Trang AFP đưa tin, một nhà báo bị bắn chết trong ôtô vào chiều 22/8, ngay sau khi đăng tải một bài viết về vụ mất tích của 43 học sinh 8 năm trước ở Mexico.
Hiện trường vụ án
Theo đó, nhà báo Fredid “Fredy” Roman đã bị phục kích và bắn chết trong ôtô tại thành phố Chilpancingo, thủ phủ bang Guerrero. Những người tấn công có vũ trang sử dụng xe máy để tiếp cận xe nạn nhân, theo AFP.
Ông Roman thường xuyên đưa bài viết của mình lên nhiều trang mạng xã hội khác nhau và tác nghiệp cho một tờ báo địa phương.
Nhà báo bị giết ngay sau khi đăng tải một chuyên mục cáo buộc các chính trị gia địa phương liên quan đến vụ mất tích của 43 học sinh vào năm 2014. Vụ việc được coi là một trong những thảm họa nhân quyền tồi tệ nhất lịch sử Mexico.
Cảnh sát Mexi co tiến hành kiểm tra hiện trường
Được biết, vụ mất tích năm 2014 xảy ra sau khi sinh viên trưng dụng 5 chiếc xe buýt để đi biểu tình. Tuy nhiên, những cảnh sát tham nhũng ở thành phố Iguala, bang Guerrero đã chặn lại và giao cho băng đảng ma túy.
Vụ án trở thành tiêu điểm vào tuần trước, sau khi một ủy ban điều tra coi hành động tàn bạo này là “tội ác nhà nước”. Các nhà điều tra nhận định vụ việc có liên quan đến nhiều tổ chức khác nhau.
Vài giờ trước khi qua đời, Roman đã đăng một bài đăng trên Facebook với tiêu đề “Tội ác nhà nước nhưng không buộc tội kẻ cầm đầu”. Ông đề cập đến một cuộc họp giữa bốn quan chức vào thời điểm các học sinh mất tích, bao gồm cựu Tổng chưởng lý Mexico Jesus Murillo Karam.
Ông Murillo Karam đã bị bắt sau khi báo cáo của ủy ban điều tra được công bố. Hàng chục lệnh truy nã khác được đưa ra đối với các nghi phạm, bao gồm quân nhân, cảnh sát và các thành viên băng đảng.
Biểu tình phản đối việc nhà báo bị sát hại trong những ngày qua, ở Ciudad Juarez
Hiện chưa rõ liệu bài đăng của Roman về những học sinh mất tích hay các tác phẩm báo chí khác có đóng vai trò gì trong cái chết của ông hay không.
Theo chính phủ Mexico, trong năm nay đã có 12 nhà báo thiệt mạng. Một số phương tiện truyền thông đưa ra con số 15 hoặc 16. Đây là năm đẫm máu nhất được ghi nhận đối với các nhân viên truyền thông Mexico.
Với khoảng 150 nhà báo bị sát hại kể từ năm 2000, Mexico được coi là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với báo chí. Bạo lực chống lại báo chí đã tăng vọt dưới thời chính quyền của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador. Hầu hết vụ tấn công nhà báo đều chưa được xét xử.
Bảo Trâm (Theo AFP)
Nguồn: Cánh cò