Sunday, October 13, 2024

Thế giới tuần qua: Lo ngại về dịch bệnh và thời tiết cực đoan

Cùng với những sự kiện liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước, ảnh hưởng từ dịch bệnh và hiện tượng thời tiết cực đoan là những mối quan tâm lớn của người dân các nước về tình hình thế giới tuần qua (15-21/8).

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

* Trong tuần qua, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số ca mắc mới COVID-19 tăng cao và đã vượt ngưỡng 600 triệu ca nhiễm. Trong đó, châu Á là khu vực đã nhiều ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đứng đầu thế giới.

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info sáng ngày 21/8, trong 24 giờ qua thế giới ghi nhận thêm 622.186 ca nhiễm, 1.115 ca tử vong nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 600.216.767 ca, trong đó 6.470.476  ca tử vong và 574.293.668 ca đã được chữa khỏi.

Riêng tại khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất khu vực và thế giới trong tuần qua. Nhật Bản ngày 20/8 ghi nhận 253.265 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới trên 250.000 ca trong làn sóng dịch thứ 7 tại nước này. Trong khi đó, ngày 20/8 Hàn Quốc ghi nhận 129.411 ca mắc mới COVID-19. Dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan mạnh tại Hàn Quốc, cùng với việc chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đã làm bùng phát làn sóng dịch mới.

Thế giới tuần qua: Lo ngại về dịch bệnh và thời tiết cực đoan

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap News)

* Về bệnh đậu mùa khỉ, theo báo cáo của WHO, dịch bệnh đã lan tới 92 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với hơn 40.000 ca mắc bệnh và 12 trường hợp tử vong. Châu Âu và châu Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ hạn chế, các nhà chức trách đang chạy đua để ngăn chặn bệnh này bùng phát thành đại dịch.

Ngày 17/8, WHO một lần nữa cảnh báo kịch bản đại dịch COVID-19 không nên lặp lại vì bệnh đậu mùa khỉ đã trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên thế giới.

Nhiều nước chịu ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan

Trong tuần qua, nhiều nước trên thế giới đã hứng chịu cùng lúc nhiều thảm họa như cháy rừng, lũ lụt, bão, nắng nóng.

Ngày 18/9, cháy rừng thiêu đốt miền đông Tây Ban Nha. Gió lớn thổi bùng lửa tràn qua các vùng bụi rậm, hơn 400 nhân sự và 36 máy bay đã tập trung chiến đấu với lửa. Tuy nhiên, hơn 19 nghìn ha đất vẫn bị thiêu rụi, hơn 1 nghìn người tại các làng mạc xung quanh phải sơ tán và ở yên không ra ngoài.

Thế giới tuần qua: Lo ngại về dịch bệnh và thời tiết cực đoan

Hình ảnh mưa lũ ở New Zealand (Ảnh: Reuters) 

Tại New Zealand, mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp đang gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng ở vùng Nelson. Hơn 400 hộ dân tại đây đã phải sơ tán. Nhiều tuyến đường ngập trong bùn đất sau những trận sạt lở, nhiều trường học cũng phải tạm đóng cửa.

Các trận bão mạnh cũng đang hoành hành tại một số vùng ở Italy sau các đợt nắng nóng nghiêm trọng kéo dài nhiều tuần trước. Tại một số vùng ở miền Bắc như Liguria và Tuscany, sức gió lên tới 140 km/giờ, tàn phá các khu nghỉ dưỡng. Trong khi đó, miền Nam Italy thì lại chịu nắng nóng, nhiệt độ lên gần 40 độ C, thổi bùng cháy rừng trên đảo Sicily. Khói từ cháy rừng đã gây tắc nghẽn giao thông.

Còn tại Pháp, ngày 19/8, cơ quan dự báo thời tiết mới dỡ cảnh báo bão mạnh ở đảo Corsica – 1 ngày sau khi bão, mưa lớn và gió lên tới 225km/h, cướp đi sinh mạng của 5 người trên đảo.

Tại Anh, ngày 19/8, bão tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước và những trận mưa như trút nước đã gây ra tình trạng ngập lụt ở một số khu vực. Cảnh báo giông bão màu hổ phách bao phủ phần lớn khu vực Đông Nam nước Anh, bao gồm cả các vùng của thủ đô London. Cảnh báo đã được đưa ra cho đến 22h, khuyến cáo người dân về việc có thể xảy ra lũ lụt và gián đoạn lưu thông.

Trong khi đó, Trung Quốc đang trải qua các đợt nắng nóng gay gắt nhất trong hơn 60 năm qua, một số nơi ghi nhận nhiệt độ lên tới hơn 44 độ C. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng và hộ gia đình tăng đột biến, gây áp lực lớn lên mạng lưới điện. Ngoài ra, hạn hán cũng đã khiến nước sông cạn kiệt, làm giảm sản lượng điện tại các nhà máy thủy điện.

Cũng tại Trung Quốc, lụt lội và lở đất do mưa lớn ở tỉnh Thanh Hải, miền Tây Trung Quốc, bắt đầu từ cuối thứ tư đã cướp đi sinh mạng của 16 người, 36 người mất tích. Một số sông đã đổi dòng, tràn nước ngập các làng mạc và thị trấn.

Nỗ lực giải quyết khủng hoảng liên quan tới thỏa thuận ngũ cốc và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 18/8 để thảo luận về việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.

Thế giới tuần qua: Lo ngại về dịch bệnh và thời tiết cực đoan

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 18/8 tại Lvov, miền Tây Ukraine. (Ảnh: AFP)

Các nhà lãnh đạo cùng nhất trí duy trì phối hợp thực hiện sáng kiến ngũ cốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng số lượng tàu thuyền xuất khẩu lương thực từ Ukraine. Theo thỏa thuận khung ngày 22/7 do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, Ukraine nối lại xuất khẩu từ tháng 8 qua các cảng trên Biển Đen sau 5 tháng bị đình trệ vì căng thẳng với Nga. Đến nay đã có 27 chuyến tàu chở nông sản xuất khẩu của Ukraine rời cảng theo thỏa thuận này.

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về vai trò mà Liên hợp quốc có thể thực hiện đối với an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc phi quân sự hóa nhà máy này. Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, các thiết bị quân sự và nhân viên cần phải rút khỏi nhà máy Zaporizhzhia và để nơi này không trở thành mục tiêu của các hoạt động quân sự.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Pháp Macron kêu gọi các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới thanh sát nhà máy sớm nhất có thể và đánh giá tình hình tại đây. Nga cho biết sẵn sàng hỗ trợ những gì cần thiết cho đoàn thanh sát viên của IAEA.

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nhà máy này nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng ba vừa qua. Trong những ngày gần đây, tại khu vực này xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự. Hiện, Nga và Ukraine đang cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy này. Cơ quan giám sát hạt nhân thế giới cảnh báo về một thảm họa có thể xảy ra nếu giao tranh không dừng lại.      

Nga cảnh báo tăng 60% giá khí đốt tới châu Âu

Ngày 17/8, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Gazprom của Nga cho biết, giá khí đốt xuất sang châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa Đông này vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Giá khí đốt giao ngay sang châu Âu hiện đã lên mức 2.500 USD/1.000 m3. Theo ước tính, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, giá khí đốt tại đây sẽ vượt 4.000 USD/m3 trong mùa Đông này”, Tập đoàn Gazprom cho biết.

Thế giới tuần qua: Lo ngại về dịch bệnh và thời tiết cực đoan

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Gazprom của Nga cảnh báo giá khí đốt tới châu Âu có thể tăng thêm 60% vào mùa Đông này. (Ảnh: egyptoil-gas.com)

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào nền kinh tế Nga, bao gồm cả các biện pháp tác động đến lĩnh vực năng lượng của nước này. Điều này đang khiến hàng loạt quốc gia EU đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt nghiêm trọng và có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng vào mùa Đông.

Dòng khí đốt từ Nga, nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu đang giảm trong năm nay, sau khi một tuyến đường ống ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, nguồn cung khí đốt cho một số nước châu Âu cũng bị cắt do từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble đã đẩy giá khí đốt tăng mạnh.

Trong những tuần gần đây, Gazprom đã giảm lưu lượng khí đốt qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức xuống chỉ còn 20% công suất sau nhiều tranh cãi liên quan đến các thiết bị vận hành đường ống này. Dòng chảy phương Bắc 1 hiện là một trong những tuyến đường ống dẫn khí chủ chốt từ Nga sang EU còn hoạt động.

Thổ Nhĩ Kỳ không kích biên giới Syria khiến hàng chục người thương vong

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) vừa cho biết, vụ không kích do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ngày 16/8 nhằm vào một vị trí quân sự ở miền Bắc Syria đã khiến 11 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Cũng theo SOHR, số người thiệt mạng có thể sẽ còn cao hơn số liệu thông báo do nhiều người bị thương trong tình trạng nghiêm trọng.

Thế giới tuần qua: Lo ngại về dịch bệnh và thời tiết cực đoan

Quang cảnh thị trấn Kobane của Syria được chụp từ thị trấn biên giới Suruc thuộc tỉnh Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ . (Ảnh: Reuters)

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu cho biết, các máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành 12 cuộc không kích nhằm vào các vị trí của quân đội Syria được triển khai trên dải biên giới phía Tây Kobane –  một thị trấn do người Kurd nắm giữ. Theo người phát ngôn của SDF Farhad Shami, các cuộc không kích đã gây ra “thương vong”, song không tiết lộ số liệu cụ thể.

Chính phủ Syria đã triển khai lực lượng tới khu vực do các tay súng người Kurd kiểm soát gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được thực hiện như một phần của thỏa thuận nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới do Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.

Trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các cuộc tấn công vào các khu vực ở phía Bắc và Đông Bắc Syria trong khuôn khổ chiến dịch chống lại lực lượng dân quân người Kurd. Vụ không kích ngày 16/8 diễn ra sau các vụ đụng độ xuyên đêm giữa các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và Các lực lượng Dân chủ Syria ở phía Tây tỉnh Kobane./.

PV (tổng hợp)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG