Friday, October 4, 2024

“Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” và những lời tuyên truyền nhảm nhí của “Đức thầy Thiện Quang” Nguyễn Văn Bá

Bỏ tu hành, về nhà lập “đạo” riêng, tự phong là “Phật sống”, sau đó bỏ đi khỏi địa phương, lừa những người nhẹ dạ, cả tin theo “đạo” tự phong của Bá ở một số tỉnh, thành. Đó là việc làm sai trái của Nguyễn Văn Bá với danh xưng “Đức Thầy Thiện Quang” và tên gọi “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” do Nguyễn Văn Bá tự lập từ nhiều năm nay.

“Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” và những lời tuyên truyền nhảm nhí của “Đức thầy Thiện Quang” Nguyễn Văn Bá

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, hiện nay có khoảng trên 1.000 người ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương tham gia vào nhóm gọi là “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” của Nguyễn Văn Bá…

Những lời tuyên truyền nhảm nhí của Nguyễn Văn Bá

Nguyễn Văn Bá (sinh năm 1967) thuở đầu quy y tam bảo tại chùa Phước An, ấp 8, xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh và được trụ trì là Sư cô Thích Nữ Huệ Tịnh đặt pháp danh là Thiện Quang. Trong thời gian quy y, Nguyễn Văn Bá có nhiều biểu hiện sai trái khiến sư trụ trì không hài lòng. Năm 1992, Nguyễn Văn Bá về nhà tại ấp An Chánh, xã Tân Bình, huyện Càng Long và tự lập ra nhóm gọi là “Đức Phật Khùng”, tự xưng là “Đức Thầy Thiện Quang” (Đức Thiện Quang). Theo đó, Bá thường xuyên tụ tập đông người cả trong và ngoài tỉnh đến cúng vái, cầu nguyện. Hành vi của Nguyễn Văn Bá đã vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và đã bị chính quyền địa phương nhiều lần lập biên bản, giáo dục nhắc nhở nhưng Bá vẫn tái phạm.

Năm 2007, Nguyễn Văn Bá đổi tên “Đức Phật Khùng” thành “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật”, chủ yếu là “dựa hơi” đạo Bửu Sơn Kỳ Hương – đây là một tôn giáo có giáo lý, giáo luật và được Nhà nước công nhận. Việc làm này khiến nhiều người dễ nhầm lẫn giữa một tôn giáo chính thống và cái gọi là “đạo” do Bá tự lập ra và chưa được phép hoạt động để dễ bề lôi kéo người tham gia.

Không thực hiện theo đúng cam kết với chính quyền địa phương, Bá tiếp tục tụ tập nhiều người đến cầu nguyện, chữa bệnh với hình thức mê tín dị đoan như dùng “nước cúng” và ăn hoa quả để trị bệnh. Tài liệu mà Bá dùng để truyền “đạo” trái phép được Bá viết tay, photo thành nhiều bản và gọi là “sấm giảng” có tựa đề “Đức Phật Khùng”, những tài liệu này là do Bá tự biên soạn bằng cách vay mượn, cắt ghép giáo lý, giáo luật của nhiều đạo khác nhau như Phật Giáo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo thành những câu thơ, vè để người đọc dễ thuộc, nghe mùi tai và tin theo.

Bá truyền rằng nếu tu hành theo “đạo” của Bá thì sẽ sớm được giải thoát và thành Phật, khi có xảy ra thiên tai, dịch bệnh đều được Phật ra tay giúp đỡ. Những người tin theo “đạo” của Nguyễn Văn Bá hầu hết đều nghĩ rằng kinh sách của Bá giúp họ hướng đến điều tốt đẹp nhưng thực chất là hoàn toàn trái ngược. Trong tài liệu tự biên của Nguyễn Văn Bá có những nội dung rất nhảm nhí như khuyên người dân không làm vẫn có ăn, không cần trồng cấy vẫn có thóc lúa trong nhà… Công an tỉnh Trà Vinh đã gửi trưng cầu Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Trà Vinh để giám định nội dung 3 quyển “sấm giảng” của Nguyễn Văn Bá (Đức Thiện Quang).

Cuối năm 2007, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Trà Vinh có văn bản kết luận nêu rõ 3 quyển sách có tên “Khuyên đời tu niệm”, “Đức Phật Khùng” tập 1 và 2 do Nguyễn Văn Bá viết là mượn lời của giáo đạo khác để xây dựng thành lý lẽ giáo đạo cho bản thân. Văn bản cũng chỉ rõ nhân sinh quan, thế giới quan trong quyển sách trên là không khoa học, mục đích của Bá là đề cao bản thân mình có thể cứu rỗi được chúng sinh nhằm để lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin. Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Trà Vinh kết luận những quyển sách này không được truyền bá rộng rãi.

Không những thế, trong khi Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là bà con ở vùng nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn; các chương trình phổ cập trung học, đưa con chữ đến tận vùng núi, vùng sâu, vùng xa, các hoạt động vì an sinh xã hội được quan tâm thực hiện thường xuyên để góp phần hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Trạm y tế được xây dựng và trang bị cơ bản đến tận vùng sâu, vùng xa để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thì Nguyễn Văn Bá lại yêu cầu những người theo “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” không được ăn cơm gạo; chỉ được ăn rau, củ, quả. Bởi thế, “tín đồ” của Bá thì không cần chăn nuôi, không cần xây nhà rộng, không nên mua đồ vật có giá trị trong nhà; là con, em trong bổn đạo thì không được học nhiều, chỉ học biết đọc, biết viết là được, không chú trọng việc tăng gia sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, gây hoang mang, bức xúc trong cộng đồng.

Cần xử lý nghiêm minh kẻ vi phạm pháp luật

Năm 2007, Nguyễn Văn Bá đi khỏi địa phương sau khi nhận giấy mời làm việc của Công an huyện Càng Long về hành vi sáng tác, in ấn, tán phát tài liệu có nội dung mê tín dị đoan, tụ tập đông người truyền đạo trái phép và chữa bệnh bằng nước lạnh. Để né tránh việc xử lý của cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Bá dùng ghe để di chuyển đến vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ nhằm tiếp tục truyền tụng, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin.

Mặc dù bị chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành nhiều lần lập biên bản, giáo dục và buộc Nguyễn Văn Bá cam kết không hoạt động tuyên truyền cái gọi “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” nhưng Bá vẫn lén lút tái diễn hành vi sai phạm. Khi bị chính quyền địa phương này phát hiện thì Bá lại tiếp tục di chuyển qua địa phương khác. Số ghe phục vụ việc di chuyển này do “những người đồng đạo” các nơi đóng góp tiền mua lại ghe cũ có tải trọng khoảng 4- 5 tấn rồi sửa sang lại cung phụng cho Bá và được đặt ở các tỉnh, thành như TP Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang phục vụ cho việc di chuyển của Bá.

Những việc làm trên của Nguyễn Văn Bá là vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012, Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc in ấn, tàng trữ, tán phát tài liệu có nội dung liên quan đến “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” do Nguyễn Văn Bá đặt ra là vi phạm điều 24 và 27 của Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Tại Trà Vinh, dù bỏ đi khỏi địa phương nhiều năm nay nhưng Nguyễn Văn Bá vẫn lén lút chỉ đạo vợ là bà Lê Thị Hoa (ở ấp An Chánh, xã Tân Bình, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) tiếp tục hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người tham gia “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật”. Còn Nguyễn Văn Bá thỉnh thoảng có trở về nhà ở xã Tân Bình, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh vào ban đêm và giả gái để tránh bị chính quyền địa phương phát hiện.

Năm 2015, bà Lê Thị Hoa gửi đơn xin phép chính quyền địa phương đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật” tại nhà nhưng Ban Tôn giáo và chính quyền địa phương giải thích, phân tích không đủ cơ sở, điều kiện để thành lập và sinh hoạt. Tuy vậy, bà Hoa và những người thân tín của Nguyễn Văn Bá vẫn tiếp tục lén lút hoạt động.

Nổi lên là việc Nguyễn Văn Bá chỉ đạo bà Lê Thị Hoa cùng những người “đồng đạo” thân tín ở các tỉnh, thành tổ chức xây dựng, cơi nới cơ sở thờ tự tại nơi sinh sống (ấp An Chánh, xã Tân Bình) để phục vụ cho việc sinh hoạt đạo trái phép bao gồm nhà thờ có treo ảnh của Nguyễn Văn Bá và dòng chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật”, nhà nghỉ cho đồng đạo, nhà vệ sinh, khu bếp…với tổng diện tích sàn khoảng 500m2, trước cổng có gắn 4 chữ Hán tạm dịch là Trường Cung Âm Tự. Mặc dù đã được chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, thuyết phục và lập biên bản hành vi sai phạm nhưng bà Hoa vẫn cố tình không hợp tác.

Cuối tháng 4-2022, UBND xã Tân Bình, huyện Càng Long đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Hoa về hành vi sử dụng đất sai mục đích khi xây dựng công trình trên đất trồng cây lâu năm và đất lúa, buộc khắc phục và trả lại hiện trạng ban đầu. Hiện nay, bà Hoa đã đóng tiền phạt nhưng đề nghị giữ lại hiện trạng của công trình.

Ông Huỳnh Công Tín, Phó chủ tịch UBND huyện Càng Long cho biết: “Hành vi sai phạm của bà Hoa là tụ họp sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật, Bửu Sơn Kỳ Hương Phật là tự xưng, chưa được pháp luật Việt Nam công nhận là một tôn giáo. Vì vậy, việc cơi nới, sửa chữa nơi ở thành cơ sở thờ tự là sai phạm. Việc xây dựng công trình giống như cơ sở thờ tự trên đất nông nghiệp cũng sai. Quan điểm của UBND huyện là xử lý theo quy định, buộc phải khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu”.

ANTG

Nguồn: Tre làng

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG