Friday, October 11, 2024

Sự độc đáo trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khi quyền con người, quyền bình đẳng giữa các dân tộc là chỉ số quan trọng về trạng thái văn minh của nhân loại thì Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy lịch sử nhân loại tiến lên.

Cách đây 77 năm, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tới nay, chúng ta vẫn thấy áng văn lập quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm độc đáo, sáng tạo.

Sự độc đáo trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945 – T.L

Đặc biệt trong hoàn cảnh ra đời

Dọc theo chiều dài lịch sử, những bậc tiên hiền đã để lại nhiều kiệt tác mang tầm vóc và ý nghĩa của bản tuyên ngôn độc lập như Nam quốc sơn hà (năm 1077) và Bình Ngô đại cáo (năm 1428) nhưng phải đến năm 1945, một tác phẩm chính danh là Tuyên ngôn độc lập mới được Hồ Chí Minh soạn thảo. Do tính chất thời đại, bản Tuyên ngôn độc lập có đối tượng hướng tới rất rộng rãi: Toàn thể nhân dân Việt Nam và mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các nước lớn và các thế lực đang lăm le cướp đi nền độc lập vừa giành được của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định: Đây là tuyên bố ngoại giao đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự đặc biệt của Tuyên ngôn độc lập còn nằm ở tình cảm, tâm trạng của người viết. Là nhà thơ, nhà văn, nhà báo lão luyện với hàng ngàn trang viết nhưng lần này, Hồ Chí Minh đã “không giấu nổi sự sung sướng” khi được thảo áng văn lập quốc ở mảnh đất Thăng Long. Chứa đựng trong đó là niềm hạnh phúc vô hạn của người đứng đầu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nay đã thành công và của nhà tư tưởng được đúc kết thành lời những quan điểm của mình về nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc. Giấc mơ thường trực về cảnh tượng “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” của Người đã tạo nên cảm xúc mãnh liệt nơi ngòi bút.

Quá trình soạn thảo Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh cũng hết sức đặc biệt: Suy ngẫm, “hoài thai” rất lâu mà viết lại rất nhanh. Là người có niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng và có khả năng dự đoán tương lai, trong hơn 3 thập niên hoạt động cứu nước, chắc chắn Hồ Chí Minh đã nhiều lần suy ngẫm về thời khắc thiêng liêng này. Trên thực tế, Người chính thức soạn thảo Tuyên ngôn độc lập từ ngày 28.8.1945 – sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập và Người được bầu làm chủ tịch. Điều kiện lịch sử phức tạp đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng tuyên bố về nền độc lập của mình trước khi quân Đồng minh đổ bộ vào tước vũ khí của Nhật. Do suy ngẫm từ lâu nên dù viết trong thời gian ngắn, từng ý tứ, câu chữ trong Tuyên ngôn độc lập vẫn đạt “độ chín” cả về tư tưởng lẫn thủ pháp nghệ thuật.

Tính tiên phong của nhà tư tưởng tầm cỡ

Là áng văn lập quốc, Tuyên ngôn độc lập chứa đựng nhiều thông điệp quan trọng nhưng tất cả đều xoay quanh trục duy nhất: Nền độc lập chính đáng, không thể bác bỏ của dân tộc Việt Nam. Với tầm nhìn của một chính khách lão luyện, Hồ Chí Minh hiểu rằng: Con đường đi đến độc lập – tự do đã đầy máu và nước mắt nhưng làm cho các nước khác, nhất là các nước lớn, thừa nhận và tôn trọng nền độc lập đó, cũng hết sức khó khăn. Vì thế, trong Tuyên ngôn độc lập, điều quan trọng nhất là Hồ Chí Minh phải đưa ra cơ sở pháp lý về quyền độc lập của Việt Nam.

Người đã mở đầu áng văn lập quốc bằng những câu trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp về quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người. Từ đó, Người nâng quyền con người đã được thừa nhận trong xã hội phương Tây thành quyền dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bằng cách suy rộng ra, Hồ Chí Minh gián tiếp khẳng định trong thời đại chống đế quốc, thực dân, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là cuộc đấu tranh chính nghĩa. Giá trị thời đại của bản tuyên ngôn nằm ở đó.

Sự “suy rộng ra” của Hồ Chí Minh ở thời điểm năm 1945 còn thể hiện tính tiên phong của một nhà tư tưởng tầm cỡ vì lúc này, quyền dân tộc chưa được các công ước quốc tế đề cập. Phải hơn 20 năm sau, vào năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mới khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết” và gần 50 năm sau, Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động năm 1993 của Liên Hiệp Quốc mới ghi rõ: “Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền”.

Sự “suy rộng ra” của Hồ Chí Minh còn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu văn hóa phương Tây đề cao con người cá nhân thì văn hóa phương Đông đề cao con người cộng đồng. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã lấy dân tộc làm bản thể, thay vì lấy cá nhân làm bản thể. Quan điểm của Người đã thể hiện truyền thống văn hóa phương Đông: Quyền lợi cá nhân phải gắn kết và đặt dưới quyền lợi cộng đồng, dân tộc.

Khi quyền con người, quyền bình đẳng giữa các dân tộc là chỉ số quan trọng về trạng thái văn minh của nhân loại thì Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy lịch sử nhân loại tiến lên.

Sự độc đáo trong hình thức thể hiện

Là tác phẩm ra đời giữa thế kỷ 20, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại.

Trong lịch sử nước ta, các tác phẩm mang tầm vóc và ý nghĩa của bản tuyên ngôn độc lập như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo đều được viết bằng tiếng Hán. Hồ Chí Minh là người đầu tiên viết Tuyên ngôn độc lập bằng tiếng Việt. Xác định rõ câu hỏi “viết cho ai”, từ ngữ, hình ảnh trong bản tuyên ngôn đều thuần Việt, giản dị và dễ hiểu đối với đông đảo quần chúng.

Không dừng lại ở cương vực dân tộc, Tuyên ngôn độc lập còn có đích đến là đông đảo các quốc gia trên thế giới nên cách lập luận và hành văn cũng rất hiện đại. Chỉ vẻn vẹn hơn một nghìn chữ, bản Tuyên ngôn độc lập có sức mạnh của lẽ phải, phù hợp với lối tư duy “duy lý” của người phương Tây. Để khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đưa ra căn cứ pháp lý là những định đề mang tính chân lý trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp về quyền tự do của con người. Bằng phương pháp “dùng gậy ông đập lưng ông”, Hồ Chí Minh vừa đẩy đối phương vào thế khó phản bác, vừa tranh thủ được sự đồng tình rộng rãi của dư luận thế giới.

Sự độc đáo trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh nằm ở cách Người thể hiện văn bản. 77 năm đã trôi qua nhưng không ai có thể quên chi tiết: Sau khi đọc xong đoạn mở đầu của tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?” Câu hỏi bật ra hết sức tự nhiên từ trái tim của con người hết lòng trọng dân và yêu dân chứ không phải là “thủ pháp” nằm sẵn trong kịch bản của một nhà hùng biện đại tài nhằm thu phục nhân tâm.

Trong dòng chảy bất tận của thời gian và sự bùng nổ thông tin của xã hội hiện đại, dấu ấn của sự kiện, của con người dường như trở nên rất mong manh. Vì thế, sức sống trường tồn của bản tuyên ngôn độc lập cũng là điều rất đặc biệt. TS Modagat Ahmed, nguyên Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã có nhận định sâu sắc: “Có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống, và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”.

PGS-TS Trần Thị Minh Tuyết (Học viện Báo chí – Tuyên truyền)

Theo  Thanh niên

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG