Tuesday, December 3, 2024

Cần cơ chế tự thỏa thuận khi chuyển nhượng đất xây nhà ở thương mại

Theo Ủy ban Kinh tế, dự án đô thị, nhà ở thương mại chủ yếu phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, nên cần áp dụng cơ chế tự thỏa thuận chuyển nhượng đất.

Dự thảo lần hai Luật Đất đai sửa đổi đề xuất Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có dự án khu đô thị, nhà ở thương mại. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận chuyển nhượng đất để xây khu đô thị, nhà ở thương mại sẽ phát sinh hàng loạt bất cập. Trước hết, cơ chế này thúc đẩy thị trường nhà ở, kéo theo việc dành nguồn lực đất nước cho nhà ở, giải quyết nhu cầu ở mà không tập trung vốn sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải, hàng hóa cho đất nước.

Phương án này còn tăng trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ thỏa thuận thực hiện dự án đô thị như giải quyết công ăn việc làm cho bộ phận lớn nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp làm đô thị nhưng không kịp chuyển đổi nghề nghiệp; phát sinh các vấn đề hạ tầng xã hội, khoảng cách giàu nghèo…

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự luật là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cơ chế doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận khi chuyển nhượng đất để đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại là phù hợp cả về cơ sở chính trị và thực tiễn. Nghị quyết 18 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương về chính sách đất đai nêu nhiệm vụ “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.

Trung ương cũng yêu cầu, với các dự án phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Mặt khác, các dự án đô thị, nhà ở thương mại chủ yếu phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, việc áp dụng cơ chế tự thỏa thuận chuyển nhượng đất sẽ tôn trọng quan hệ dân sự giữa người sử dụng đất và doanh nghiệp.

Cần cơ chế tự thỏa thuận khi chuyển nhượng đất xây nhà ở thương mại

Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội bỏ hoang nhiều năm, tháng 8/2018. Ảnh: Giang Huy

Theo Ủy ban Kinh tế, dự thảo luật xác định trường hợp xây nhà ở thương mại, khu đô thị phải thu hồi và thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, mà không có cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp là chưa phù hợp với Nghị quyết 18.

Luật Đất đai 2013 quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Như vậy, phương án thu hồi đất để làm các dự án đô thị, nhà ở thương mại, theo dự thảo lần này “thay đổi hoàn toàn chính sách của luật hiện hành, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của người dân trong toàn xã hội nhưng chưa có đánh giá tác động chính sách đầy đủ, toàn diện”.

Thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế, là cần phải áp dụng cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 18 nêu chủ trương chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chứ không phải tất cả đều phải thông qua đấu giá, đấu thầu. Vì vậy, bà nghiêng về phương án tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp khi xây khu đô thị.

Tuy nhiên, bà đề nghị tổng kết cơ chế thỏa thuận đã thực hiện thời gian qua, từ đó quy định dự thảo luật chặt chẽ, đảm bảo công bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đồng tình tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Theo ông cường, thực hiện cơ chế tự thỏa thuận sẽ khó cho doanh nghiệp, nhưng tạo ổn định xã hội. Người dân đạt được sự đồng thuận thì sẽ không có khiếu kiện đông người, vượt cấp. “Nghị quyết 18 đã nêu rõ thì cần quy định vào luật, không nên bỏ ý này trong dự thảo”, ông Cường nói.

Đầu tháng 9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo Quốc hội tờ trình tóm tắt dự Luật Đất đai sửa đổi. Chính phủ cho biết, đa số ý kiến thống nhất không quy định nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Điều này nhằm thể chế Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương là thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Viết Tuân (VnEXpress)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG