Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hoá. Có cái thì biến hóa tiến bộ lên, tức là phát triển; có cái thì biến hóa lạc hậu đi, tức là suy thoái”. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người mong rằng “bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các ủy ban nhân dân bây giờ”.
Song, thực tế, khi chính quyền về tay nhân dân, một số “căn bệnh” của quan lại phong kiến vẫn nhiễm vào đầu óc không ít cán bộ, đảng viên và trở thành “khuyết điểm to”. Đó là “khuynh hướng chật hẹp và bao biện”, “lạm dụng hình phạt”, “hủ hóa”, “kéo bè kéo cánh”, “kiêu ngạo”… Những khuyết điểm đó tiếp tục được Người chỉ rõ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những khuyết điểm phát triển thành “căn bệnh rất nguy hiểm” mà cán bộ, đảng viên mắc phải, đó là: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa”. “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải sửa chữa hết những chứng bệnh đó”. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người tiếp tục cảnh báo: “Còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn rất kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem kinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Những “căn bệnh” mà Người cảnh báo chính là bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Nhận diện đúng căn bệnh “nan y” này, thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân và toàn dân đã vào cuộc, cùng “chữa trị” căn bệnh này bằng liều thuốc – ý chí, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, hy vọng từng bước đẩy lùi căn bệnh suy thoái để góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII đi đến thành công, theo đúng phương châm “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”.
Bệnh suy thoái là sự giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động về chính trị, sa sút phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khác với những băn khoăn, lo lắng, bức xúc, có lúc thiếu lòng tin; khác với vi phạm một số khuyết điểm, chấp hành không nghiêm một số quy định của Hiến pháp, pháp luật. Đối với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, từ suy thoái về mặt này dẫn đến hay tất yếu sẽ kéo theo sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên và làm hỏng mọi việc của cá nhân và tổ chức của họ. Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện tính chất, mức độ khác nhau, diễn ra ở các đối tượng khác nhau, từ đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý – đảng viên thường, đến đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cán bộ cao cấp. Vấn đề đặt ra cấp bách là cần nhận diện đúng sự suy thoái đang diễn ra ở những đối tượng nào? Có thể chia thành hai nhóm đối tượng: sự suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp và sự suy thoái của bộ phận đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền.
Sự suy thoái của nhóm cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao, kể cả cấp Trung ương. Nhóm này có nguy cơ suy thoái cao và có nguy hại lớn, vì sự liên quan lớn hơn đến quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội của họ. Sự suy thoái của bộ phận đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền. Đảng viên không giữ cương vị chức trách trong Đảng và chính quyền là những đảng viên chưa hoặc không được giao các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, chỉ chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ đảng viên. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị của nhóm đối tượng này là thiếu niềm tin vào các cấp, nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không làm tròn nhiệm vụ người đảng viên. Trong công tác, có đảng viên không chấp hành nghiêm luật pháp, lợi dụng hoặc cố ý làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để làm giàu bất chính; không biết hoặc không dám đấu tranh, rất hay ngộ nhận và phụ họa theo những nhận thức, hành động tiêu cực, tư tưởng sai trái, quan điểm lệch lạc; phát ngôn sai với đường lối, quan điểm của Đảng; không làm chủ được bản thân, rất dễ bị kích động, thậm chí có người ý thức chính trị kém, bị kẻ địch lợi dụng lôi kéo.
Trong thực tiễn quá trình lãnh đạo của Đảng, từ nhận diện đúng, trúng để tìm ra liệu pháp khắc phục! Bằng ý chí, trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, Đảng ta đã nhận diện đúng những kẻ địch đang cản trở xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng chỉ rõ hiệu pháp để khắc phục, ngăn chặn, từng bước “tiêu diệt” tận gốc căn bệnh suy thoái. Liệu pháp hữu hiệu nhất mà Đảng, Nhà nước và Nhân ta đã và đang thực hiện, đó là bằng ý chí, quyết tâm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu, giữ cương vị trọng trách, cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian qua, Đảng ta không chỉ ban hành nhiều nghị quyết, các cuộc vận động mà còn bằng việc làm cụ thể thiết thực đã từng bước đẩy lùi, ngăn chặn con “vi rút” suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, đảng viên ở vị trí lãnh đạo cấp cao nói riêng. Điều đó đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ, “ý Đảng hợp với lòng dân” tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn – nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Song trớ trêu thay, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội không thấy rõ điều đó, mà còn lợi dụng vấn đề này để chống phá sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước của nhân dân ta. Chúng suy diễn rằng, có sự “bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động về chính trị, sa sút phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống” của lãnh đạo, chính quyền các cấp nên nó mới lộng hành như vậy. Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, chúng còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.
Mục đích trên của chúng nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo “hoài nghi” về quyết tâm chống căn bệnh suy thoái của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội. Đi đôi với luận điệu xuyên tạc trên của các nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền” là những lời hô hào, xúi giục nhân dân “đoàn kết”, “đứng lên đấu tranh đòi tự do, dân chủ”; kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi: “Cương lĩnh”, “thể chế chính trị”, “mô hình lãnh đạo”, thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, v.v.
Như vậy đã rõ, các tổ chức hội, nhóm, cá nhân trên đang cố tình muốn sử dụng vấn đề chống căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng ở Việt Nam làm “công cụ”, “ngọn cờ tiên phong” để thực hiện ý đồ xấu, chống phá Việt Nam. Thực chất, đó chỉ là những tổ chức, cá nhân có quan điểm, tư tưởng phiến diện, lệch lạc được các thế lực thù địch, phản động “hậu thuẫn”, cổ vũ, đội lốt “trách nhiệm” với “vận mệnh” của dân tộc, của đất nước để chống lại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta hiện nay. Đây rõ ràng là chiêu trò, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm gây “nhiễu loạn” chính trị – xã hội, nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đảng, Nhà nước ta không phủ nhận căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng đã và đang tồn tại ở Việt Nam; là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với xã hội, trực tiếp phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, bệnh suy thoái đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội,… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân, làm sai lệch các chủ trương, chính sách của Đảng, dẫn đến nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Để ngăn chặn bệnh suy thoái, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các biểu hiện suy thoái; kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng,… ra khỏi đời sống xã hội, không để cản trở công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực tế trên là bằng chứng xác thực nhất bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, chủ quan, lệch lạc, thù địch đang cố tình lợi dụng vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng, để thực hiện mục đích, ý đồ xấu.
VĂN TƯ
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: