Như thông lệ, trước mỗi sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực phản động, thù địch lại tìm cách tuyên truyền, chống phá bằng các luận điệu xuyên tạc trắng trợn. Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (2018-2023) cũng không nằm ngoài mục tiêu chống phá của các thế lực đó. Đối tượng mà chúng nhắm đến là giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.
Các thế lực chống phá Việt Nam, cả ở nước ngoài và trong nước, dưới danh nghĩa những nhà “dân chủ”, đã liên tục có các bài viết, hội thảo để vu khống về thực trạng công nhân Việt Nam. Chúng đã quy chụp, xuyên tạc rằng: Công nhân lao động ở Việt Nam đang không có tiếng nói của mình, bị chèn ép, bóc lột; công đoàn trong nước, cao nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không làm được vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân…Chỉ cần nghe qua về sự đặt điều ấy, chúng ta đều đã hiểu rằng, thứ mà các thế lực thù địch chống phá đang xuyên tạc không hề có cơ sở logic. Bởi vì, đối với giai cấp công nhân, từ trước tới nay, Đảng ta luôn coi đây là lực lượng tiền phong, là cơ sở xã hội – giai cấp, là nguồn bổ sung lực lượng của mình. Giữa đảng với giai cấp công nhân có mối liên hệ hữu cơ, không thể tách rời. Ngay cả trong Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, năm 1992 sửa đổi cũng đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…”. Do đó, việc chúng cho rằng Đảng, Nhà nước ta “bỏ rơi”, chèn ép, bóc lột…giai cấp công nhân, đó thực sự là điều…không tưởng, bởi, chẳng tổ chức nào lại ứng xử như vậy với lực lượng tiên phong của mình cả. Nhất là đối với Đảng ta, suốt quá trình từ khi thành lập đến nay, luôn gắn bó mật thiết, là đại biểu trung thành nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam! Với mối quan hệ đặc biệt đó, nếu Đảng ta không lắng nghe tiếng nói của giai cấp công nhân, không quan tâm đến đời sống công nhân lao động, liệu Đảng có tồn tại và phát triển, lớn mạnh được như ngày hôm nay?
Các thế lực thù địch không chỉ xuyên tạc trắng trợn vai trò, vị thế của giai cấp công nhân ở Việt Nam, chúng còn coi nhẹ, thậm chí hạ bệ vai trò của tổ chức công đoàn các cấp, lực lượng đại diện của giai cấp công nhân. Chúng cho rằng, tổ chức công đoàn các cấp “thực chất là cánh tay nối dài của Đảng, nói tiếng nói của Đảng, không đứng về phía công nhân”. Quả thực, không hiểu chúng dựa trên cơ sở nào, nhưng chỉ cần đưa một vài con số ra để phân tích, có thể cho ta thấy, đây là nhận định hoàn toàn thiếu cơ sở thực tiễn. Theo số liệu từ 2015, nước ta có khoảng hơn 10 triệu công nhân, hoạt động trong tất cả các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Trong đó, có hơn 2 triệu công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước, khoảng 7,8 triệu công nhân trong thành phần kinh tế tư nhân và 1,7 triệu công nhân trong thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn vào số liệu này, dễ dàng thấy, số lượng công nhân hoạt động trong thành phần kinh tế nhà nước chỉ chiếm con số 1/5 so với các lực lượng khác. Chưa kể, hiện nay, trong số các doanh nghiệp nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chuyển đổi hình thức hoạt động theo dạng liên doanh, liên kết, nhà nước chỉ giữ vốn chi phối. Hầu hết các doanh nghiệp này đều có tổ chức công đoàn, được chính những người công nhân tổ chức bầu chọn để làm đại diện cho mình. Cho nên, việc tuyên bố tổ chức công đoàn bị lệ thuộc, là cánh tay nối dài của Đảng là hoàn toàn không có cơ sở, thậm chí là vu khống, chụp mũ. Đầu tháng 10 /2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kiến nghị gửi Chính phủ, bày tỏ quan điểm không nhất trí với phương án tăng lương mà các Bộ chức năng đưa ra, đề nghị Chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng thêm đạt tỉ lệ 12,4%. Sự kiện này chính là một minh chứng rõ nét, một biểu hiện tiêu biểu nhất khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn với giai cấp công nhân. Nếu không vì lợi quyền của công nhân, nếu chỉ “nói tiếng nói của Đảng”, chắc chắn, đại diện của công nhân Việt Nam đã không có đề nghị quyết liệt, dứt khoát, tâm huyết đến vậy?!
Với mưu đồ tìm mọi cách để chống phá đất nước, bêu xấu chế độ, dường như, các thế lực phản động đã bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí, chúng sẵn sàng “tự mình vả vào miệng mình”, chúng mạnh miệng khiêu khích trên các đài báo nước ngoài, các trang phản động rằng, chúng ta không dám ký các cam kết về lao động, trong đó có các điều khoản nhất trí cho công nhân được tự do lập hội. Nhưng thực tế chứng minh, từ năm 1998, Việt Nam chúng ta đã ký kết tham gia Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với 4 nhóm tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, trong đó, có nhóm tiêu chuẩn đầu tiên là: Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể. Vì vậy, thông tin đó là sự đặt điều trắng trợn và hết sức lố bịch.
Điều đáng lưu tâm là, song song với việc đưa ra các luận điệu xuyên tạc, các thế lực chống phá liên tục viết bài, kêu gọi nhằm hướng dư luận trong nước đến với cái chúng dày công xây dựng, đó là tổ chức “Công đoàn độc lập Việt Nam”. Tổ chức này đã được thành lập, hoạt động ráo riết tại Việt Nam và nước ngoài (chủ yếu ở Ba Lan). Tên gọi này được dùng gắn với sự kiện một nhóm công nhân nhà máy đóng tàu Gdansk tại Ba Lan (những năm 1980) đã đứng dậy tổ chức lập hội “Công đoàn đoàn kết độc lập”, sau đó, tập hợp đông đảo công nhân cùng các giai cấp khác liên tục đấu tranh chính trị, lật đổ Đảng Cộng sản cầm quyền. Đến đây, có thể hiểu, mục đích cuối cùng của chúng chính là hướng công nhân, lao động Việt Nam tham gia cái tổ chức “Công đoàn độc lập” kể trên để sau đó tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xúi giục, hòng làm nên một cuộc lật đổ chế độ theo mô hình của “Công đoàn Độc lập Ba Lan” trước đây. Tham gia điều hành cái gọi là tổ chức “Công đoàn độc lập” Việt Nam này chủ yếu là các nhà “dân chủ” tự xưng, mục tiêu hoạt động là chống phá cách mạng, nói xấu chế độ, xuyên tạc sự thật lịch sử. Chúng hoạt động bằng nguồn trợ cấp của các tổ chức phản động, các thế lực thù địch ở nước ngoài. Hầu hết lãnh đạo cái gọi là “Công đoàn độc lập” này là những đối tượng đã có tiền án, tiền sự về tội phản động, chống phá nhà nước, lợi dụng tự do dân chủ…Thử hỏi, với những kẻ “đầu trò” có lý lịch như vậy, chúng có thực sự quan tâm đến đời sống của giai cấp công nhân lao động Việt Nam thật sự? Hay đó chỉ là “cái vỏ” che đậy để chúng lợi dụng thực hiện mưu đồ xấu xa kia? Dù giọng điệu có thể lươn lẹo, xảo trá đến mức nào, tin chắc rằng, giai cấp công nhân Việt Nam, lực lượng có lịch sử lâu đời, với sứ mệnh thiêng liêng là lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, không thể tin và nghe theo được. Giai cấp công nhân Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã luôn chứng minh họ là lực lượng tiến bộ, tiền phong trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, họ luôn biết cần phải làm gì và tin vào lực lượng lãnh đạo nào. Chắc chắn, họ không thể chọn những kẻ chỉ biết nói những điều vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, thực tế không làm được điều gì dù là nhỏ nhất để cống hiến cho đất nước, xã hội.
Nghị quyết lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa X khẳng định: “Giai cấp công nhân đã đóng góp trực tiếp, to lớn vào quá trình phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới”. Tuy chỉ chiếm khoảng 1/4 lực lượng lao động, nhưng công nhân và công nghiệp Việt Nam vẫn là lực lượng sản xuất hàng đầu khi đang đóng góp khoảng ¾ GDP, hơn 60% ngân sách quốc gia và làm ra trên 60% sản phẩm công nghiệp cho xã hội. Công nhân Việt Nam chính là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là cơ sở xã hội chủ yếu nhất của Đảng và Nhà nước ta, là hạt nhân vững chắc trong liên minh công nhân – nông dân – trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ đang đi đầu trong xây dựng xã hội mới, nhất là trong việc xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội nhằm thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là bằng chứng chỉ rõ năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân nước ta, vai trò không có lực lượng xã hội nào có thể thay thế được. Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương khoá VII của Đảng ta, cũng đã chỉ rõ phương hướng xây dựng giai cấp công nhân nước ta trong giai đoạn hiện nay là: “…cần xây dựng giai cấp công nhân phát triển về số lượng, giác ngộ về giai cấp, vững vàng về chính trị, tư tưởng, có trình độ học vấn và tay nghề cao, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới, lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, vươn lên làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình“.
Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải thực sự quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển GCCN… Cần xây dựng chiến lược phát triển GCCN, có những chính sách, luật pháp, thể chế, biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ, cơ chế tạo động lực để phát triển GCCN… Có chính sách ưu đãi với công nhân giỏi, xây dựng và phát huy truyền thống GCCN, tôn vinh người thợ, nghề thợ để thu hút công nhân trẻ, khuyến khích công nhân học tập để nâng cao tay nghề. Nhà nước cần quan tâm đầu tư các nguồn lực để đào tạo nghề, mở mang các trường dạy nghề, gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và cơ sở sản xuất – kinh doanh. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách việc làm, bảo vệ việc làm cho công nhân, nâng cao thu nhập, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động, hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân, hoàn thiện chính sách nhà ở, các công trình phúc lợi cho công nhân. xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đồng thuận, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công trên cơ sở giải quyết hài hòa quyền và lợi ích các bên trong quan hệ lao động…
Với bề dày truyền thống, với sứ mệnh lịch sử lớn lao của mình, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chắc chắn, trong thời gian tới, giai cấp công nhân Việt Nam sẽ không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đó cũng chính là thực tiễn khách quan, minh chứng cụ thể nhất để bẻ gãy, đập tan mọi âm mưu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch với mưu đồ gây chia rẽ đoàn kết giữa các giai cấp, lực lượng, xóa bỏ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đình Đồng