VTV3 trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật. Ngoài nhân vật chính Huệ (Thu Hiền đóng) là một dàn diễn viên nổi tiếng làm nên sức hút của bộ phim, đó là: Văn Hiệp, Tùng Dương, Đường Minh Giang, Kim Xuyến, Hoàng Thắng, Trần Tường, Tuyết Liên, Hồ Tháp, Hồ Phong… Trong đó, Bác sĩ Hoa súng Hoàng Nhuận Cầm đảm nhận vai Nghênh hài hước rất ấn tượng.

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏNghệ sĩ Phương Thanh và Anh Dũng nên duyên vợ chồng từ bộ phim “Kỷ niệm đồi trăng”

Phim Kỷ niệm đồi trăng lấy bối cảnh vùng mỏ Quảng Ninh những năm đổi mới. Cô công nhân Kiều Oanh (Phương Thanh đóng) xinh đẹp, trong sáng, mơ mộng. Còn anh công nhân lái máy xúc Lê Quang Hòa (nghệ sĩ Anh Dũng đóng) yêu văn nghệ, thích sáng tác, chơi guitar giỏi… Bộ phim là một bản tình ca đẹp của những người công nhân mỏ và cũng là sự kiện đánh dấu tình yêu của cặp trai tài, gái sắc NSƯT Anh Dũng – NSND Phương Thanh…

Giải thưởng

Năm 2017, nhà văn Võ Khắc Nghiêm vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm: Tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ và tiểu thuyết Mạnh hơn công lý.

Trước đó, anh từng đoạt giải A văn học công nhân (1990 – 1995) cho tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ. Giải B “Vì bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức (1998 – 2002). Giải A giải thưởng Văn học công nhân (1999 – 2009) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức cho tiểu thuyết Huyết thống (2010). Giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2015 – 2021).3 giải A Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long.

Kịch tác gia “Nhân danh công lý”

Ngoài tiểu thuyết, Võ Khắc Nghiêm còn là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu như: Nhân danh công lý, Bi kịch ngược chiều, Tình yêu hai quá khứ, Bỉ vỏ, Quy luật muôn đời… Trong đó, vở Nhân danh công lý lần đầu xuất hiện tạị Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1984 cùng các vở diễn về đề tài chống tiêu cực đã tạo nên một “cơn địa chấn”, làm rung chuyển sân khấu kịch nói nước nhà.

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏVở cải lương “Nhân danh công lý” được Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng năm 2020

Nhân danh công lý có sức sống thật bền bỉ không chỉ “nóng” ở thời điểm đó mà đến hôm nay vẫn nguyên tính thời sự. Từ vở diễn đầu tiên của cặp tác giả Võ Khắc Nghiêm – Doãn Hoàng Giang đoạt HCV Liên hoan Sân khấu toàn quốc năm 1985, Nhân danh công lý đã được nhiều đơn vị nghệ thuật chọn dựng vở với hàng ngàn buổi diễn khắp cả nước.

Không chỉ kịch nói, Nhân danh công lý còn được dựng cho các loại hình khác.Kể từ khi ra đời, Nhân danh công lý vẫn vẹn nguyên tính thời sự, sự ám ảnh về đề tài chống tham nhũng. Theo nhà văn Nguyễn Đức Huệ, Nhân danh công lý có “cái nguyên gốc của tác phẩm với sự bứt phá mãnh liệt như một thùng thuốc nổ mở tung những tầng lò lộ thiên kia, để rồi sau đó tạo nên một khoảng lặng đến gai người và phải là Võ Khắc Nghiêm mới có”.

Năm 2020, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dựng Nhân danh công lý (chuyển thể: NSƯT Quế Anh, đạo diễn Phan Quốc Kiệt) đoạt HCV tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Nhà viết kịch Võ Khắc Nghiêm đi đến tận cùng sự khốc liệt để tìm “cái thanh âm khác lạ đằng sau những trang viết”. Nhà văn cho nhân vật của mình là một lãnh đạo bước lên sân khấu nói trong nỗi tuyệt vọng: “Đến vợ con mình mà tôi không bảo được thì tôi còn lãnh đạo ai?” là chi tiết ám ảnh mang thông điệp lớn, đáng suy ngẫm khi cánh màn nhung khép lại…

Mới đây thôi còn nghe nói anh đang chuẩn bị cho tiểu thuyết Tà khí & Khí thiêng như một thử nghiệm mới với chất liệu hiện thực, hiện sinh, pha chút huyền ảo. Vậy mà… Xin vĩnh biệt anh!

Tác phẩm chính của Võ Khắc Nghiêm

– Tập truyện ngắn: Xung đột âm thầm (1986), Phúc họa đời người (2004);

– Tiểu thuyết: 16 tấn vàng (1989), Đại dương trong mắt em (1990), Người cha Tội lỗi (1990), Người tình 15 năm (1990), Cướp ngày (1989), Mảnh đời của Huệ (1992), Giới hạn của hạnh phúc (1997), Chân dung tình yêu (1997), Mạnh hơn công lý (2000), Huyết thống (2004), Chiều sâu ngược sáng, Điếm quan (2010), Thị Lộ chính danh (2015)…

– Kịch bản sân khấu: Nhân danh công lý (1985), Bi kịch ngược chiều (1988), Quy luật muôn đời (1991), Bỉ vỏ (1990), Tình yêu hai quá khứ (1990), Huyết thống (2004).

– Kịch bản phim: Mảnh đời của Huệ, Nỗi cô đơn huy hoàng Trăng lạnh Hạ Long.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng (TTVH)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG